(kontumtv.vn) – Chủ động phòng chống dịch sốt xuất huyết, ngành Y tế tỉnh Kon Tum đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân xây dựng được nếp sống ngăn nắp, sạch sẽ.

Trong đợt dịch sốt xuất huyết năm 2016, phường Quang Trung là một trong số địa phương của thành phố Kon Tum có nhiều ca mắc sốt xuất huyết. Chính vì thế, những năm qua, Trạm Y tế phường đã phối hợp chặt chẽ với các thôn, tổ dân phố đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh xốt xuất huyết. Nhờ đó, số ca mắc sốt xuất huyết đã giảm mạnh. Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn phường chỉ có hơn 30 ca mắc sốt xuất huyết. Bác sỹ Phan Nhật Duy, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Quang Trung nói: “Hàng tuần cán bộ y tế, cộng tác viên xuống thăm tại hộ gia đình, hướng dẫn họ vệ sinh trong nhà, loại bỏ các vật dụng chứa nước, những nơi muỗi có thể đẻ trứng; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Hướng dẫn họ khi nào có sốt thì đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn kịp thời chứ không điều trị tại nhà”.

Hướng dẫn dọn vệ sinh môi trường tại khu dân cư
Hướng dẫn dọn vệ sinh môi trường tại khu dân cư

Để nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng chống sốt xuất huyết, thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phối hợp với các đơn vị trực thuộc ngành Y tế, các địa phương tăng cường đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết; như truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình; truyền thông gián tiếp qua xe loa, qua hệ thống loa công cộng… Đặc biệt, sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương đã huy động sự chung tay, góp sức của người dân trong việc xây dựng được nếp sống ngăn nắp, sạch sẽ để phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND phường Quang Trung cho biết: “Song song với việc phối hợp với ngành Y tế cấp trên phun hóa chất diệt muỗi tại các thôn, tổ dân phố, chính quyền địa phương đã phát huy vai trò của các đội xung kích tại 19 thôn, tổ dân phố tổ chức tuyên truyền bà con có ý thức bảo vệ môi trường. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng bằng cách hướng dân cho nhân dân rửa các dụng cụ chứa nước, lật úp các dụng cụ không chứa nước, loại bỏ các phế thải như chai lọ, vỏ dừa, lốp xe cũ…”.

Nhờ sự vào cuộc tích cực của ngành Ytế, các cấp chính quyền, tình hình sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực. Bác sỹ CK I Nguyễn Thị Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum cho  biết: “Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết thời gian qua có sự chuyển biến rõ rệt. Số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn 3 năm vừa qua giảm liên tục. Cụ thể năm 2016 có 3.433 ca, 2 ca tử vong; 2017 có 571 ca, không có ca tử vong; năm 2018 tính đến ngày 10/6 chỉ ghi nhận 41ca. So với khu vực Tây Nguyên như Gia Lai là 379 ca, Đăk Lăk là 111 ca, Đăk Nông 76 ca. Đến nay tỉnh Kon Tum có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết thấp nhất so với khu vực và các tỉnh lân cận”.

Kết quả đạt được trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết cho thấy ngoài sự vào cuộc của ngành Y tế, chính quyền địa phương thì ý thức của người dân rất quan trọng. Vì vậy, mỗi người dân, gia đình cần xây dựng cho mình lối sống ngăn nắp, sạch sẽ, giữ gìn vệ sinh môi trường để bảo vệ gia đình và xã hội khỏi dịch bệnh sốt xuất huyết.

 

Ngọc Chí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *