(kontumtv.vn) – Bộ trưởng Y tế đến nhà nữ sinh bị cưa cụt chân để xin lỗi và nhận trách nhiệm. Tiếp sau đó, người dân mong muốn cần có cuộc thay máu trong ngành y.

Nữ sinh Lê Thị Hà Vi (ở Đắc Lắc) bị gãy chân, vì sự tắc trách của bệnh viện đã phải cưa mất một chân. Vụ việc này khiến dư luận quan tâm, bày tỏ sự bức xúc. Còn em Vi, ngoài nước mắt và sự chán chường, em chỉ biết tin vào số phận. Vâng, không phải chỉ mình em đâu, mà rất nhiều người vào viện điều trị, nhưng vì sự tắc trách của bác sĩ mà mang thương tật, tàn phế suốt đời… nhưng họ cũng chỉ biết tự an ủi rằng đó là số phận của mình, “may mà vẫn giữ được mạng!”.

Và người đứng đầu ngành y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã đích thân đến nhà em Vi để xin lỗi và hứa sẽ lo cho tương lai của em nếu sau này em học ngành y.

vu nu sinh bi cua chan: bo truong y te xin loi la xong? hinh 0
Bộ trưởng Y tế đến nhà em Lê Thị Hà Vi xin lỗi và nhận trách nhiệm

Những hành động này chỉ phần nào làm nguôi ngoai nỗi đau của chính em Vi và gia đình em, nhưng chất chứa phía sau đó là những vấn đề rất lớn, tồn tại lâu nay trong hệ thống y tế nước nhà từ tuyến cơ sở đến trung ương. Đằng sau lời xin lỗi và nhận trách nhiệm của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, người dân còn đang mong mỏi một cuộc “thay máu” thực sự trong ngành y.

Phải nghiêm túc thừa nhận rằng, việc đầu tư không thích đáng cho y tế cơ sở đã khiến những đơn vị này luôn trong tình trạng èo uột toàn diện. Thực tế hiện nay, ít có bệnh viện tuyến huyện nào có đủ cơ sở để chữa các bệnh nặng nên đã khiến người dân không lựa chọn các bệnh viện này khi có bệnh. Việc đầu tư cho con người cũng hạn chế, chính vì thế, nhiều bác sĩ giỏi ra trường không muốn chọn bệnh viện tuyến dưới làm nơi gắn bó, công tác của mình. Giống như một cái vòng luẩn quẩn: trình độ tay nghề kém, trang thiết bị không có nên không thu hút được bệnh nhân, từ đó không có điều kiện để va vấp, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao tay nghề. Giả hoặc, có bác sĩ nào giỏi về làm ở bệnh viện huyện một thời gian thì họ cũng mau chóng tìm đường thoái lui về tuyến cao hơn công tác, gắn bó.

Suy nghĩ đã hằn sâu vào tâm trí người dân không tin tưởng vào Bệnh viện tuyến huyện cộng với việc đầu tư chưa thích đáng và chưa hiệu quả nên mới đẩy đến tình trạng hôm nay. Họ chỉ đến bệnh viện huyện để khám những bệnh đơn giản, hắt hơi, xổ mũi mà thôi.

Bên cạnh đó, thái độ, cách cư xử của một số y bác sĩ khiến người dân “khiếp sợ”. Không riêng gì bệnh viện tuyến cơ sở, tuyến huyện, tỉnh… mà ngay cả bệnh viện tuyến trung ương, thái độ phục vụ của y bác sĩ đã khiến nhiều người có tâm lý ngại đến bệnh viện. Đây là một trong những lý do giải thích cho việc vì sao người Việt Nam lười đi khám bệnh tổng thể, khám sàng lọc bệnh. Chỉ khi nào ngã quỵ, không chống chọi được nữa người ta mới tìm đến bác sĩ. Điều này gây thiệt hại rất lớn cho kinh tế xã hội, vì khi bệnh nặng, kinh phí chữa bệnh sẽ rất tốn kém.

Mỗi năm người Việt Nam chi hàng tỷ USD để ra nước ngoài khám chữa bệnh. Con số này không biết có khiến ngành y tế suy ngẫm? Tất nhiên, chuyện người dân có tiền ra nước ngoài khám chữa bệnh là sự lựa chọn của riêng họ, không ai cấm đoán và không phải chỉ xảy ra ở nước mình. Nhưng con số này thường tăng qua các năm. Các bác sĩ giỏi ở Việt Nam tự hào vì tay nghề của họ không thua kém gì bác sĩ ở Mỹ, Nhật, Canada, Anh, Pháp… nhưng chất lượng dịch vụ y tế của ta thì chẳng dám so sánh với ở đâu. Đây chính là lý do vì sao người giàu, người có tiền không muốn ở trong nước khám chữa bệnh. Và chúng ta đã làm chảy máu ngoại tệ trong lĩnh vực y tế một cách rất rõ ràng và đơn giản.

Chưa kể, nay chỗ này có tin sản phụ tử vong, mai chỗ khác có người phải cưa chân, mất mạng… và kết luận chỉ đơn giản là “sự cố y khoa ngoài ý muốn”. Thiệt thòi đổ hết lên đầu người bệnh và gia đình họ. Và Bộ trưởng lại tiếp tục xin lỗi. Nhưng xin thưa, xin lỗi không chưa đủ, bởi lời xin lỗi đó không thể lấy lại đôi chân, lấy lại tính mạng của của những người đã mất. Để Bộ trưởng không phải tiếp tục đi xin lỗi và nhận trách nhiệm nữa thì ngay từ bây giờ, hệ thống y tế phải được “thay máu”, siết chặt từ khâu tuyển sinh, đào tạo, bỗi dưỡng cán bộ.

Các cụ ta có câu “Con dại, cái mang”. Với ngành y, không thể chấp nhận mãi chuyện “con dại” và “cái phải mang”. Bởi mỗi cái dại của con là một tính mạng con người đi kèm. Xin những người làm ngành y hiểu rằng, không một gia đình nào muốn được Bộ trưởng thân chinh đến nhà xin lỗi và nhận trách nhiệm đâu!/.

An Nhi/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *