(kontumtv.vn) – Trên thương trường, người ta thường ước “một vốn bốn lời”. Phan Quang có ba vốn tự có thì lời lãi trong văn chương, báo chí là chuyện thường tình.

Ông Phan Quang hơn tôi gần hai giáp, nhưng vì đồng nghiệp, lại đồng hương nên tôi thân mật gọi bằng anh. Ông xởi lởi: “Được thôi. Cho nó trẻ. Quê miềng mà”. Tôi biết Phan Quang khi anh đã làm báo, viết văn qua 40 năm. Ấy là một ngày hè năm 1988, anh về 58 Quán Sứ nhậm chức Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam. Vậy mà Tết 1995 tôi mới được đi công tác với anh, cũng là dịp cùng về thăm quê. Sau chuyến đi ngắn ngủi ấy, rồi những ngày nghỉ hưu năng đến thăm anh chị hơn, tôi hiểu thêm một chút về anh.

Ghé thăm Thành cổ Quảng Trị, anh đứng hồi lâu bên bức tường nham nhở bởi bom đạn cày xéo, vết tích cuối cùng còn lại của trường Tiểu học Bồ Đề, nơi anh từng theo học thuở thiếu thời. Năm 1947 – 1948, anh tròn 20 tuổi, cũng là lúc vỡ mặt trận Bình Trị Thiên. Một cuộc di cư ồ ạt ra Thanh Nghệ Tĩnh. Trong đoàn người tản cư ấy có Phan Quang Diêu (Tên khai sinh của Phan Quang). Nhận ra chàng trai thư sinh, có học, Bí thư Nguyễn Chí Thanh đưa anh vào làm báo Cứu quốc Liên khu IV. Anh tập tọng làm báo từ đấy với bút danh Hoàng Tùng, và bài báo đầu đời là “Thăm một xưởng vũ khí của dân quân”, đăng trên báo Cứu quốc Liên khu IV ngày 9 và 10/11/1948.
Nhà báo Phan Quang nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất

Tôi dùng từ “tập tọng” cũng không quá. Có lần Phan Quang trả lời phỏng vấn rằng: “Tôi vào nghề năm 20 tuổi, chưa được học hành gì. Như một người bị ném xuống nước, có chới với cũng cố mà ngụp lặn, nếu không muốn chết chìm”. Năm 1954, Phan Quang Diêu về làm việc tại báo Nhân dân. Một tòa báo không thể có hai Hoàng Tùng. Từ đó bạn đọc có một Phan Quang.

Bây giờ trước mắt tôi là tuyển tập Phan Quang, khổ lớn, dày 1675 trang, một tuyển tập 10 năm gồm 831 trang in. Gần bốn chục đầu sách Báo chí, Văn học. Anh còn là một dịch giả mà chỉ cần đọc một lần cũng khó quên như “Hội chợ bán người”, “Những ngôi sao ban ngày”, “Nghìn lẻ một đêm”…

Xuyên suốt cuộc đời Phan Quang là Nghề báo. Về báo chí nói chung, anh quan niệm: “Chung quy vẫn là sự phối hợp đồng bộ: chữ, tiếng, âm thanh, ảnh, hình, đồ họa… Báo chí theo loại hình nào cũng chỉ một chức năng: phục vụ con người. Mà trong tồn tại, con người chỉ có thể lưu giữ tư duy bằng ngôn ngữ và văn tự”.

Sau 40 năm lăn lộn với từng con chữ, trang in, mùa hè năm 1988, Nhà báo Phan Quang bước vào ngã rẽ nghề nghiệp: báo Phát thanh. Một lối rẽ giữa ngã hai lựa chọn, giữa thời bao cấp khốn khó. Mới được đề bạt Thứ trưởng Bộ Thông tin chưa ấm chỗ, Phan Quang được Trung ương tín nhiệm kiêm giữ chức Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam thay Nhà báo lão thành Trần Lâm nghỉ hưu. Theo cách nói của ông Đào Duy Tùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư: “tạm giao cho anh làm việc hai chân vậy, vừa ở Bộ vừa ở Đài”. Phan Quang muốn giúp đồng hương Bộ trưởng Trần Hoàn nhiều việc, trong đó có việc hệ trọng là soạn thảo Luật Báo chí, nhưng mặt khác, anh bộc bạch “như một cảm nhận lâu nay dồn nén xuống đáy lòng, tôi mang máng thích thú nếu được trở lại trực tiếp làm báo, cho dù trách nhiệm quản lý cơ quan sẽ nặng nề.” Cuối cùng anh thẳng thắn trình bày với ông Đào Duy Tùng: “Thưa anh, Ban Bí thư đã quyết định tôi sang Đài, tôi xin chấp hành. Tuy nhiên xin các anh cân nhắc, sức tôi không thể kiêm nhiệm hai việc, cho dù anh bảo chỉ làm một thời gian. Đó là nguyện vọng, xin đề đạt với anh, mong được Ban Bí thư xét cho”. Tuần sau, Phan Quang nhận được quyết định của Ban Bí thư và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam mà không phải kiêm nhiệm.

Cái “mang máng thích thú” của Phan Quang muốn được trực tiếp làm báo là có lý, bởi người ham viết “đã mang cái nghiệp vào thân” thì khó dứt lắm. Nhưng trước mắt anh là một Đài phát thanh Quốc gia mới trải qua “cơn bão tách nhập”, ít nhiều bị xáo trộn. Biên chế hơn 600 người lại rơi vào lúc Chính phủ kiên quyết giảm biên chế 20%. Công việc tăng thêm, người rút xuống còn 500, nhiều công nhân, ca sỹ đang độ sung sức phải nghỉ chế độ. Cái quan tâm đầu tiên của một Phan Quang thâm niên, thành đạt trên trang báo in, giờ đây là mặt sóng chương trình phát thanh hàng ngày và các Ban biên tập, Đài bá âm, Đài Phát sóng, Hệ thông truyền dẫn, cột angten. Anh chọn “đột phá khẩu” là tổ chức lại mặt sóng, các Ban Biên tập, nhưng nhìn đi ngoảnh lại cộng sự toàn là những người mới. Anh về Đài một mình, không mang theo một ai từng cộng tác thân thiết. Lái xe là anh Nguyễn Bá Hùng từng phục vụ thủ trưởng Trần Lâm.

Trước hết Tổng Giám đốc quyết định chấm dứt ngày phát thanh ba buổi: sáng, trưa, chiều tối mà kéo dài liên tục. Bắt đầu từ 1/1/1989, Hệ Chương trình Đối Nội của Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng liên tục từ 4h55 đến 22h30. Thời lượng tăng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều chương trình phát thanh ra đời, như “Tạp chí truyền thanh: 45 phút” (cấu tạo kiểu magazine), “Câu lạc bộ Người cao tuổi”, “Kinh tế Tổng hợp”, “Nhà nước và Pháp luật”, “Du lịch”, “Tài nguyên Dân số và Môi trường”, “Thông tin Kinh tế Xã hội” (sau đổi tên là Quảng cáo và Nhắn tin)

Anh nhận ra: Đài Quốc gia có hai hệ Đối nội và Đối ngoại. Thính giả được nghe, phải nghe, ít sự lựa chọn. Anh bàn với Phó Tổng Biên tập Phạm Mai Luân, kiêm Trưởng ban Đối nội tổ chức lại mặt sóng với nhiều nội dung, đối tượng chuyên sâu, để thính giả được lựa chọn chương trình cần nghe, yêu thích. Làm sao để chuyển cán bộ, phóng viên, biên tập từ “con dao pha” thành “chuyên gia”. Muốn vậy trước mắt phải nâng cấp, tăng thêm các cơ quan chức năng tham mưu, giúp việc cho Tổng Giám đốc. Vậy là trong năm 1988, liên tục các Ban chức năng ra đời. Ban Thư ký Biên tập được thành lập, tham mưu cho Tổng Giám đốc nắm bắt kế hoạch thông tin, tuyên truyền của các Ban, tổng hợp lập kế hoạch tuyên truyền của toàn Đài, đôn đốc thực hiện, bảo đảm phối hợp nhịp nhàng giữa các Ban biên tập. Tham mưu, giúp Lãnh đạo Đài sơ kết, tổng kết. Ban Tổ chức Cán bộ, Ban Kế hoạch Tài vụ, Ban Quan hệ Quốc tế, Văn phòng lần lượt ra đời.

Tổng Giám đốc chủ trương “hai nghe”. Nghe thính giả và nghe anh em trong Đài nói gì, cần gì. Năm 1989, anh chỉ đạo Ban Bạn nghe Đài điều tra dư luận thính giả nghe đài ở một số tỉnh đồng bằng Bắc bộ và miền Trung. Kết quả là các chương trình có lượng người nghe từ 25-87%. Thông thường, trước khi nghe cấp dưới báo cáo Tổng Giám đốc nhắc “ngắn gọn thôi nhé”, nhưng khi nghe kết quả điều tra dư luận thính giả nghe Đài, sếp không nói gì, chỉ nghe và ghi chép. Anh gạch đỏ dưới chân dòng nhận xét: “Thính giả đề nghị được nghe tin nhanh nhất, mới nhất, có ích nhất, được thưởng thức âm nhạc nhiều hơn, hay hơn, được tư vấn, giải thích nhiều hơn nữa về các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là khoa học và pháp luật”. Thủ trưởng kết luận ngắn gọn: “Bạn nghe Đài đã chỉ lối đổi mới cho chúng ta rồi đấy”.

Tôi đang là Phó Ban Thính giả được chuyển sang làm Phó Ban thư ký Biên tập nhận ngay công việc chưa hề làm bao giờ: “Nghiên cứu, khảo sát, xây dựng Hệ chương trình Âm nhạc và Tin tức, phát trên sóng FM”. Có lần trong lúc đợi xe, anh Phan Quang hỏi tôi: “Ep em (FM) đến đâu rồi hả ông Thư ký?”. Tôi liền báo cáo ngắn gọn, anh nói nhỏ “Này, các cậu làm nhanh lên, không thì thua cả Lào đấy”. Thì ra, vào thời điểm ấy Đài phát thanh Quốc gia lạc hậu FM thật. Sài Gòn trước 1975 đã có Đài FM, các nước trong khu vực có cả. Ngay cả Vientiane, thủ đô nước bạn Lào cũng đã có FM. Trong khi tôi và Nhạc sỹ Cát Vận đang kẻ ô, bố trí khung và nội dung chương trình thì Tổng Giám đốc Phan Quang cùng cán bộ kỹ thuật, bá âm, tài vụ xoay xở đủ chiều, nhưng không thoát ra khỏi vòng kim cô cấm vận của Hoa Kỳ. Cuối cùng, hãng Thompson của Pháp đã nhiệt tình hợp tác với Đài Tiếng nói Việt Nam. Vậy là sản phẩm Phát thanh đầu tay của Tổng Giám đốc Phan Quang đã thành. Ngày 4/9/1990, với sự có mặt của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, khai trương Đài FM Âm nhạc và Tin tức. Ba ngày sau: 7/9 chính thức phát sóng. Anh em vỗ tay reo mừng, Tổng Giám đốc nhỏ nhẹ: “Chúng ta đã có một bước đi khiêm tốn, nhưng quan trọng, là một bước đột phá để nâng cao chất lượng làn sóng, và là tiền đề cho phát triển FM sau này”.

Ngày 26/2/1992, nhận được báo cáo của Ban Thư ký biên tập tổng kết 47 năm hình thành và phát triển Hệ Đối Nội, Tổng Giám đốc nhấn mạnh: cuộc sống đòi hỏi chúng ta phải đổi mới, phải sáng tạo. Không còn cách nào khác, chúng ta phải tách hệ, mặc dù thêm nhiều việc, dù thiếu người, thiếu tiền, thiếu máy móc, thiết bị. Đài Tiếng nói Việt Nam bắt đầu đổi mới từ nội dung, phát triển đa hệ chương trình. Đổi mới liên tục trên toàn hệ thống.

Mặt bàn Trưởng ban Thư ký Biên tập ngày ấy phủ tràn hàng ngang, cột dọc, chi chít những khung giờ, nội dung chương trình, phát đi, phát lại. Có lần anh Phan Quang nhìn chăm chú rồi nhún vai: “làm gì thì làm, nhưng phải bảo đảm tập quán nghe đài của thính giả”. Từ 1/7/1994, Đài Tiếng nói Việt Nam phát hai hệ chương trình Đối nội song song hàng ngày từ 4h55 đến 23h. Hệ 1: Thời sự Chính trị, Kinh tế. Hệ 2: Văn hóa xã hội Khoa giáo. Ban Biên tập Đối nội tách thành 3 Ban: Thời sự Chính trị, Văn hóa Xã hội Khoa giáo và Ban Bạn nghe đài. Việc tách Hệ, chia Ban không chỉ là bước chuyển biến quan trọng, thể hiện sự phát triển về số lượng mà cốt yếu là bước chuyển đổi về chất, tạo đà cho phát thanh hiện đại. Hàm lượng thông tin tăng nhanh, phát thanh trực tiếp được mở rộng, diễn đàn, giao lưu, tư vấn nhiều gấp bội phần trước đổi mới. Phát một lúc nhiều hệ chương trình đã mở lối tạo cho thính giả thói quen nghe đài mới. Không phải “bị nghe”, “bắt nghe” mà được lựa chọn nghe theo ý thích, thời gian, công việc thích hơp của mỗi người, nhóm người, ngành nghề. Cùng với việc thành lập, củng cố và phát triển cơ quan thường trú tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Tổng Giám đốc Phan Quang cùng Lãnh đạo Đài đã đặt nền vững chãi cho các cơ quan thường trú trong và ngoài nước sau này, bước đầu xóa điều tiếng Đài Quốc gia là “Đài Sông Hồng”.

Hôm khánh thành Phòng Truyền thống của Đài ở gác hai, phòng Biên ủy có người so sánh với thời trước, anh Phan Quang từ tốn: “Mỗi thời mỗi khác, có thuận lợi mà cũng có cái khó riêng. Thời anh Trần Lâm, khó khăn thiếu thốn trăm bề, lại chiến tranh ác liệt nữa”. Nhà báo Phan Quang gọi vị tiền nhiệm của mình là “Một đời tận tụy với làn sóng điện”, và viết: “Nhà báo Trần Lâm, vị tiền nhiệm của tôi là một đại thụ của Báo chí cách mạng Việt Nam… Anh chỉ có hai từ cho một đời cống hiến “Phát thanh”. Qua gần nửa thế kỷ đồng hành cùng dân tộc, hai từ ấy đã biến anh cùng Đài Tiếng nói Việt Nam thành tượng đài trong ngành truyền thông nước nhà”.

Trân trọng, quý mến người đi trước, thấu hiểu hoàn cảnh cụ thể của anh em trong cơ quan là nhà báo Phan Quang có được. Mới về Đài, anh đã xem cụ thể thang bậc lương nhiều người. Anh ngạc nhiên khi thấy nhiều nhà văn, nhà thơ, ca sỹ trong Đài nổi tiếng, nhưng lương quá thấp. Nắm bắt chủ trương của Trung ương là những trường hợp đặc biệt, có lý do chính đáng và được thủ trưởng cơ quan ký, có con dấu hình Quốc huy thì được Bộ trưởng Tài chính xem xét, có thể tăng vượt cấp 2 bậc lương. Anh bàn bạc với các đơn vị lên danh sách khoảng chục người, chủ yếu là văn nghệ sỹ thành danh. Rút cục hai người được tăng lương vượt cấp, một nhà thơ và một ca sỹ.

Phan Quang kín đáo, kiệm lời, trang nhã, ít xô bồ nên nhiều người gọi anh là “quan báo” hay “chính khách”. Trả lời phỏng vấn của phóng viên Người làm báo Bình Định và Tạp chí nghề báo thành phố Hồ Chí Minh, nhà báo Phan Quang dứt khoát: “Tôi không phải là chính khách. Chẳng qua do Tổ chức phân công làm Đối ngoại ba khóa Quốc hội, giúp việc ba đời chủ nhiệm. Mười lăm năm làm ông phó, chẳng có gì nhiều để nói, chỉ có vất vả chuyện đi lại. Được cái mỗi chuyến đi cũng cho mình ít nhiều điều mắt thấy tai nghe và một số tư liệu để làm nghề của mình”.

Nói anh là “quan báo” đúng nghĩa là lãnh đạo, quản lý một cơ quan báo chí thì không sai. Ở Báo Nhân dân, Ban Tuyên huấn Trung ương, Tạp chí Người làm báo, Bộ Thông tin, Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam hay Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, anh đều tham gia lãnh đạo, quản lý. Anh bộc bạch: “Ở đâu thì cũng nghề ấy, nghiệp ấy. Dù sao cùng một lúc, đảm đương nhiều trách nhiệm cũng giúp cho mình dày dạn dần, tự tin hơn”. Nghề báo nghiệp văn đã thẩm thấu trong từng nếp nghĩ, tâm can của một Phan Quang. Có lần trước khi đưa bài đăng trên tạp chí Phát thanh, tôi hỏi qua điện thoại là lấy Nhà Văn, hay Nhà báo Phan Quang, anh trả lời gọn lỏn: “Phan Quang là được rồi”.

Nhà báo Phan Quang – nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (giữa), Tổng GĐ Đài TNVN trao đổi với các nhà báo ở Lâm Đồng

Trước khi nghỉ hưu, Nhà báo Trần Lâm tâm sự: “Cuối nhiệm kỳ mình làm được một việc có ích sau cùng là ký Quyết định thành lập Ban Thính giả”. Nhà báo Phan Quang cũng vậy, rất quan tâm đến phản hồi của người nghe đài. Chương trình Tiếp chuyện Bạn nghe Đài thường được anh nhận xét chu đáo sau chương trình Thời sự. Tết Nguyên đán đến, anh em biên tập đề nghị Tổng Giám đốc phát biểu chúc mừng năm mới thính giả trong và ngoài nước. Anh bảo nên làm, nhưng phát ở đâu thì nên tính toán chu đáo. Anh em Thời sự chọn giây phút sau Lời chúc mừng năm mới của Chủ tịch nước. Anh suy nghĩ rồi cho ý kiến: “Mình phụ trách Đài Tiếng nói Việt Nam, nhân năm mới thì bày tỏ lòng biết ơn thính giả đã nghe đài, nhận xét đóng góp ý kiến cho Đài Quốc gia là được rồi. Sau đó Tổng Giám đốc Phan Quang phát biểu cảm ơn thính giả xa gần nhân dịp năm mới trong chương trình “Tiếp chuyện Bạn nghe đài”. Cái khiêm nhường của một nhà báo từng trải, đầy tự trọng. Nhưng không phải ai cũng theo được.

Sâu thẳm trong Phan Quang là một miền quê Quảng Trị gió Lào cát trắng, nắng chát chúa, mưa xối xả, bão cuồng điên và chiến tranh tàn khốc. Con người Quảng Trị phải chấp nhận và vươn lên để sống, để tồn tại như bao con người. Anh viết: “Mới tuổi thiếu niên tôi đã rời làng quê, rồi đi khắp cả nước, đã ngoài 50 năm sống ở thủ đô Hà Nội. Mà sao tôi vẫn thấy mình là một người Quảng Trị 100% với những bản tính khó sửa: thẳng thắn, trung thực đến cực đoan, vụng về trong đối xử, lắm khi nó đã hại mình. Nhưng xứ quê nghèo ấy lại có những tiếng hát, giọng hò, giọng nói, nghe là thấy thân thương, da diết. Điều đó không cắt nghĩa được, nhưng quả thật nó đã tạo nên tâm hồn đa cảm, tạng người lãng mạn của mình. Tôi được nhận từ quê hương nguyên vẹn con người tôi”.

Quê hương Quảng Trị, xứ sở Miền Trung gồng mình gánh hai đầu đất nước thấm đẫm trong nhiều trang viết của Phan Quang. Ngòi bút của Phan Quang tung tẩy khắp mọi miền đất nước, nhất là đồng bằng Sông Cửu Long. Mỗi tên đất, tên miền trên thế giới mà anh đi qua đều để lại dấu ấn trong từng bút ký ngồn ngộn chất sống và thấm đẫm tình người. Có lần tôi gọi anh là “người săn chi tiết”. Anh không nói gì mà chỉ cho tôi câu nói ngắn gọn của một nhà văn nước ngoài: “những chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Phan Quang là cây viết có vốn sống dồi dào, vốn kiến thức sâu rộng, có vốn ngoại ngữ thông thạo, mà như anh nói “mỗi ngoại ngữ mở ra một chân trời hiểu biết”. Trên thương trường, người ta thường ước “một vốn bốn lời”. Phan Quang có ba vốn tự có thì lời lãi trong văn chương, báo chí là chuyện thường tình.

Gần 70 năm làm báo, viết văn, Phan Quang gói gọn trong 4 động từ “Đi, Đọc, Nghĩ, Viết”. Nghỉ hưu, ít đi hơn, nhưng ba động từ còn lại vẫn đeo đẳng anh. Anh viết chậm, kỹ lưỡng. Có nhiều bài ngờ ngợ về tư liệu ở Đài, anh hỏi tôi qua Email. “Bây giờ đi chậm, viết chậm, tai nghễnh ngãng, nhưng cây bút vẫn thôi thúc, vẫn viết…”. Trả lời phỏng vấn của nhà báo Lưu Nhi Dũ ở thành phố Hồ Chí Minh “Nhiều nhà báo đã nghỉ hưu là buông bút. Còn ông, bí quyết nào giúp ông vẫn đều đều?” Phan Quang trả lời: “Đã nghỉ hưu mà vẫn đeo đẳng với nghề, chẳng qua là tại cái nghiệp của mình nó vậy. Nghề gắn với nghiệp. Triết gia xưa nói: “Ta suy nghĩ tức là ta tồn tại”. Đối với mình, phải chăng “Ta viết, tức là ta tồn tại”./.

Vĩnh Trà/VOV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *