(kontumtv.vn) – “Việt Nam có thể trở thành đối tác của Mỹ trong việc giám sát chung trên Biển Đông, qua đó góp phần bảo vệ tự do hàng hải tại một trong những tuyến đường biển quan trọng bậc nhất trên thế giới”- GS John Quelch.

GS Michael Dukakis – Cựu Thống đốc bang Massachusettes, Cựu ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ và GS John Quelch – Trường Đại học kinh doanh Harvard đã có những bình luận về quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ nhân chuyến thăm của Tổng thống Obama và tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam.

Đối tác của Mỹ để giám sát chung trên Biển Đông

GS John Quelch*: Tổng thống Obama dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam là một bước đi quan trọng tiếp theo hướng đến việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai nước. Việt Nam và Hoa Kỳ đang thiết lập khuôn khổ để tạo dựng mối quan hệ lâu dài giữa hai nước trong thế kỉ 21 và Việt Nam sẽ có những đóng góp quan trọng vào khuôn khổ này.

Việc thỏa thuận dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam đã từng gây tranh cãi rất nhiều ở Hoa Kỳ, đặc biệt là tại Nhà Trắng. Một số người phản đối quyết định chấm dứt cấm vận vũ khí đối với Việt Nam bởi họ quan ngại về vấn đề quyền con người tại Việt Nam.

Có một điểm cần lưu ý ở đây, mặc dù lệnh cấm vận vũ khí được dỡ bỏ, nhưng mỗi hợp đồng mua sắm vũ khí lại cần những sự chấp thuận khác nhau. Dó đó, Mỹ vẫn có thể gây ảnh hưởng đối với Việt Nam xét trong bối cảnh các vấn đề quyền con người và tự do báo chí.

Tôi cho rằng đây là một vấn đề quan trọng đối với nhiều người Mỹ và các nhà lãnh đạo Việt Nam không nên xem nhẹ việc này.

Obama, biển Đông, GS Michael Dukakis, Harvard. GS John Quelch
Ảnh thứ tự từ trái sang: GS Ezra Vogel, GS Michael Dukakis, GS John Quelch.

Không hẳn liên quan đến quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận, nhưng tôi nghĩ Việt Nam sẽ nâng cao vị thế rất nhiều đối với Mỹ nếu Chính phủ Việt Nam có những động thái quan trọng lĩnh vực trên.

Nguồn cung vũ khí chủ yếu của Việt Nam là từ Nga, cho nên việc Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sẽ cho phép Việt Nam có nhiều cơ hội đàm phán hơn với Nga, bởi Việt Nam giờ đã có thêm nguồn cung cấp mới từ phía Mỹ. Nó cũng cho phép Việt Nam bổ sung vào kho vũ khí tiêu chuẩn từ Nga bằng những thiết bị giám sát mua của Mỹ.

Việt Nam có thể trở thành đối tác của Mỹ trong việc giám sát chung trên Biển Đông, qua đó góp phần bảo vệ tự do hàng hải tại một trong những tuyến đường biển quan trọng bậc nhất trên thế giới. Việt Nam có lẽ là quốc gia mà người Mỹ đã quá quen thuộc với tên gọi. Việt Nam có tiềm năng đóng vai trò quan trọng như một đối tác của Hoa Kỳ trong việc duy trì đảm bảo cân bằng quyền lực ở Biển Đông.

Trong vòng 20 năm qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ kinh tế to lớn, không có lý do gì điều đó lại không tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần cải cách cơ cấu nhiều hơn nữa để phát triển thị trường tự do, đồng thời cần đảm bảo thượng tôn pháp luật, không gây cản trở các giao dịch thương mại và hoạt động của thị trường chứng khoán.

Sản phẩm mang thương hiệu “Made in Vietnam” lúc này chưa có gì quá tích cực. Đây là thời điểm để Việt Nam tự viết nên sứ mệnh cũng như mục tiêu, ý nghĩa mới mẻ cho thương hiệu của mình.

Chúng ta không cần cuộc Chiến tranh Lạnh nữa

GS Michael Dukakis*: Tổng thống Obama đến thăm Việt Nam trong thời gian này là một điều rất quan trọng. Bởi vì như chính bản thân tôi từng may mắn có ba cơ hội được đến đây, không có gì bằng việc đến tận nơi gặp gỡ, nói chuyện và lắng nghe mọi người để hiểu được vai trò đặc biệt của Việt Nam.

Obama, biển Đông, GS Michael Dukakis, Harvard. GS John Quelch
Tổng thống Obama bắt tay Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh tại lễ đón sáng 23/5

Mục tiêu chung của cộng đồng quốc tế tạo những điều kiện ở châu Á – Thái Bình Dương để mang lại hòa bình và an ninh cho tất cả các quốc gia. Chúng ta không cần một cuộc Chiến tranh Lạnh nữa, mà chúng ta cần một khuôn khổ cho hòa bình và an ninh, thiết lập trên thực tế các quy tắc ứng xử cho tất cả những quốc gia như như ở khu vực xung quanh nước Mỹ.

Hoa Kì có các tổ chức tập hợp được các quốc gia, với những khuôn khổ như vậy, hay còn gọi là hiến pháp chung giữa các nước. Châu Á-Thái Bình Dương cũng cần kiểu khuôn khổ như vậy. Việt Nam sẽ đóng một vai trò quan trọng và đặc biệt nhờ chính bản thân đất nước, lịch sử, sự phát triển thịnh vượng của các bạn bởi thực tế ngày càng nhiều người từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là người dân châu Á, đang trầm trồ với những gì diễn ra tại Việt Nam.

Chuyến thăm của Tổng thống Obama chính là lời khẳng định rằng không cần một cuộc Ciến tranh Lạnh ở châu Á-Thái Bình Dương hay bất cứ nơi nào, mà chúng ta cần hòa bình, an ninh và các quy tắc được tất cả thừa nhận và tuân thủ, qua đó sẽ ngày càng đẩy lùi chiến tranh và xung đột, có thể bắt đầu với thỏa thuận hạt nhân Iran.

Với tư cách là Chủ tịch Diễn đàn Toàn cầu Boston, năm nay chúng tôi đặc biệt quan tâm vấn đề an ninh mạng, chiến tranh mạng. Hội nghị G7 tới đây cũng cố gắng thảo luận vấn đề này. Chúng ta cần một bộ quy tắc ứng xử để các nước tôn trọng hệ thống thông tin của nhau, và không thực hiện những cuộc chiến tranh mạng. Chính Bộ Quy tắc ứng xử mới là thứ cộng động quốc tế cần đề quản lý những gì đang diễn ra trên thế giới thông tin ngày nay.

Lan Anh ghi/Vietnamnet

*GS Michael Dukakis là Chủ tịch Diễn đàn toàn cầu Boston (BGF)

*GS John Quelch là một trong những người sáng lập Diễn đàn toàn cầu Boston (BGF)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *