(kontumtv.vn) – Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới đang mang lại nhiều khởi sắc cho bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Trong đó phải kể đến Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm được Bộ NN&PTNT phát động nhằm tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Nhưng cạnh tranh thành công hay không khi chất lượng nông sản vẫn chưa đảm bảo, thương hiệu càng khó có thể có được như định hướng.

Rẫy cà phê với hơn 500 cây của gia đình chị Y Man (thôn Chum Tam, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông) đang trong thời kỳ thu hoạch. Nhưng đáng nói, hơn 95% quả cà phê chưa kịp chín bà con đã phải vội vàng thu hoạch. Chị Y Man nói: “Cần mua sắm trong nhà, mua gạo mua đồ, mình cần mình phải đi hái”.

Cần tiền hoặc nợ hàng quán nên bà con thu hoạch cà phê sớm, dù biết cà phê chưa chín, năng suất không cao, chất lượng không đảm bảo. Những yếu tố này đều dẫn đến mẫu số chung là thu nhập từ cây cà phê sẽ không đạt như mục tiêu chính quyền mong đợi. Đây là thực trạng chung của hầu hết người trồng cà phê xứ lạnh ở huyện Tu Mơ Rông. Dự tính là sẽ có hơn 1000 tấn cà phê của xã Măng Ri sẽ được bà con thu hoạch như trường hợp của chị Y Man.

Người dân thu hái cà phê
Người dân thu hái cà phê

Người dân cần tiền thì đã rõ. Nhưng, không phải người dân tự ý hái cà phê xanh mà chính các cá nhân, doanh nghiệp thu mua cà phê đang tiếp tay cho việc làm này. Việc tiếp tay của tư thương vô hình trung làm vô hiệu lực kế hoạch thực hiện xây dựng mỗi xã 1 sản phẩm đã được chính quyền các cấp phê duyệt. Bởi vì các cá nhân, doanh nghiệp không thu mua cà phê kém chất lượng thì khi thu hoạch, người dân sẽ bán cho ai? Ông A Rin Ka, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Đội Quản lý thị trường, theo kế hoạch hằng năm lên quản lý thị trường chỉ được 1 đến 2 lần nên ảnh hưởng đến việc bảo hộ giá, không tránh được việc thương lái mua ép giá hoặc tranh giành sản phẩm. Ví dụ như cà phê chưa chín cũng đã hái”.

Quen với lối sản xuất tự cung tự cấp, khi chuyển sang trồng loại cây hàng hóa như cà phê, bà con vẫn khó thay đổi.

Với hơn 200 ha cà phê xứ lạnh, hằng năm xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông phối hợp với các đơn vị đến từ Lâm Đồng và Gia Lai tập huấn về phương pháp trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản cà phê. Tuy nhiên kết quả mang lại không như mong đợi. Dù nhận biết được phương pháp nhưng việc áp dụng vào thực tiễn lại hết sức nan giải. Ông Vũ Văn Khải (thôn Long Láy, xã Măng Ri) nói: “Cà phê mà bà con hái xanh như vậy là do nó không chín đều được. Do nguyên nhân phân tro là bà con không có chăm bón được kỹ, chỉ có Nhà nước hỗ trợ tý nào thì bà con chăm bón tý đó thôi. Nên quả không chín đều. Bắt buộc bà con đã thu là phải thu một lần cho hết luôn”.

“Bà con từ trước tới giờ phong tục tập quán là họ chỉ trồng và khi có quả thì họ hái. Nhưng qua lớp tập huấn thì họ nhận biết được cách chăm sóc cây cà phê, biết tỉa cành, biết ép xanh, biết chăm bón phân. Nhưng thật sự ra để bà con làm được vấn đề này rất nan giải, phải có thời gian”. Ông Nguyễn Bá Thành, Chủ tịch UBND xã Măng Ri cho biết.

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm nhằm góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, tạo tiền đề thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản và nâng cao thu nhập cho người dân. Đối với huyện Tu Mơ Rông, Chương trình xây dựng thương hiệu Cà phê xứ lạnh cũng không nằm ngoài mục đích đó. Do vậy để đạt được mục tiêu này, chính quyền cần có giải pháp tích cực như tăng cường kiểm tra, giám sát trước vụ thu hoạch cà phê để vận động bà con không thu hoạch cà phê non thì may ra việc xây dựng thương hiệu nông sản mới thực hiện theo kế hoạch, chương trình đã vạch ra.

Nguyễn Thu – Duy Vỹ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *