(kontumtv.vn) – Trước những lo lắng kết quả kì thi tốt nghiệp THPT năm nay có thể lên tới 99,9%, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) khẳng định “hãy để thực tiễn chứng minh, việc đổi mới là để vươn đến nền giáo dục sạch”.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí&Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT. (Ảnh: Văn Chung) |
– Việc tính 50% điểm học tập lớp 12 vào công nhận, xếp loại tốt nghiệp dễ xảy ra tiêu cực, các trường “cấy điểm” cho học sinh. Xin ông cho biết ý kiến của Bộ GD-ĐT về lo lắng này?
Việc Bộ GD-ĐT xem xét đưa 50% kết quả học tập lớp 12 và 50% điểm thi tốt nghiệp 4 môn để công nhận, xếp loại tốt nghiệp dựa trên những cơ sở lý luận khoa học vững chắc. Quyết định này cũng dựa theo nội dung của Nghị quyết 29 của TW Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo, trong đó có đổi mới về kỳ thi tốt nghiệp.
Nhiệm vụ của các nhà quản lí giáo dục, các trường THPT, các thầy cô giáo, học sinh phải bằng tinh thần, trách nhiệm, tự giác của mình để khai thác những mặt mạnh của phương án này.
Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay công tác thi, kiểm tra ở các trường THPT cũng cần tiếp tục chấn chỉnh. Bộ sẽ chỉ đạo tăng cường công tác này để tốt hơn. Đồng thời, Bộ sẽ tăng cường thanh kiểm tra và xử lí nghiêm những vi phạm liên quan công tác này.
Về lâu dài, chúng ta phải thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lí trong đó chú trọng công tác giáo dục cho học sinh làm sao các em tự giác. Giáo dục làm sao giáo viên tăng cường tự trọng nghề nghiệp. Làm sao chúng ta có được môi trường giáo dục sạch. Ở đó, thực học, thực nghề, dạy tốt, quản lí tốt.
Chúng ta phải có phương án chủ động để xử lí nghiêm những tiêu cực có thể xảy ra.
Xin kể ví dụ, học sinh Mỹ không làm được bài thì nộp giấy trắng. Nếu một số bài làm bị phát hiện sao chép, tương lai các em rất mờ mịt. Kể như vậy để thấy ưu điểm của tính tự giác.
Hiện nay, ta chưa có được thì phải vươn đến nền giáo dục sạch, làm sao giáo dục người học có tính tự giác như vậy.
– Theo cách tính của PGS Văn Như Cương, tính điểm như vậy học sinh rất dễ đỗ tốt nghiệp THPT?
Thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013 (Ảnh: Văn Chung). |
Trong mọi ngành nghề, đặc biệt là giáo dục phải hướng tới tinh thần trách nhiệm, tự trọng và đề cao giám sát của xã hội. Việc sử dụng 50% trong số quá trình học tập lớp 12 trong công nhận, xét tốt nghiệp là việc mới với ta thôi, thế giới đã làm.
Việc này giúp khắc phục hiện trạng như trước đây chỉ tổ chức một kỳ thi. Quá trình thi nhiều em học sinh đặt cược cả sinh mệnh của mình vào một kỳ thi đó. Lỡ may ốm đau, quên lịch thi,…thì sao.
Lấy kết quả 50% thì phải ghi nhận quá trình học tập của các em. Chúng ta nhìn chuyện này trong cả quá trình rèn luyện là bình thường. Chính chúng ta khuyến khích việc học, cả quá trình để tránh được rủi ro của các em khi đặt cược vào một kỳ thi vào 4 môn thôi.
Nếu cứ sợ tiêu cực mà không làm, không đổi mới thì sao làm được. Vấn đề là chủ động nhìn thấy việc này và tăng cường quản lí để giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ tiêu cực.
Với phương án thi tốt nghiệp năm 2014, việc thi chỉ là một thành tố của quá trình học tập. Khi học sinh đã cố gắng ở 50% (quá trình học tập lớp 12) thì việc này là bình thường.
– Ông có bất ngờ nếu nếu năm nay tỉ lệ tốt nghiệp đến 99,9%?
Hãy để thực tiễn chứng minh. Nhưng mọi năm, vẫn tốt nghiệp 98%, 99% đó thôi.
Trong bối cảnh giáo dục của Việt Nam, phương án nào cũng có sự chủ động biết trước mà khắc phục. Khi đã thấy giải pháp đúng thì phải vững tâm để làm, nhìn thấy tiêu cực có thể xảy ra để có biện pháp thắt chặt việc đó.
Khi đổi mới, cách tân, những lo lắng chưa có tiền lệ càng nhiều. Vì vậy, không chủ quan mà chủ động có giải pháp để khắc phục.
– Xin cảm ơn ông!
- Văn Chung/vietnamnet