(kontumtv.vn) – Tháng 8/1979, tại tỉnh Gia Lai – Kon Tum, một trường học dành riêng cho công tác chăm sóc, dạy dỗ, nuôi dưỡng học sinh Lào đã được thành lập. Trong 10 năm hoạt động, trường góp phần đào tạo cho nước bạn Lào gần 1.000 cán bộ, lưu học sinh. Hơn 60 giáo viên, viên chức tham gia giảng dạy trong nhà trường thời điểm ấy nay đều đã lớn tuổi, có người còn, có người đã mất. Dẫu vậy, họ luôn là minh chứng tiêu biểu cho tình đoàn kết, hợp tác, hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt Nam – Lào.

Là một trong những giáo viên đầu tiên tham gia giảng dạy tại Trường Lưu học sinh Lào tỉnh Gia lai – Kon Tum thập niên 80 của thế kỷ trước, cô Nguyễn Thị Quán còn nhớ như in những tháng ngày công tác miệt mài dưới mái trường này: “Năm 1979, tỉnh Attapư kết nghĩa với tỉnh Kon Tum, đưa khóa học sinh Lào đầu tiên sang Việt Nam để các em tiếp thu nền khoa học kỹ thuật của Việt Nam để trở về công tác tại Attapư. Đặc thù của trường học sinh Lào là vừa dạy tiếng Việt, vừa dạy kiến thức cho các em, nhưng đồng thời cũng nuôi dưỡng các em sinh sống tại tỉnh Kon Tum. Cứ một năm hai lần nhà trường tổ chức cho các em đi tham quan như ở Quy Nhơn, hay trong thành phố Kon Tum, giáo viên vừa là người thầy, nhưng đồng thời như thể cha, mẹ, anh chị em ruột, dẫn dắt các em đi đến nơi, về đến chốn an toàn”.

Gặp mặt cán bộ, giáo viên Trường Lưu học sinh Lào Gia Lai - Kon Tum
Gặp mặt cán bộ, giáo viên Trường Lưu học sinh Lào Gia Lai – Kon Tum

Vừa là giáo viên, vừa là cán bộ giáo vụ, thầy Hoàng Văn Phúc nhận nhiệm vụ công tác tại trường khi chỉ mới ngoài 20 tuổi. Dẫu gặp nhiều khó khăn, nhất là khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, nhưng thầy luôn nỗ lực hết mình trong công việc. Thầy cũng là một trong những giáo viên có sự gắn bó sâu sắc với các lưu học sinh Lào từ những ngày đầu tiên trường mới thành lập. Thầy Phúc kể: “Về tiếp xúc một thời gian, tôi mới thấy các em lưu học sinh Lào rất là tình cảm với thầy cô giáo. Và cũng có một niềm vui với tôi là thời đó tôi chưa có gia đình. Do đó, tôi rất hăng say với công việc nhà trường. Ngoài công việc, hầu như không có đêm nào tôi không ngủ ở trường Lào, quản lý nội trú luôn. Tôi ở đó gần gũi với các em như là anh em một nhà và thậm chí là các em ăn cái gì, tôi ăn cái đó. Trồng rau, tham gia sinh hoạt cùng các em. Đó là kỷ niệm sâu sắc nhất trong thời gian ở trường Lào đối với tôi”.

Từng chiến đấu tại chiến trường Nam Lào, sau được phân công làm hiệu trưởng Trường Lưu học sinh Lào tỉnh Gia lai – Kon Tum từ năm 1985 – 1987, ông Phan Đức Luận, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh luôn cảm thấy vinh dự, tự hào khi công tác tại trường: “Nếu như trong chiến tranh, mình góp phần giải phóng nước bạn Lào thì bây giờ mình nuôi dạy con em các bộ tộc Lào. Cùng với anh em cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường tập hợp, đoàn kết và có một tinh thần cao nhất. Tôi cũng rất vui là với tình cảm và trách nhiệm, tôi đã hoàn thành được 2 khóa học cùng với anh chị em trước khi đi nhận nhiệm vụ mới”.

Với những người thầy, người cô từng trực tiếp công tác, giảng dạy tại Trường Lưu học sinh Lào tỉnh Gia lai – Kon Tum, không gì vui hơn được gặp lại các học sinh Lào đã từng học tập tại đây. Cô Nguyễn Thị Quán chia sẻ: “Có thời kỳ các em ở bên Lào sang bên này đi công tác, hoặc đi làm việc gì đó thì các em đều tới nhà chơi, cô trò cũng tâm sự. Rồi sau này một số em học sinh ở Attapư, học Đại học Sư phạm Quy Nhơn thì tôi cũng rất may mắn được hướng dẫn các em thực tập. Cho nên cái tình thầy trò của những buổi đầu đối với học sinh Lào thì gắn bó và kỷ niệm đối với người Lào thì càng khăng khít hơn”.

Trải qua 55 năm, mối quan hệ hợp tác, hữu nghị đặc biệt hai nước Việt Nam – Lào ngày càng bền chặt, khăng khít. Đối với những con người từng góp phần vun đắp tình đoàn kết keo sơn, tốt đẹp đó, họ luôn mong muốn được tiếp tục cống hiến, gìn giữ mối quan hệ hợp tác, hữu nghị đặc biệt Việt – Lào, nhất là giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu hơn truyền thống tốt đẹp này.

Thu Trang – Quang Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *