(kontumtv.vn) – Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, không chỉ sử dụng bom đạn, quân đội Mỹ còn dùng loại vũ khí hóa học để ngăn cản bước tiến công của bộ đội ta. Cùng với tàn phá môi trường, tạo nên những vùng đất chết, chất độc da cam/dioxin còn mang đến nỗi đau ám ảnh, kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó là nỗi đau cả về thể chất lẫn tinh thần. Cũng bởi vậy, nỗ lực chung tay xoa dịu nỗi đau da cam là thông điệp hướng tới cộng đồng. Triển lãm “Da cam – Lương tri và Công lý” năm 2022 do Hội Nạn nhân chất độc Da cam/dioxin Việt Nam phối hợp với Binh Chủng hóa học và UBND tỉnh Kon Tum tổ chức tại Bảo tàng – Thư viện tỉnh mang một thông điệp như thế.

Diễn ra từ ngày 20/7 và kết thúc sáng 25/8, Triển lãm mang đến gần 400 hình ảnh, tài liệu, hiện vật trưng bày ở Bảo tàng – Thư viện tỉnh Kon Tum với 6 chủ đề cụ thể, gồm thảm họa da cam, nỗi đau da cam; Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh hóa học; hoạt động của Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam và hành trình đòi công lý cho nạn nhân da cam; những tấm gương vượt khó vươn lên, những tấm lòng vàng vì nạn nhân da cam; tỉnh Kon Tum khắc phục thảm họa da cam, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân nhiễm chất độc hóa học; hoạt động đền ơn đáp nghĩa kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ. Tham quan Triễn lãm lần này, em Nguyễn Tuyết Nga, học sinh Trường THPT Kon Tum ở thành phố Kon Tum bày tỏ niềm cảm thông sâu sắc đối với những nạn nhân da cam, qua đó, lên án mạnh mẽ chiến tranh và mong muốn một thế giới hòa bình, không tiếng súng. “Em thấy đây là một cuộc triển lãm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Sau cuộc chiến tranh là hậu quả chất độc da cam. Từ đó mình cảm thấy nỗ lực, cố gắng làm sao đền đáp xứng đáng cho những gì họ đã hy sinh và những cống hiến to lớn của họ”, em Nga nói.

Triển lãm đã giúp người xem có được cái nhìn cận cảnh về một cuộc chiến tranh hóa học kéo dài nhất trong lịch sử loài người mà quân đội Mỹ đã thực hiện trong chiến tranh Việt Nam từ năm 1961 – 1971. Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết, đây là năm thứ 10 Triễn lãm “Da cam – Lương tri và Công lý” được tổ chức trên phạm vi một tỉnh, thành phố. “Sang năm, chúng tôi sẽ tổ chức Triễn lãm ở tỉnh Lâm Đồng, thành phố Đà Lạt. Đây là nơi tập trung nhiều khách du lịch trong tỉnh, bạn bè quốc tế đến xem cũng đông. Cái chính là truyền tải thông tin về thảm họa da cam về môi trường, con người và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong khắc phục hậu quả chất độc hóa học. Sau những Triển lãm, chúng tôi thấy rằng có tác dụng rất lớn đối với nhận thức của người dân và ngay cả nhận thức của lãnh đạo địa phương cũng có tiến bộ hơn, bảo đảm chế độ, chính sách tốt hơn”, thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho hay.

Sau hơn 01 tháng tổ chức, Triễn lãm “Da cam – Lương tri và Công lý” năm 2022 đã thu hút gần 2.700 lượt khách đến tham quan, qua đó vận động được 160 tập thể, cá nhân đóng góp cho Qũy Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh với tổng số tiền 780 triệu đồng. Cùng với thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cho các nạn nhân da cam, hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh đối với môi trường cũng được các cấp ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện trong thời gian qua. Đại tá Phạm Công Hữu, Phó Chính ủy Binh Chủng hóa học nhấn mạnh: “Trong năm vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, đối với Đảng ủy Binh Chủng hóa học cũng đã tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tiến hành điều tra, khảo sát, xử lý chất độc hóa học tồn lưu trong chiến tranh ở các địa bàn Miền Trung, Tây Nguyên, đặc biệt ở các quân khu IV, V, IX. Đối với địa bàn tỉnh Kon Tum, chúng tôi đã tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, đoàn thể tiến hành hỗ trợ người khuyết tật trên địa bàn tỉnh”.

Với những thông điệp vô cùng ý nghĩa, Triển lãm “Da cam – Lương tri và Công lý” đã để lại trong lòng khách tham quan bao nỗi niềm suy tư và ấn tượng khó phai về hành trình lên tiếng bảo vệ quyền lợi chính đáng của những nạn nhân da cam; sự chung tay của cả xã hội nhằm hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân vượt lên số phận./.

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *