(kontumtv.vn) – Y tế cơ sở nói riêng và ngành Y tế nói chung phải tạo được niềm tin cho nhân dân trong công việc chăm sóc sức khỏe ban đầu. Bên cạnh đó, ngành Y tế phải xác định rõ phạm vi hoạt động của y tế cơ sở, đầu tư cho y tế cơ sở phải sát thực tế đặt trong tổng thể đổi mới ngành Y tế Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu Bộ Y tế, đại biểu quốc tế tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Đình Nam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh điều này tại Hội nghị quốc tế về tăng cường y tế cơ sở cho chăm sóc sức khỏe ban đầu, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, diễn ra trong 2 ngày 24-25/3, tại TP. Huế.

Bảo đảm 70% nhu cầu chăm sóc sức khỏe tuyến cơ sở

Theo Bộ Y tế, hiện mạng lưới y tế cơ sở đã bao phủ đến tận địa bàn xã, phường, thôn, bản với 645 BV/trung tâm y tế huyện và 685 phòng khám đa khoa khu vực; trên  11.000 trạm y tế xã; 82,9% tổ dân phố và 96,9% số thôn bản có nhân viên y tế. Qua đó đảm bảo 70% nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tại tuyến cơ sở.

Đảng, Nhà nước dành cho y tế cơ sở nhiều nguồn lực. Đến nay, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đã có 487 BV/trung tâm y tế huyện và 114 phòng khám đa khoa khu vực được hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, so với nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân, cơ chế hoạt động của hệ thống y tế cơ sở đã có nhiều điểm không còn phù hợp. Nguồn lực và quản lý còn hạn chế, cơ chế tài chính không khuyến khích đơn vị y tế cơ sở cung ứng dịch vụ y tế; không thu hút được nhân lực y tế có chất lượng, được đào tạo.

Tại một số địa phương, người dân ít khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở, từ đó gây nên tình trạng vượt tuyến, quá tải ở BV tuyến trên; làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe; khiến công tác chăm sóc y tế kém công bằng, hiệu quả chưa cao.

“Thậm chí, nhiều BV tuyến cuối, BV chuyên khoa thay vì tập trung điều trị các ca bệnh phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật chuyên sâu, thì nay lại thực hiện cả những kỹ thuật điều trị cơ bản, phổ biến”, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết.

Y tế cơ sở cần cách tiếp cận mới

Trước những thách thức của y tế cơ sở tại Việt Nam, TS. Takeshi Kansai, Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho rằng cần có cách tiếp cận mới khi hệ thống y tế của Việt Nam đang đứng trước nhu cầu ngày càng đa dạng của người dân; sử dụng công nghệ cao cùng nguồn lực đầu tư đang chuyển dần sang khối tư nhân.

“Những điều này đòi hỏi phải tổ chức dịch vụ y tế cơ sở dựa trên nhu cầu của người dân. Trong đó, mạng lưới y tế cơ sở phải được sử dụng để cung cấp dịch vụ y tế dự phòng và tuyên truyền sức khỏe liên tục với khu vực ưu tiên là vùng sâu, vùng xa, khó tiếp cận”, TS Kasai nói.

Trong khi đó, GS Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam nhấn mạnh nội dung chính trong hoạt động của y tế cơ sở dù ở thời kỳ nào cũng phải là “chăm sóc sức khỏe ban đầu trên nguyên tắc gần dân, bám sát dân”. Từ đó, triển khai hoạt động đào tạo, đãi ngộ nhân lực y tế cơ sở phù hợp với đặc điểm vùng miền khác nhau; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm thay vì dàn trải ở nông thôn, miền núi cũng giống đồng bằng, thành thị…

“Phải thay đổi quan niệm coi nhẹ y tế cơ sở, phòng bệnh, chỉ chú trọng điều trị, chữa bệnh; người làm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu kém hơn người làm y học chuyên sâu, kỹ thuật cao”, GS Phạm Mạnh Hùng nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh dù lần đầu tiên có một hội nghị toàn quốc về y tế cơ sở nhưng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt. Ảnh: VGP/Đình Nam

Cần xác định rõ phạm vi hoạt động

Trao đổi với các đại biểu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh dù lần đầu tiên có một hội nghị toàn quốc về y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu song công tác y tế cơ sở luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt, đóng góp vào những thành tựu của ngành Y tế Việt Nam, được cộng đồng y tế đánh giá cao trong những năm qua.

“Chúng ta đã có nhiều chính sách phát triển y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu qua từng thời kỳ. Có những chính sách tiếp tục phát huy hiệu quả nhưng cũng có những điểm cần thay đổi và phải phân tích đầy đủ để có cái nhìn nhất quán, kế thừa, phát triển. Trong đó cần tuân theo nguyên lý đổi mới, tăng cường y tế cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu đặt trong tổng thể đổi mới Y tế Việt Nam”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cụ thể, trong điều kiện hiện nay, ngành Y tế phải xác định rõ phạm vi hoạt động của y tế cơ sở, mối quan hệ với y tế tuyến trên, những nhiệm vụ, công việc (dịch vụ, kỹ thuật) được phép làm, chuẩn hóa thành hệ thống đánh giá chất lượng nghiêm ngặt, công khai. Từ đó xác định yêu cầu đào tạo cụ thể cho nhân lực y tế cơ sở có tính đến sự khác biệt giữa các vùng miền như miền núi với đồng bằng, hải đảo với đất liền…

Chia sẻ câu chuyện một Trạm trưởng y tế xã có thể nói “vanh vách” những gì liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn và những giáo sư, bác sỹ đầu ngành về ghép tạng ở nhiều BV Trung ương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đây đều là những bác sỹ rất giỏi, rất cần được tôn vinh. Vì vậy, trong xã hội, thậm chí cả trong ngành Y tế, cần thay đổi nhận thức “cứ nhìn vào y tế cơ sở, bác sỹ tuyến xã, thôn thì chỉ coi đây là bác sỹ hạng hai”.

Đồng thời, có chế độ đãi ngộ xứng đáng, phù hợp với đội ngũ bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng viên cơ sở, chú trọng thúc đẩy luân chuyển y, bác sỹ cho tất cả mọi người có điều kiện nắm bắt thực tiễn, học tập thêm để tiến bộ trong nghề nghiệp.

Đầu tư sát thực tế

Trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho y tế cơ sở, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến yêu cầu phải sát thực tế. Tránh tình trạng  ở vùng sâu, vùng xa còn có nơi bà con đi cả ngày mới đến được trạm y tế xã nhưng không ít các trạm y tế xã, phường ở đô thị, ở các tỉnh đồng bằng có khi chỉ cách BV, trung tâm y tế huyện 5-10 phút đi xe máy, nhà xây rất khang trang nhưng hiệu năng sử dụng rất thấp. Thời gian tới,ngành Y tế cần tính toán đầu tư cho y tế cơ sở tiết kiệm, hiệu quả nhất, theo tinh thần “chỗ khó làm trước”.

Cơ chế tài chính, đầu tư cho y tế cơ sở cũng cần được xem xét lại một cách căn bản trong tổng thể cơ chế tài chính đầu tư, toàn ngành Y tế, với điểm mấu chốt là đẩy nhanh thực hiện BHYT toàn dân. Bên cạnh đó, các bộ ,ngành, địa phương cần quan tâm hơn nữa tới công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, đặc biệt là tăng cường đầu tư, có chế độ chính sách tốt cho y tế cơ sở; đẩy mạnh vận động người dân tham gia BHYT để BHYT toàn dân sớm được thực hiện

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm một bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Thận Nhân tạo, BV Quốc tế Trung ương Huế. Ảnh: VGP/Đình Nam

Từ những khuyến nghị, đề nghị tâm huyết để phát triển y tế cơ sở, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Chính phủ sẽ bàn, xem xét trên tinh thần điều gì cần thiết vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của nhân dân thì dù khó cũng phải làm, chưa thống nhất thì phải thuyết phục.

“Quan trọng nhất là làm sao y tế cơ sở nói riêng và y tế nói chung nhận được niềm tin của nhân dân. Sao cho người dân khi thấy bác sỹ dù ở trạm y tế xã hay BV Trung ương đưa ra lời khuyên thì đều tin tưởng làm theo”, Phó Thủ tướng nói.

* Cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến thăm BV quốc tế Trung ương Huế, mô hình đổi mới cơ chế quản lý, tự chủ hiệu quả của BV Trung ương Huế.

Theo Phó Thủ tướng, là một trong những BV có truyền thống lâu đời, BV Trung ương Huế cần tiếp tục đi đầu ứng dụng nhiều phương pháp điều trị kỹ thuật cao, vận dụng sáng tạo những cơ chế chính sách mới về tự chủ, chủ động huy động vốn đầu tư, mua sắm trang thiết bị hiện đại, phát triển các khoa, phòng khám, điều trị chuyên sâu, kỹ thuật cao phục vụ người dân ngang tầm các nước có nền y học phát triển; có cơ chế đãi ngộ, đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ y tế.

Đình Nam/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *