(kontumtv.vn) – “Xây dựng lực lượng quản lý thị trường trong sạch, vững mạnh, không tham nhũng, tiêu cực, kiên quyết đưa ra khỏi lực lượng những công chức, người lao động có hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, gây phiền hà khi thực thi công vụ”.

IMG_7493
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu tại Hội nghị – Ảnh: VGP/Lê Sơn

Đây là chỉ đạo của Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình tại Hội nghị tổng kết công tác của lực lượng quản lý thị trường (QLTT) năm 2019 diễn ra chiều ngày 13/1.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ ghi nhận những kết quả đã đạt được của lực lượng QLTT trong năm 2019, đặc biệt ghi nhận việc lực lượng QLTT đã tấn công được vào nhiều điểm nóng, đường dây, ổ nhóm về hàng giả, hàng lậu lớn mà trước đây chưa bao giờ làm được.

Công tác triển khai thực hiện Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục QLTT đã được Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan và cấp ủy, chính quyền các địa phương trong công tác tiếp nhận, triển khai kiện toàn tổ chức, bộ máy, nhân sự theo đúng trình tự quy định. Đến nay, Bộ máy tổ chức của Tổng cục QLTT đã cơ bản được kiện toàn, theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

“Thời gian qua, các đồng chí đã quan tâm làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, người lao động để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; đặc biệt, trong năm 2019, lần đầu tiên các đồng chí mở được lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ Quản lý Nhà nước ngạch kiểm soát viên cao cấp thị trường cho công chức của lực lượng”, Phó Thủ tướng biểu dương.

Còn nhiều hạn chế 

Bên cạnh những thành tích, kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình chỉ ra những tồn tại cần khắc phục của lực lượng QLTT. Tiêu biểu là sự cắt giảm về tổ chức và nhân sự ngay tại thời điểm thành lập Tổng cục khiến cho công tác chuyển giao, sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự gặp một số khó khăn, lúng túng, gây xáo trộn về tổ chức, ảnh hưởng đến tâm lý của một bộ phận công chức, nhất là công chức lãnh đạo, quản lý ở các đơn vị sáp nhập.

Công tác kiện toàn nhân sự của Tổng cục QLTT cũng gặp những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm theo quy định của Đảng, Nhà nước như quy định về tuổi bổ nhiệm, trình độ chính trị, trình độ đào tào, bồi dưỡng theo ngạch công chức…

Năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của công chức QLTT chưa đồng đều nên đã ảnh hưởng đến công tác tham mưu, kiểm tra, xử lý vi phạm. Vẫn còn có công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, có biểu hiện bao che, tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật và đã bị xử lý.

Điều kiện làm việc như trụ sở, kinh phí, trang thiết bị còn thiều thốn, biên chế còn mỏng cũng ảnh hưởng đến hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn còn bất cập, chậm sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn.


8 nhiệm vụ trọng tâm 

Trước tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vi phạm an toàn thực phẩm tiếp tục diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình yêu cầu yêu cầu Bộ Công Thương, lực lượng QLTT tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm.

Một là, quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, chỉ đạo của Bộ Công Thương và cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nói chung, đặc biệt tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Hai là, xây dựng lực lượng QLTT trong sạch, vững mạnh, không tham nhũng, tiêu cực, kiên quyết đưa ra khỏi lực lượng những công chức, người lao động có hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, gây phiền hà khi thực thi công vụ hoặc không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

“Qua khỏi cửa khẩu hải quan rồi vào đến nội địa là lực lượng QLTT biết hết, nhưng vấn đề là chúng ta có làm hay không, lực lượng có đủ hay không, phối hợp có tốt hay không…? Đây là vấn đề năng lực của lực lượng QLTT. Nếu năng lực của các đồng chí yếu kém, để tình trạng này phát triển là điều đáng trách nhưng lực lượng QLTT mà chống lưng cho tội phạm, đi vào “mắt xích” của tội phạm là việc không thể chấp nhận được”, Phó Thủ tướng chỉ ra.

Ba là, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho tổ chức, cá nhân kinh doanh. Tổ chức ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng và kiểm tra đối với những cơ sở kinh doanh đã ký cam kết và xử lý nghiêm những trường hợp đã ký cam kết nhưng vẫn vi phạm. Phối hợp tốt với các cơ quan báo chí và người dân tuyến truyền để người dân không sử dụng hàng giả, hàng nhái.

Bốn là, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng: Công an, hải quan, thuế, bộ đội biên phòng, thanh tra chuyên ngành trong đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm.

“UBND các địa phương phải chỉ đạo lực lượng chức năng, nắm chắc địa bàn, không thể nói là sản xuất hàng giả trên địa bàn mà chúng ta không biết trong khi chúng ta có lực lượng chức năng đầy đủ. Ví dụ như vụ làm phân bón giả ở Bình Chánh (TPHCM), lập mấy chục cơ sở sản xuất phân bón giả trên địa bàn, không thể nói là lực lượng chức năng không biết được”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề.

Năm là, nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để kịp thời đấu tranh ngăn chặn, xử lý.

Sáu là, thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường tiếp tục rà soát, phát hiện những bất cập trong cơ chế chính sách để kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành xem xét, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Bảy là, đẩy mạnh hoạt động trao đổi thông tin với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để công tác kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đạt hiệu quả. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường công tác hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tám là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự, biên chế để ổn định tổ chức và hoạt động của QLTT, qua đó tập trung lực lượng vào công tác đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Về các kiến nghị của lực lượng QLTT, nhất là các kiến nghị liên quan đến bổ sung lực lượng QLTT được sử dụng xe có tín hiệu được quyền ưu tiên trên cơ sở đánh giá, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 109/2009/NĐ-CP ngày 01/12/2009 của Chính phủ; kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho các Cục QLTT tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục được triển khai dự án đầu tư xây dựng cơ bản dở dang; kiến nghị về cơ chế để lại số thu từ nguồn xử lý vi phạm hành chính của lực lượng, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tổng hợp chuyển đến Văn phòng Chính phủ tổng hợp, giao cho các bộ, ngành liên quan giải quyết theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ xem xét, giải quyết.

“Với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, tôi yêu cầu các đồng chí lãnh đạo Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT xác định các phương án, kế hoạch thật cụ thể và tiến hành triển khai ngay từ đầu năm để đạt được nhiều kết quả thiết thực, hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao cho”, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Lê Sơn – Phan Trang/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *