(kontumtv.vn) – Khi nhắc tới tư tưởng giáo dục của Tổng Bí thư Lê Duẩn không thể không nhắc tới tư tưởng “xây dựng nhân cách người học” mà theo ông đó là nhiệm vụ quan trọng của giáo dục.

Khi nhắc tới Tổng Bí thư Lê Duẩn, người ta thường nhắc tới ông với tư cách là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo chính trị xuất sắc, một tư duy sáng tạo của cách mạng Việt Nam mà ít nhắc tới ông với tư cách là một người có tư tưởng giáo dục nổi bật. Nhắc tới tư tưởng giáo dục của ông không thể không nhắc tới tư tưởng “xây dựng nhân cách người học” mà theo ông đó là nhiệm vụ quan trọng của giáo dục.

Rèn luyện đạo đức, nhân cách người học là quan trọng nhất

TS Trần Thị Điểu, Trường Đại học KHXH-NV- Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, một trong những quan điểm về giáo dục nhân cách của người học của Tổng Bí thư Lê Duẩn là nhấn mạnh vai trò trọng trách của người thầy. Ông cho rằng, trọng trách của người thầy là xây dựng con người mới, đó là phải giỏi tri thức chuyên môn, vừa phải có đạo đức tốt.  Bên cạnh dạy tri thức, người thầy phải có trách nhiệm rèn luyện con người. Tổng Bí thư Lê Duẩn chú ý đến việc rèn luyện đạo đức, nhân cách và quan trọng nhất với ông là “lòng nhân ái”. Với ông “không có lòng nhân ái thì không thể có lòng yêu nước, thương nhân dân được”.

quan diem ve dao thay tro cua tong bi thu le duan co con dung hien nay hinh 1
Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm nhà máy đóng tàu Ba Son, Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 19/3/1980. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Tổng Bí thư Lê Duẩn đặc biệt chú trọng tới việc  xây dựng, giáo dục lòng nhân ái cho học sinh trong nhà trường. Nhân ái là cơ sở của sáng tạo, chỉ có lòng nhân ái thực sự mới giúp con người hiểu được giá trị thực sự của lao động và hiểu được lao động là sáng tạo, là lẽ sinh tồn của nhân loại.

Với Tổng Bí thư Lê Duẩn, lòng nhân ái là cái gốc nhân phẩm để làm người. Con người đã sống thì phải sống nhân văn. Ông đã từng trăn trở, học sinh học ở trường liệu về nhà có biết thương cha mẹ, thương anh em không? Ngoài xã hội liệu có biết yêu thương bạn bè, kính già yêu trẻ, quý trọng người lao động không? Đến khi ra trường liệu các em có đủ nhân phẩm để làm người không? Đây không chỉ là mối lo của các bậc cha mẹ mà cũng chính là câu hỏi mà nhà trường cần giải đáp.

Ths Đinh Ngọc Quý, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh tư tưởng giáo dục của Tổng Bí thư Lê Duẩn về việc giáo dục lòng nhân ái, đạo đức cho học sinh. Tổng Bí thư Lê Duẩn chỉ rõ, “dạy cho học sinh nắm được kiến thức khoa học phổ thông đó là một yêu cầu của chương trình giáo dục nhưng đó không phải là tất cả nội dung giảng dạy. Mà yêu cầu cơ bản nhất, quan trọng nhất bao trùm toàn bộ chương trình giảng dạy là đào tạo con người toàn diện về đức, trí, thể, mỹ là xây dựng cho học sinh thành những con người mới, có tình cảm cách mạng tốt đẹp, có tri thức đầy đủ…”.

Thầy giáo phải dạy học sinh bằng tất cả lòng yêu thương

Tổng Bí thư Lê Duẩn cũng đặc biệt nhấn mạnh muốn xây dựng nhân cách học sinh thì phải trọng nhân cách của học sinh. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến tình thầy trò trong nhà trường. “Theo Tổng Bí thư Lê Duẩn, mọi hành vi quở mắng, quát mắng, đối xử tàn nhẫn với học sinh đều là sai lầm, làm cho tình thầy trò trở nên xa cách. Khi đó thầy sẽ không hiểu được trò, không hiểu trò thì không có phương pháp giáo dục đúng. Muốn xây dựng niềm tin với học sinh, thầy giáo cần phải có tình cảm chan hòa với học sinh. Thầy không chỉ dạy bằng lý trí, truyền tải kiến thức mà người thầy còn phải dạy bằng tất cả lòng yêu thương”- TS Trần Thị Điểu nhấn mạnh.

Tổng Bí thư Lê Duẩn ví công việc của người thầy cũng chẳng khác gì công việc của người làm vườn, phải chăm chút từng ly từng tí, phải hết sức kiên nhẫn, thận trọng. Trong quá trình dạy học, vai trò quan trọng nhất của người thầy là phải biết phát hiện những đức tính tốt của học trò để bồi dưỡng, phát triển, làm cho cái tốt ngày càng được nhân rộng. Khi những đức tính tốt, những tình cảm lành mạnh được xây dựng thì dần dẫn những thói hư tật xấu, những tình cảm sai lệch trong học sinh sẽ được xóa bỏ. Ông ví “cũng như trong một hạt thóc, nếu biết chăm sóc ấp ủ thì cái mầm sẽ lớn lên lành mạnh, đủ sức phá vỡ cái vỏ bọc ngoài. Nếu ta tìm cách phá vỡ cái vỏ thì hạt thóc sẽ bị tổn thương, mà cái mầm mọc lên khó có thể lành mạnh được”.

Để giáo dục nhân cách cho học sinh một cách tốt nhất, hiệu quả nhất cần phải dành thời gian cho học sinh nghỉ ngơi, tránh học tập, hội họp gây căng thẳng vất vả cho học sinh. Không chỉ vậy, Tổng Bí thư Lê Duẩn còn đề nghị ngành giáo dục và các thầy cô phải chăm lo đủ sức khỏe cho học sinh. Nâng cao thể trạng là điều kiện cần thiết để xây dựng trí tuệ minh mẫn, tâm hồn nhân văn.

Trong giai đoạn hiện nay, khi Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực, xem xét, đánh giá quan điểm giáo dục của Tổng Bí thư Lê Duẩn sẽ giúp chúng ta có cái nhìn thấu đáo hơn trong việc định hướng phát triển giáo dục trong giai đoạn mới, giáo dục toàn diện, giáo dục nhân cách cho người học, nhất là khi “đạo đức học đường” đang xuống cấp ở mức báo động như hiện nay./.

 

Phạm Hà/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *