(kontumtv.vn) – “Nắng – Gió” vốn được xem là cái khó của Ninh Thuận. Nhưng khi nắng, gió được khai thác để sản sinh ra năng lượng thì Ninh Thuận lại được biết đến là vùng đất giàu về tiềm năng. Cũng chính vì điều đó, trong quy hoạch tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Ninh Thuận xác định sẽ trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của quốc gia.
Hơn 2.800 giờ nắng mỗi năm. Cường độ bức xạ mặt trời đạt trên 230 kcal/cm2/năm. Tốc độ gió trung bình đạt 7,5m/giây. Tiềm năng “Nắng, Gió” đang thôi thúc các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tìm đến vùng đất Ninh Thuận. Không những thế, nhà đầu tư còn mong muốn tận dụng triệt để quỹ đất được giao để khai thác, phát triển năng lượng tái tạo. Trên cùng một diện tích đất được cấp quyết định chủ trương đầu tư, Trung Nam Group đã đầu tư gần 10.000 tỷ đồng để thực hiện song song hai dự án điện gió và điện mặt trời tại Ninh Thuận, với tổng công suất trên 355,95 MW. Đây là dự án năng lượng tái tạo đầu tiên ở Việt Nam có sự kết hợp giữa điện gió và điện mặt trời. Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam Group nói: “Hiện nay chúng tôi đang làm các thủ tục để đầu tư đối với vùng Ninh Thuận trên 1.000MW kể cả điện gió và điện mặt trời. Hiện nay, chúng tôi đã đầu tư 2 dự án với 10 nghìn tỷ rồi, sắp tới cũng sẽ đầu tư thêm với nhiều giai đoạn từ 10 nghìn tỷ đến 15 nghìn tỷ nữa. Chúng tôi đã xác định có nhiều cơ hội để đầu tư cho năng lượng tái tạo ở vùng đất này”.
Lợi thế “Nắng – Gió” đang giúp Ninh Thuận thu hút một làn sóng đầu tư mạnh mẽ trong việc phát triển các nhà máy điện gió và điện mặt trời. Đặc biệt, sau khi có Quyết định 11, Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích, hỗ trợ phát triển các dự án điện mặt trời, điện gió tại Việt Nam và Nghị quyết 115 về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2018 – 2023, chỉ trong thời gian ngắn, Ninh Thuận đã tạo ra sự bứt phá về phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Ông Đoàn Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn BIM Group cho biết: “BIM có một chiến lược đầu tư toàn diện vào Ninh Thuận. Ví dụ như dự án về năng lượng mặt trời, chúng tôi dự kiến đầu tư cả về năng lượng gió và năng lượng mặt trời trên 1.000MW, đó là một số tiền rất lớn để đầu tư vào. Như vậy, đối với năng lượng tái tao, BIM với tư cách là nhà đầu tư lớn với lượng đầu tư hết sức mạnh mẽ vào Ninh Thuận”.
Tính đến hết quý 1 năm 2019, tỉnh Ninh Thuận đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 12 dự án điện gió, với quy mô công suất 750 MW, tổng vốn đăng ký 27.937 tỷ đồng. Về điện mặt trời, UBND tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 31 dự án, với quy mô công suất 1.966 MW, tổng vốn đăng ký trên 50.000 tỷ đồng. Đến nay, 48 tuabin gió và 7 nhà máy điện mặt trời đã hoàn thành, phát điện thương mại, với công suất 571 MW. Dự kiến đến 30/6/2019 sẽ có thêm 7 dự án phát điện thương mại, nâng công suất hòa lưới lên 885 MW. Đến cuối năm 2019 sẽ tiếp tục có thêm 5 dự án được hòa lưới, nâng công suất lên 1.200 MW và 12 dự án còn lại sẽ hoàn thành và hòa lưới vào năm 2020, với lũy kế đạt gần 2.000 MW. Tuy nhiên, những kết quả đạt được mới là bước khởi đầu. Để trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của quốc gia, Ninh Thuận đang có cả một chiến lược và đi theo một kịch bản tăng trưởng hoàn toàn mới. Ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Mục tiêu chúng ta hướng đến không phải là Ninh Thuận có nhiều dự án về năng lượng tái tạo là chúng ta có thể trở thành một trung tâm năng lượng tái tạo mà định hình khung trong tham mưu và xây dựng đề án sắp đến của Chính phủ là triển khai định hướng xây dựng Ninh Thuận trở thành một trung tâm năng lượng tái tạo của Việt Nam, phải hội tụ đầy đủ các yếu tố như làm sao để Ninh Thuận trở thành một trung tâm cung cấp các nguồn nhân lực để phục vụ cho sự phát triển trong ngành năng lượng tái tạo, trở thành một trung tâm nghiên cứu phát triển trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và trở thành một trung tâm kiểm định về năng lượng tái tạo của Việt Nam. 3 yếu tố này không chỉ đòi hỏi quyết tâm chính trị của địa phương mà đòi hỏi phải có một chính sách cụ thể”.
“Nắng – Gió”. Những bất lợi của vùng đất đang trở thành lợi thế. Trên tinh thần đổi mới và quyết tâm đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, Ninh Thuận đang hướng tới những mục tiêu hành động cao hơn để tiếp tục tạo ra sự “bứt phá, tăng tốc và hiệu quả”. Qua đó, từng bước hiện thực hóa trở thành Trung tâm năng lượng của quốc gia.
Hữu Tầm
Đài PT-TH Ninh Thuận