Chung quanh chiếc xe công, hay còn gọi là “xe biển xanh” ở nước ta từ trước đến nay thật lắm chuyện đã nói, đã bàn. Vừa rồi có ý kiến đề xuất bỏ biển kiểm soát ô tô màu xanh (xe công vụ) chuyển hết sang biển trắng, bảo đảm công bằng cũng gặp phản ứng trái chiều khác nhau. Hay chuyện khoán xe công, bàn đi bàn lại mãi đến nay cũng có chỉ một vài đơn vị, cơ quan đang làm “thí điểm”.
Xem ra cái gì gắn ít nhiều đến lợi ích cá nhân đều không dễ thực hiện, dù ai cũng biết nó có lợi mười mươi cho tiền thuế của dân. Bản thân chiếc xe chẳng có tội tình gì mà chỉ tại người cán bộ sử dụng nó.
Nào là chuyện ông cán bộ lãnh đạo dùng xe công chở vợ “đi bát phố”; phân loại cán bộ theo phụ cấp lương, từ đó có chế độ xe ô tô đưa đón tại nhà, có lúc đã trở thành những cuộc so bì, tranh cãi này lửa, cán bộ cấp nào thì được đi xe loại bao nhiêu tiền, mấy “chấm”; khoán tiền xe đối với cán bộ có “tiêu chuẩn” đưa đón vẫn là bài toán nan giải; một số cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang được doanh nghiệp ưu ái cho “mượn” xe ô tô về xài; gần đây nhất là xùm xùm việc cán bộ lãnh đạo dùng tư gắn biển xe công, từ đó “cái xảy nảy cái ung”…
Xe biển xanh đi vào đường cấm bị taxi ép lùi. Ảnh cắt clip/VietNamnet |
Một câu hỏi đặt ra là xe ô tô của ai?
Ai cũng biết, xe ô tô của các tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương là lấy từ tiền đóng thuế của người dân, của doanh nghiệp… Như vậy, có thể nói thẳng một câu là: xe của dân.
Nhưng tế nhị là khi xe ô tô được mua về các cơ quan, đơn vị lại mang “sở hữu” của cơ quan A, tổ chức B, bộ, ngành C, địa phương Đ. Nếu chiếc xe ô tô đó được phân công phục vụ đồng chí chủ tịch K, bí thư L, chủ tịch M… thì nhiều khi nó gần như nghiễm nhiên được người ta gọi là xe của những chức danh nói trên.
Vì được coi là “xe của mình”, cho nên, có “sếp” coi chiếc xe đó như “lãnh thổ riêng” của mình. Có một thời gian, khi được bố trí vào vị trí lãnh đạo mới, một số “sếp” nhất thiết yêu cầu phải mua xe mới, không dùng lại xe của người tiền nhiệm. Xe mới phải “chạy” cho được “biển đẹp” theo ý “sếp”. Lái xe cũng phải “hợp gu” với “sếp” từ việc ăn uống, đi đứng đến tính tình… Cho nên, mới có tình trạng “sếp” được điều chuyển công tác đến đâu thì lái xe cũng được luân chuyển theo đó.
Chuyện kể rằng, có thủ trưởng một cơ quan được trang bị 2 xe ô tô phục vụ: một chiếc Toyota Land-Cruiser, chuyên đi miền núi, đường trường; một chiếc Toyota Camry, đi trong phố hằng ngày. Khi thủ trưởng đó đi công tác nước ngoài, nhân trời mưa bão, đội trưởng đội xe lấy chiếc Toyota Land-Cruiser phục vụ đoàn lãnh đạo cấp vụ đi công tác miền núi.
Thủ trưởng cơ quan khi về đã “quạt” cho đội trưởng đội xe một mẻ tái cả mặt, rằng: Xe của tôi, ai cho phép anh điều động phục vụ người khác? Từ nay, khi nào không được phép của tôi thì không có bất kỳ ai được ngồi lên xe của tôi!
Ở một cơ quan trung ương có tới những 4-5 vị cấp phó, có tiêu chuẩn xe ô tô đưa đón hằng ngày. Các hội nghị do Trung ương triển khai, tất 4-5 vị phó đó đều phải tham gia. Mặc dù đều xuất phát từ cơ quan, nhưng mỗi vị vẫn cứ “xe ai người ấy đi”, tan cuộc lại mỗi người một xe, một lái trở về.
Thủ trưởng cơ quan có hô hào tiết kiệm, các cấp phó cùng tuyến đường đi chung một xe đưa đón thì lời hô hào suông, chung chung ấy, chẳng được ai hưởng ứng. Bởi vì, không ai muốn “đi nhờ” xe của ai. Và khi đã là “tiêu chuẩn” rồi thì khó có thể “bớt xén” được và người ta sẽ viện muôn vàn lý lẽ.
Còn nhớ, tháng 8/2016 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Quy định về việc xe của các bộ, ngành Trung ương và các địa phương tháp tùng đoàn lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng khi xuống làm việc với các địa phương. Theo đó, “thành phần tham gia đoàn công tác của lãnh đạo Chính phủ về địa phương, về phía tỉnh, thành phố không đi quá 3 xe ô tô, bao gồm xe chung của Bí thư, Chủ tịch và các sở, cơ quan, ban ngành theo yêu cầu. Về phía các bộ, trừ bộ trưởng đi xe riêng, các thành phần khác đều đi xe chung với Văn phòng Chính phủ”. Dư luận xã hội, ý kiến người dân rất đồng tình, hoan nghênh chủ trương, quy định này.
Văn phòng Chính phủ quy định việc “đi chung” xe giữa Bí thư tỉnh ủy với Chủ tịch UBND tỉnh là một bước cải cách mạnh mẽ. Đi chung nhưng đi “xe của ai” là cả một vấn đề không phải cán bộ lãnh đạo nào cũng cảm thấy thoái mái. Do vậy, cùng với việc khoán kinh phí xe công vụ một cách khoa học, triệt để, phù hợp, Đảng, Nhà nước cần tiếp tục quy định cụ thể để ngăn chặn, xóa bỏ tư tưởng cho rằng ô tô của dân thành xe riêng cá nhân mình./.
Vũ Lân/Vietnamnet