(kontumtv.vn) – Cho đến trước tháng 7/2010, khi Trung Quốc khánh thành đường ống dẫn khí tự nhiên dài 8.700km thì kỷ lục thế giới trong hàng chục năm vẫn thuộc tuyến ống dẫn xăng dầu từ biên giới Việt – Trung đến miền Đông Nam Bộ, đây là đường ống dài nhất thế giới.
Đây cũng là con đường đầy huyền thoại mà người Mỹ không thể nào biết rõ, bởi họ không thể nào tưởng tượng được rằng trong điều kiện kỹ thuật của Việt Nam, lại bị bom đạn đánh phá liên tục bất cứ ở điểm nào mà Việt Nam vẫn hình thành được một đường ống dẫn xăng dầu dài hàng nghìn kilomet, lại còn nối với nhiều cảng nhỏ để tiếp nhận dầu từ các tàu biển…
Tuy nhiên, không chỉ người Mỹ, mà cả những nước bạn của Việt Nam như Liên Xô, Trung Quốc, những người đã trực tiếp viện trợ và giúp đỡ cả xăng dầu và vật tư cũng không hình dung Việt Nam có thể làm được một hệ thống đường ống dẫn xăng dầu như thế.
Tuyến ống dẫn xăng dầu từ biên giới Việt – Trung đến miền Đông Nam Bộ được xây dựng nên bằng quyết tâm, lòng dũng cảm, trí thông minh và cả sự hy sinh của cán bộ chiến sĩ ngành xăng dầu Quân đội nhân dân Việt Nam. |
Bắt đầu từ hai ngả thuộc biên giới Việt – Trung là Lạng Sơn và Quảng Ninh, hai tuyến đường ống cùng dẫn về trạm Nhân Vực, thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội.
Từ đây, có một đường ống chạy thẳng vào miền Trung qua Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Đến đây lại chia làm hai ngả: Một vượt đèo Mụ Giạ, sang Lào vươn tới Hạ Lào, rồi vượt qua biên giới Lào và Campuchia để vào tới Nam Bộ. Ngả còn lại theo đường Đông Trường Sơn đi tiếp qua Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, qua Tây Nguyên, vượt Kontum, xuống Bình Phước.
Hai hệ thống Đông và Tây Trường Sơn hội tụ tại trạm cuối cùng ở Bù Gia Mập, thuộc tỉnh Phước Long, Đông Nam Bộ.
Từ đây xăng dầu được cấp trực tiếp cho các xe vận tải chở tiếp trên những tuyến ngắn từ miền Đông đến miền Tây. Xăng dầu được chuyển từ Bắc vào Nam đã cung cấp cho hoạt động trên các chiến trưởng trong những năm đánh Mỹ, góp phần quan trọng vào những trận chiến thắng lớn.
Sơ đồ toàn tuyến đường ống xăng dầu xây dựng giai đoạn 1968-1975. |
Trên toàn bộ hệ thống này, đã có tới 316 trạm bơm đẩy, 101 kho với sức chứa trên 300 nghìn m3. Bộ đội xăng dầu đã phát triển thành 9 trung đoàn đường ống, 2 trung đoàn công trình, 1 trung đoàn thông tin, 2 nhà máy cơ khí, 3 tiểu đoàn xe vận tải. Trong vòng 7 năm, tuyến ống này đã vận chuyển 5,5 triệu tấn xăng dầu cho các chiến trường
Mạng lưới đường ống dẫn dầu dài hơn 5.000 km nêu trên là tính từ biên giới phía Bắc nước ta, bắt đầu từ hai điểm đầu mối tiếp nhận thuộc tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Lạng Sơn; còn điểm khởi đầu là từ cảng Phòng Thành, Trung Quốc.
Những con tàu lớn chở xăng, dầu từ Liên Xô cập cảng Phòng Thành và nguồn nhiên liệu từ đó sẽ theo hệ thống đường ống như những mạch máu chảy vào phía Nam, cung ứng một nguồn vật chất hết sức thiết yếu cho những chiến dịch, cho từng trận đánh …
Trong thời chiến, hệ thống đường ống này vừa tăng nhanh khối lượng xăng, dầu vận chuyển ra tiền tuyến, vừa giảm được rất nhiều hy sinh, tổn thất cho những chiến sĩ lái xe và xe tải chở nhiên liệu.
Hệ thống đường ống tuỳ theo địa hình có đoạn nổi, đoạn chìm, có đoạn vắt qua suối, luồn dưới dòng sông… nhưng phần lớn nằm trên địa bàn rừng núi hoang vắng hoặc dân cư thưa thớt, khí hậu khắc nghiệt.
Với hệ thống đường ống đó, theo Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn “Đã thực sự thỏa mãn kịp thời cho vận tải, đảm bảo yêu cầu cơ động cao của các quân và binh chủng với mọi quy mô, mọi thời gian, mọi địa điểm, phục vụ đắc lực cho các chiến dịch’.
Đại tá Phan Tử Quang, nguyên Cục trưởng Cục Xăng dầu (Tổng cục Hậu cần – Bộ Quốc phòng) kể rằng, trong một lần tôi được làm việc với Chu Ân Lai, Thủ tướng nước CHND Trung Hoa nói: “Tôi không ngờ là Việt Nam lại làm được đường ống xăng dầu dài đến 5.000 km” và ông đã cử một phái đoàn gần 20 kỹ sư và tiến sĩ về đường ống xăng dầu đi tham quan từ Hà Nội theo đường ống đến Mụ Giạ (Quảng Bình).
Khi nói đến tuyến đường này, Viện trưởng Viện Dầu khí Pháp, cùng chung nhận định với hai tướng không quân Hoa Kỳ HarryAderholt và Richard Serd: “Đường ống xăng dầu của các ông là huyền thoại có thật”.
Thanh Lê/Vietnamnet