(kontumtv.vn) – Kế hoạch số 1185 của UBND tỉnh Kon Tum ngày 04/5/2017 chủ trương xây dựng tuyến đường Phan Đình Phùng, thành phố Kon Tum văn minh, sạch, đẹp, không có thức ăn đường phố trong năm 2017. Đến nay, sau hơn 5 tháng triển khai vẫn chưa hoàn thành. Lý giải điều này, phóng viên Đài PT – TH tỉnh có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Ninh – Phó Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum.

PV: Thưa ông, theo Kế hoạch số 1185, ngày 04/5/2017 của UBND tỉnh, tuyến đường Phan Đình Phùng chủ trương được xây dựng thành tuyến đường văn minh, sạch, đẹp, không có thức ăn đường phố. Vậy cho đến thời điểm này, UBND thành phố đã triển khai như thế nào?

Ông Nguyễn Xuân Ninh: Trên địa bàn thành phố hiện nay có 1.003 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trong đó có 446 cơ sở thức ăn đường phố, riêng khảo sát trên tuyến đường Phan Đình Phùng thì có 37 cơ sở. Sau khi khảo sát xong, thành phố đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện tuyến phố văn minh, sạch đẹp ở đường Phan Đình Phùng và không có thức ăn đường phố. Sau đó tổ chức tuyên truyền, triển khai ra quân để tổ chức triển khai thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh.

Tuyến đường Phan Đình Phùng có nhiều cơ sở thức ăn đường phố
Tuyến đường Phan Đình Phùng có nhiều cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố

PV: Hiện nay, tuyến đường Phan Đình Phùng còn khá nhiều hộ kinh doanh thức ăn đường phố. Xin ông cho biết nguyên nhân vì sao?

Ông Nguyễn Xuân Ninh: Nguyên nhân thứ nhất về điều kiện. Điều kiện đường Phan Đình Phùng, mặt đường tương đối rộng, đường một chiều, vỉa hè rất  rộng và là nơi đóng chân nhiều cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, nơi đi qua trung tâm của thành phố, nên rất thuận lợi cho kinh doanh buôn bán. Nguyên nhân thứ hai là ý thức của người dân, kể cả người mua và người bán, ở đâu thuận tiện thì ghé vào đó. Cái thứ ba nữa là giá cả thức ăn đường phố chúng ta biết rồi, rất là rẻ, vừa phải nên người tiêu dùng dừng lại mua ngay. Cái thứ tư là đối tượng kinh doanh thức ăn đường phố thì thường là những hộ gia đình nghèo, gia đình khó khăn ví dụ như bán bánh mì, bán xôi, kinh tế không khá giả nên phải dựa vào đó để mưu sinh. Nguyên nhân chủ quan là công tác tuyên truyền, phổ biến của chính quyền ở các cấp cũng như việc ra quân xử lý ở nhiều nơi còn nể nang, chưa cương quyết nên còn tồn tại.

PV: Khó khăn trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch 1185 của UBND tỉnh trong việc xây dựng tuyến đường Phan Đình Phùng trở thành tuyến đường văn minh đô thị, không có thức ăn đường phố là gì?

Ông Nguyễn Xuân Ninh: Khó khăn thứ nhất các hộ này là các hộ khó khăn của địa bàn các phường nên nếu xử lý cương quyết thì là một cái khó. Cái khó thứ hai là hiện nay thành phố chưa bố trí được điểm nào để các hộ kinh doanh đường phố buôn bán tập trung, ví dụ như chợ đêm thì chưa bố trí được. Mặc dù vừa rồi có ban hành được hệ thống một số tuyến đường vỉa hè đủ điều kiện để cho sử dụng kinh doanh buôn bán, nhưng cũng chưa đáp ứng được nhu cầu. Cuối cùng, cái khó khăn nữa là về nguồn lực, cơ sở vật chất cũng như nhân lực để đảm bảo cho nhiệm vụ này thì thành phố cũng như các phường rất là khó khăn.

PV: Để xây dựng thành công tuyến đường Phan Đình Phùng trở thành tuyến đường văn minh đô thị không có thức ăn đường phố, thời gian tới, UBND thành phố sẽ triển khai những giải pháp cụ thể như thế nào?

Ông Nguyễn Xuân Ninh: Thành phố đang xử lý một cách rất hài hòa, vừa an sinh xã hội, đồng thời đảm bảo trật tự văn minh đô thị, an toàn giao thông. Từ giờ đến cuối năm 2017, thành phố sẽ tiếp tục, thứ nhất là làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu biết, chấp hành. Cái thứ hai nữa là sẽ sắp xếp, bố trí ngoài 16 tuyến đường đã được UBND thành phố ban hành đủ điều kiện cho người dân kinh doanh, buôn bán theo quy định thì tiếp tục rà soát, bố trí địa điểm thích hợp, bố trí cho các hộ kinh doanh buôn bán trong đó có các hộ kinh doanh đường phố và bố trí khu vực chợ đêm phục vụ ẩm thực và kinh doanh buôn bán thức ăn đường phố đưa vào vị trí đó. Sẽ tổ chức ra quân và xử lý cương quyết, xử lý các trường hợp còn tồn tại để đảm bảo từ nay đến cuối năm 2017 sẽ thực hiện tốt chủ trương của tỉnh để xây dựng tuyến đường Phan Đình Phùng trở thành tuyến đường không có thức ăn đường phố.

PV: Như ông vừa nói, tuyến đường Phan Đình Phùng hiện nay có 37 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Sau khi tiến hành thực hiện Kế hoạch 1185 của UBND tỉnh là xây dựng đường Phan Đình Phùng không có thức ăn đường phố, như vậy 37 hộ kinh doanh này sẽ được tạo điều kiện như thế nào để tiếp tục đảm bảo kinh tế gia đình?

Ông Nguyễn Xuân Ninh: Trước khi thực hiện một chủ trương nào đó phải được sự đồng thuận của người dân. Trên cơ sở rà soát thống kê tổng số hiện nay có 37 hộ kinh doanh trên tuyến đường Phan Đình Phùng, chúng tôi sẽ lấy phiếu, hộ nào có nhu cầu tiếp tục kinh doanh đường phố thì chúng tôi sắp xếp, bố trí địa điểm thích hợp. Hộ nào có nhu cầu chuyển đổi ngành nghề thì sẽ có định hướng bố trí phù hợp có thể bằng hình thức tín chấp, vay vốn để họ chuyển đổi nghề nghiệp. Còn những hộ nào không còn nhu cầu buôn bán nữa hoặc muốn di chuyển đi nơi khác thì chúng tôi sẽ tạo điều kiện, từng trường hợp cụ thể sẽ có giải pháp xử lý phù hợp.

PV: Cảm ơn ông vì cuộc trao đổi hôm nay.

Thu Trang – Ngọc Chí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *