(kontumtv.vn) – Trên tinh thần “bứt phá” ở mọi phương diện về kinh tế- xã hội của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương quán triệt tinh thần này khi triển khai 2 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững năm 2019.

0I4A2852 copy
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp. Ảnh VGP/Thành Chung

Sáng 4/1 tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp tổng kết năm 2018, đề ra nhiệm vụ giải pháp của Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia. Cùng tham dự còn có Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, lãnh đạo Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và các bộ, ngành liên quan.

Các bộ, ngành đều đánh giá năm 2018 là một năm thành công khi hoàn thành và hoàn thành vượt mức trên mọi phương diện xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững theo yêu cầu của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ.

Cụ thể tới hết tháng 12/2018, cả nước có 3.838 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 769 xã so với cuối năm 2017, chiếm 43,02% tổng số xã toàn quốc; cả nước có 61 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới, vượt chỉ tiêu 5 huyện. Cả nước giảm 103 xã dưới 10 tiêu chí, chỉ còn 10 xã loại này ở tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn, Điện Biên, Kon Tum.

Gắn liền với xây dựng nông thôn mới, công tác giảm nghèo cũng đạt được kết quả tốt khi tỷ lệ giảm nghèo cả nước là 1,35%, hiện còn 5,35% hộ nghèo, trong đó ở các huyện nghèo mức giảm bình quân là 5%, bình quân tỷ lệ hộ nghèo đang ở dưới 35%, bình quân mức giảm ở các xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển, vùng dân tộc miền núi giảm khoảng 3- 4% so với cuối năm 2017.

Các bộ, ngành cũng đánh giá cao công tác thông tin – truyền thông về 2 chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2018 đã góp phần nhân lên cách làm mới, sáng tạo, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức thực hiện tới mỗi người dân, các cấp chính quyền.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thông qua Chương trình truyền hình vì người nghèo, Ban Tổ chức đã tiếp nhận 780 tỷ đồng “tiền tươi thóc thật” từ các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước để hỗ trợ, chuyển tới các gia đình, cá nhân còn khó khăn. “Trước đây có chuyện doanh nghiệp ‘đánh trống bỏ dùi’, đăng ký trao tặng nhưng không thấy ‘nổi’ tài khoản thì năm nay không còn chuyện này vì họ thấy được ý nghĩa và tính thiết thực của chương trình. Năm 2017, chỉ có 3 doanh nghiệp đăng ký nhưng chưa ủng hộ thì năm nay đã rút kinh nghiệm”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề nghị các địa phương, các cơ quan báo chí cần tiếp tục truyền thông đậm nét hơn các mô hình, phương thức giảm nghèo bền vững tiêu biểu để người dân học hỏi, thoát nghèo; đề xuất Ban chỉ đạo tổ chức Hội nghị chuyên đề giúp hộ gia đình người có công thoát nghèo bền vững.

Tuy nhiên, các thành viên ban chỉ đạo cho rằng việc thực hiện Chương trình vẫn còn hạn chế khi khoảng cách chênh lệch xây dựng nông thôn mới giữa các vùng miền còn khá lớn (ví dụ Đồng bằng Sông Hồng có tỷ lệ 75% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng ở Tây Nguyên chỉ là 21%…), việc thực hiện các tiêu chí ở từng địa phương không đồng đều.

Kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững khi tỷ lệ tái nghèo bình quân là 5,1%/năm so với tổng số hộ thoát nghèo (giai đoạn trước tỷ lệ này là 12%/năm).

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị cần tập trung chống tái nghèo vào 2 nội dung, một là ở các vùng thường xuyên xảy ra bão, lũ và làm công tác tư tưởng ở các địa phương có tình trạng tách hộ dẫn đến phát sinh hộ nghèo. “Tôi theo dõi thấy có những tỉnh kinh tế tốt mà tỷ lệ tái nghèo cao là do tách hộ, để bố mẹ ở riêng để hưởng chính sách hộ nghèo, chính sách hỗ trợ làm nhà. Các trường hợp này là số ít, nhưng các địa phương phải quan tâm làm công tác tư tưởng thật tốt trong dân”, ông Dung nói.

Trong khi đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đề nghị Chính phủ cần tăng cường nguồn lực tài chính, tín dụng để cho vay thoát nghèo thông qua cơ chế của Ngân hàng Chính sách xã hội, thay vì là cho không hay là hỗ trợ lãi suất sẽ không đủ khích lệ ý thức thoát nghèo của người dân.

Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội Dương Quyết Thắng cho biết tín dụng chính sách đã phát huy vai trò trong thực tiễn. “Đối với các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn thì chỉ cần chút phí, lãi suất 0,1%/năm và tổ tiết kiệm đôn đốc thu phí thì hiệu quả hơn nhiều so với việc Nhà nước hỗ trợ lãi suất, phí. Nếu cho vay không lãi suất thì khéo trong thời hạn 5 năm vay thì cán bộ tín dụng và hộ nghèo không gặp nhau được một lần nào thì khó biết dân làm ăn ra sao”, ông Thắng bày tỏ.

Đánh giá về kết quả thực hiện năm 2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng hai Chương trình mục tiêu quốc gia đã góp phần quan trọng giúp cả nước hoàn thành và hoàn thành vượt mức 12/12 chỉ tiêu kinh tế, xã hội mà Quốc hội giao.

“Đặc biệt với xây dựng nông thôn mới, nhân dân và chính quyền các cấp đã tập trung thực hiện và công nhận trên cơ sở siết chặt xét duyệt các tiêu chí cứng và 2 tiêu chí ‘mềm’ là bảo đảm 100% số xã, huyện không nợ đọng xây dựng cơ bản và trên 90% người dân bày tỏ hài lòng. Trên cả nước đã xuất hiện nhiều vùng quê đáng sống”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trưởng Ban chỉ đạo cũng bày tỏ: “Tôi đến Nam Định rất ấn tượng trong xây dựng nông thôn mới. Là một tỉnh thuần nông, kinh tế chưa thực sự nổi bật nhưng thành công của Nam Định là đã kéo gần mức sống ở nông thôn và đô thị với nhau và tới nay 100% số xã đã đạt chuẩn nông thôn mới” và cho biết cuối năm 2019, Ban chỉ đạo sẽ tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016- 2020 sớm 1 năm tại tỉnh Nam Định.

Có được kết quả trên, theo Phó Thủ tướng là do Ban chỉ đạo đã có cách làm bài bản, khoa học, tổ chức các hội thảo toàn quốc liên quan tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng nông thôn mới ở cấp thôn bản, chương trình mỗi xã một sản phẩm và nông thôn mới gắn với phát triển du lịch. Sau các hội thảo, Ban chỉ đạo cũng thông qua một số Đề án để thống nhất triển khai trên toàn quốc.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng cho rằng Ban chỉ đạo đã bám sát các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và tổ chức thực hiện thành công 2 phong trào thi đua lớn là Toàn quốc cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và cuộc vận động Chung tay vì người nghèo, không ai bị bỏ lại phía sau, tạo ra sự vào cuộc lớn của cả hệ thống chính trị.

Trong năm 2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương quán triệt tinh thần bứt phá, toàn diện của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Nghị quyết số 01 của Chính phủ khi triển khai 2 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Theo đó, hoàn thành và vượt 50% số xã của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới, vượt chỉ tiêu 70 huyện và xem xét một số tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; bảo đảm không có hộ gia đình người có công thuộc diện hộ nghèo.

Ngoài ra, các bộ ngành cụ thể hoá các chỉ tiêu giảm nghèo, các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng nông thôn mới ở các vùng khó khăn; giải quyết dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản trong năm 2019. Bộ Tài chính, Ngân hàng chính sách xã hội sớm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề xuất nâng mức cho vay hộ nghèo, tập trung khắc phục tình trạng tín dụng đen ở nông thôn.

Phó Thủ tướng cũng đồng tình và yêu cầu Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội triển khai ngay Chương trình áo ấm mùa đông cho người già và trẻ em ở vùng cao; tổ chức các hội thảo chuyên đề về công tác giảm nghèo trong năm 2019; đánh giá chuẩn nghèo đa chiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số và cho đối tượng là trẻ em.

Các bộ, ngành bắt tay xây dựng khung khổ thể chế cho giai đoạn sau nhất là giai đoạn 2021-2020 cho 2 chương trình với các quan điểm, khung khổ chiến lược, tích hợp các chính sách về dân tộc ở vùng cao vùng khó khăn./.

Thành Chung/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *