Xã hội hóa, nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc người khuyết tật
18.04.2017(kontumtv.vn) – Những năm qua, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh Kon Tum đã làm tốt công tác chăm sóc và bảo trợ cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh, góp phần giúp hàng ngàn người khuyết tật cải thiện cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng. Có được thành công đó, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa, tích cực huy động mọi nguồn lực hỗ trợ người khuyết tật.
Bị khuyết tật đôi chân bẩm sinh, chị Y Đêm (thôn Kon Hra Chót, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum) gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, không thể hòa nhập với cộng đồng. Chị được Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh hỗ trợ phẫu thuật phục hồi chức năng đôi chân. Sau khi đôi chân có thể đi lại được, chị Y Đêm được Hội hỗ trợ thêm 5 triệu đồng để phát triển sinh kế. Giờ đây, khi cuộc sống được cải thiện, gia đình hạnh phúc, chị Đêm vui không sao nói hết. Chị chia sẻ: “Hồi trước mình không đi được, nhờ họ giúp mình mổ chân, bây giờ thì mình cũng đi được, mình rất mừng. Số tiền mà họ cho mình giờ mình cũng buôn bán và mở tiệm may. Cuộc sống bây giờ nói chung thì cũng đỡ hơn hồi trước, hồi trước vất vả lắm, đi qua đi lại không được. Mình cũng rất cám ơn mấy người đã giúp đỡ cho mình”.
Thực hiện xã hội hóa các hoạt động hỗ trợ để nâng cao công tác chăm sóc, bảo vệ người khuyết tật, thời gian qua, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh Kon Tum đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam, về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người khuyết tật và điều kiện cuộc sống của những người khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Qua đó khơi dậy tình cảm, sự sẻ chia đối với người khuyết tật; là chiếc cầu nối để các tập thể, cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tin tưởng, hỗ trợ cho người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống. Bà Vũ Thị Minh Huệ, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh Kon Tum nói: “Trong năm 2016, chúng tôi thấy hiệu quả đem lại rất là tốt, theo kế hoạch ban đầu chúng tôi nghĩ là mình sẽ vận động được khoảng 1 tỷ cho đến 1 tỷ rưỡi đồng, nhưng thực tế kêu gọi được các tổ chức từ thiện ở nước ngoài, nên trong năm 2016, chúng tôi vận động gần 6 tỷ đồng, cả hiện vật và tiền mặt. Cho nên chúng tôi đã giúp được hàng trăm người khuyết tật”.
Từ nguồn huy động, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh đã phối hợp với các đơn vị, các tổ chức nâng cao công tác chăm sóc, bảo trợ người khuyết tật; tổ chức nhiều chương trình, hoạt động thiết thực và ý nghĩa giúp người khuyết tật tự tin, hòa nhập với cộng đồng. Nhờ đó, thời gian qua ngày càng có nhiều người khuyết tật trên địa bàn tỉnh được quan tâm chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng; được thăm hỏi, tặng quà, xây dựng nhà đại đoàn kết, nhà tình thương và được hỗ trợ phát triển sinh kế bền vững. Ngày càng có nhiều trẻ em khuyết tật được tặng học bổng, xe đạp và các hiện vật để vui chơi, học tập. Qua đó, đã động viên tinh thần to lớn, tạo điều kiện giúp cho hàng ngàn người khuyết tật trên địa bàn tỉnh được cải thiện cuộc sống. Bà Vũ Thị Minh Huệ cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện giải pháp này, bởi vì chúng tôi thấy nó có hiệu quả. Thứ hai, Hội phải thật sự làm cầu nối hết sức trung thành giữa nhà tài trợ, các nhà hảo tâm đối với người khuyết tật. Đặc biệt là chúng tôi sẽ tăng cường hơn công tác tuyên truyền, vận động bản thân người khuyết tật phải tự vươn lên trong cuộc sống, gắn với sự hỗ trợ của xã hội”.
Các hoạt động xã hội hóa của Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh thời gian qua đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, bảo trợ người khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Hy vọng, thời gian tới sẽ có thêm nhiều nhà hảo tâm đồng hành cùng với Hội, tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ người khuyết tật; tạo động lực để người khuyết tật tự tin hòa nhập cộng đồng, phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thanh Thủy – Ngọc Chí