(kontumtv.vn) – Xúc động, tự hào, tin tưởng, đó là tâm trạng chung của các ĐBQH, đồng bào và cử tri cả nước tại lễ tuyên thệ nhậm chức của Chủ tịch nước và CTQH.

Tuần làm việc thứ 2 kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 13 đã diễn ra với nhiều nội dung quan trọng. Phần lớn thời gian được dành cho thảo luận về công tác nhiệm kỳ qua và công tác nhân sự. Đây cũng là các nội dung nhận được sự quan tâm đặc biệt của đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước.

Về công tác nhân sự, sau khi miễn nhiệm các chức danh Chủ tịch Quốc hội với ông Nguyễn Sinh Hùng và Chủ tịch nước với ông Trương Tấn Sang, Quốc hội đã bầu chức danh Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch nước.

Theo đó, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã được bầu giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội. Ông Trần Đại Quang được bầu giữ cương vị Chủ tịch nước.

xuc dong, tin tuong khi chu tich nuoc, chu tich quoc hoi tuyen the hinh 0
Tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Tân Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Đây là lần đầu tiên, khi nhậm chức, Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch nước đã tuyên thệ trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực làm hết sức mình hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Xúc động, tự hào, tin tưởng, đó là tâm trạng chung của các đại biểu Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước tại lễ tuyên thệ nhậm chức của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Phát biểu nhậm chức của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nhận được sự ủng hộ và kỳ vọng của đại biểu Quốc hội khi nhấn mạnh và nêu bật các nội dung quan trọng mà nhân dân mong muốn.

Đó là tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích và an ninh quốc gia.

Tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, chủ động tích cực hội nhập, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội trên thế giới.

Nội dung nổi bật khác nhận được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội đó là thảo luận về kết quả phát triển kinh tế – xã hội nhiệm kỳ 2011-2015.

Các ý kiến đánh giá cao trong nhiệm kỳ với nhiều khó khăn, thách thức, Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ đã đối diện tình hình, chấp nhận hy sinh tăng trưởng, ưu tiên kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Do vậy nền kinh tế nước ta đã đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa quan trọng, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện phát triển bền vững.

Lạm phát được kiểm soát ở mức hợp lý; mặt bằng lãi suất giảm góp phần khai thông nguồn vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh và đầu tư; tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, từng bước xử lý nợ xấu và nâng cao chất lượng tín dụng.

GDP bình quân 5 năm đạt 5,9%/năm, riêng năm 2015 đạt 6,68%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008. An sinh xã hội đảm bảo.

Với các biện pháp đồng bộ nước ta đã thực  hiện có kết quả các đột phá chiến lược về tái cơ cấu kinh tế, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia, bảo đảm ổn định chính trị xã hội, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Nhất trí với các mục tiêu đề ra của Chính phủ trong giai đoạn 5 năm tới là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước; đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Tuy nhiên, theo các đại biểu để thực hiện được những mục tiêu đề ra, cụ thể về tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2016-2020 là 6,5-7%/năm; GDP bình quân đầu người khoảng 3.200-3.500 USD đến năm 2020. Bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2020 còn khoảng 4% GDP… cần phải khắc phục những yếu kém tồn tại hiện nay của nền kinh tế và chính trong nội tại bộ máy vận hành.

Đó là tình trạng chỉ tiêu tăng trưởng thấp, nợ công cao, năng suất lao động thấp, bội chi cao, bộ máy cồng kềnh, tình trạng tham nhũng, lãng phí… Trên cơ sở đó các đại biểu đã thẳng thắn phân tích những nguyên nhân và đề xuất giải pháp cho nền kinh tế giai đoạn tới.

Đại biểu Lê Như Tiến, đoàn Quảng Trị cho rằng những tồn tại về cơ chế xin cho, tham nhũng chính là những rào cản, những barie vô hiệu hóa các chủ trương, chính sách tốt đẹp, thông thoáng mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước để phát triển kinh tế – xã hội.

Đại biểu gọi đây là tình trạng “trên rải thảm, dưới rải đinh”, theo đại biểu các nhà đầu tư tuy đi trên thảm nhưng vẫn nhức nhối vì hàng đinh ở dưới.

Theo phân tích của một số đại biểu, tình trạng ngân sách cạn kiệt và việc chi tiêu không được quản lý chặt chẽ sẽ dẫn đến tình trạng bội chi triền miên, gây ra những hệ quả nghiêm trọng cho tình hình kinh tế đất nước, khó tránh khỏi tình trạng tiếp tục vay nợ mới để trả nợ cũ.

Lo ngại về nợ công, đại biểu Trần Ngọc Vinh, đoàn Hải Phòng nhận định nợ công tăng chóng mặt những năm gần đây. Trung bình mỗi năm tổng số nợ công tăng thêm 2%/GDP, riêng năm 2015 tăng 4%.

Mặc dù 2015 là năm kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm, nhưng tất cả các khoản trả nợ gốc và lãi đang bào mòn ngân sách với tốc độ rất lớn.

Đây là hệ quả của việc sau một thời gian dài liên tục đi vay một cách tràn lan, nhưng đầu tư lãng phí, kém hiệu quả.

Theo đại biểu để kìm hãm tốc độ phi mã của nợ công hiện nay, Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ việc phân bổ và sử dụng nguồn vốn vay của các địa phương và các dự án lớn. Cải thiện cơ chế chính sách nhằm giải phóng tiềm lực kinh doanh của doanh nghiệp trong nước và thu hút vốn nhàn rỗi trong nhân dân, thay đổi cơ cấu nợ công, xây dựng một cơ chế quản lý nợ công hiệu quả hơn.

Các đại biểu cho rằng, tăng trưởng kinh tế chỉ hợp lý khi sự tăng trưởng đó xuất phát từ chính sức mạnh nội lực của nền kinh tế. Để tăng cường nội lực nền kinh tế trước tiên cần ngăn chặn những nguyên nhân dẫn tới bội chi như tình trạng lãng phí đầu tư công, cơ chế xin cho, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, kiên quyết tinh giản biên chế…Có như vậy mới tăng hiệu quả nguồn vốn đầu tư, tạo sức hấp dẫn thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó cần thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống lãng phí, chống tham nhũng.

Theo đại biểu Bùi Mạnh Hùng đoàn Bình Phước, trong giải pháp cho 5 năm tới, Chính phủ cần đặt vấn đề phòng, chống tham nhũng, lãng phí lên vị trí hàng đầu. Coi phòng, chống tham nhũng lãng phí là một nhiệm vụ đặc biệt và cần có những giải pháp đồng bộ, toàn diện hơn, thực hiện một cách quyết tâm hơn. Quan điểm này nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu.

Các đại biểu cũng đề nghị giai đoạn 2016-2020 Chính phủ cần quan tâm, quản lý chặt chẽ hơn nữa công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ việc sử dụng hóa chất cấm trong nuôi trồng, chế biến thực phẩm, sử dụng chất để tạo nạc, nội tạng động vật hôi thối được ngâm hóa chất và tẩy trắng…ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhân dân. Theo các đại biểu cần có giải pháp mạnh ngăn chặn tình trạng này để đảm bảo sức khỏe của nhân dân ./.

Nguyên Nhung/VOV-Trung tâm Tin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *