(kontumtv.vn) – Bàn về hướng phát triển cho bóng đá Việt Nam, những người làm bóng đá nước nhà đều có chung quan điểm cần phát triển vững mạnh nền móng là đào tạo trẻ và siết chặt kỷ luật trong bóng đá.

Bóng đá Việt Nam rất cần đẩy mạnh đào tạo trẻ và kỷ luật nghiêm

Bóng đá nữ Việt Nam và giấc mơ World Cup đang ở rất gần.

Bóng đá Việt Nam đang nằm trong “vùng trũng” của bóng đá thế giới với hàng loạt bê bối. Đội tuyển quốc gia và U23 liên tiếp thất bại tại các giải đấu khu vực. Bóng đã nữ có tiềm năng và thực lực, nhưng không được quan tâm đúng mức. Công tác đào tạo bóng đá trẻ gần như phát triển tự phát, thiếu bài bản và thiếu tính chuyên nghiệp. Cách thức tổ chức, điều hành giải đấu bóng đá chuyên nghiệp còn quá nhiều vấn đề, khiến khán giả quay lưng và ngay cả nhiều doanh nghiệp cũng bỏ bóng đá giữa chừng vì thất vọng… Có thể nói, bóng đá nước nhà đang phải nhận nhiều chỉ trích từ phía dư luận.

Trong bối cảnh như vậy, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã tổ chức Đại hội khóa VII. Một ban lãnh đạo mới với các chức danh Chủ tịch, Tổng thư ký và các ban chức năng vừa được bầu lên. Là tân Chủ tịch VFF, ông Lê Hùng Dũng thừa nhận sự yếu kém trong vai trò điều hành ở nhiệm kỳ trước: “Tất cả yếu điểm ở nhiệm kỳ trước có phần trách nhiệm của tôi. Đầu tiên là anh Hỷ (Chủ tịch), thứ hai là tôi (Phó Chủ tịch), thứ ba là Ban chấp hành”.

Thừa nhận yếu điểm, nhìn nhận ra vấn đề cần khắc phục nhưng cái khó của những người làm lãnh đạo tại VFF cũng không ít và được ông giãi bày: “Quả thực, việc tăng khẩu phần ăn cho đội tuyển bóng đá nữ là cần thiết để đáp ứng yêu cầu tối thiểu trước khi các em mơ về World Cup nhưng cũng cần phải có nguồn đầu tư. Mà việc vận động tài trợ là cực khó. Ngay cả với V-League, việc vận động đầu tư cũng đã không phải dễ. Các doanh nghiệp ngoảnh mặt bởi họ sợ hình ảnh méo mó, tiêu cực của giải đấu ảnh hưởng tới thương hiệu của các DN tài trợ. Vấn đề là cần phải làm cho hình ảnh các giải đấu bóng đá nước nhà tốt lên, kéo theo đó là các khoản đầu tư, tài trợ và như thế mức sống, mức thu nhập của các cầu thủ tăng lên, đặc biệt là các cầu thủ nữ”.

Đẩy mạnh đào tạo bóng đá trẻ là hướng đi tất yếu

Là người có nhiều năm gắn bó với bóng đá nước nhà, ông Mai Liêm Trực – Nguyên Chủ tịch LĐBĐVN đúc kết: “Bóng đá Việt Nam cần phải được xây dựng từ bóng đá phong trào, bóng đá học đường. Đây là xu hướng tất yếu của bóng đá thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, vì nhiều yếu tố khách quan mà chưa thể làm được điều này”.

Bóng đá phong trào là nơi sàng lọc các cầu thủ tài năng. Sau đó, họ sẽ trải qua các trường lớp đào tạo sau đó đi lên chuyên nghiệp. Bóng đá Việt Nam cần phải xây dựng từ nền móng xây lên thay vì kiểu “xây nhà từ nóc”. BTV Quốc Khánh của Đài THVN, người có nhiều năm thực hiện các chương trình thể thao trên VTV cho rằng việc xây nhà từ móng cho bóng đá Việt Nam cần thời gian, cần hi sinh nhưng hoàn toàn xác đáng để thực hiện ngay lúc này: “Chúng ta cần chấp nhận hi sinh một khoảng thời gian để đầu tư cho bóng đá trẻ. Lấy ví dụ là ĐT Bỉ, sau hơn 10 năm không để lại dấu ấn nào trên đấu trường quốc tế, hiện tại, ĐT Bỉ đã trở lại với lứa cầu thủ tài năng và sẵn sàng chinh phục châu Âu và thế giới.

Đó là chiến lược xây dựng bóng đá theo kiểu “xây nhà từ móng” theo hình kim tự tháp. Tức là nền móng của kim tự tháp không phải giải VĐQG Bỉ (Belgium Jupiler League) cũng không phải ĐTQG Bỉ mà chính là bóng đá trẻ. Các cầu thủ trẻ có niềm vui chơi bóng, được đào tạo và trưởng thành dần và nóc kim tự tháp chính là ĐTQG tài năng chơi gắn kết như hiện nay với những ngôi sao đẳng cấp thế giới như Hazard, Kompany, Fellaini, Courtois, Vermaelen chưa kể tới những tài năng trẻ như Lukaku, Benteke, Dembele, Kevin De Bruyne”.

Đồng tình với nhận định của BTV Quốc Khánh trên hầu hết quan điểm, tuy nhiên, ông Lê Hùng Dũng cũng đưa ra những nhận định cá nhân về việc xây nền móng cho bóng đá Việt Nam. Việc lựa chọn đâu là móng nhà là điều cần bàn bạc. Bóng đá phong trào cung cấp lực lượng tài năng trẻ cho bóng đá khu vực, bóng đá tỉnh lên đến đội tuyển, vẫn còn tự phát ở Việt Nam. Hiện VFF đã có Ban Bóng đá phong trào để từng bước thực hiện điều này.

Ông Lê Hùng Dũng cũng tiết lộ, trong một vài tuần tới, VFF sẽ kí hợp đồng tài trợ cho bóng đã nữ, bởi đơn vị tài trợ cho rằng bóng đá nữ không những đá hay mà còn đá “sạch” (trung thực). Nhấn mạnh về tầm quan trọng của tính trung thực, ông lấy ví dụ về U19 Việt Nam tại giải đấu giao hữu U19 Quốc tế 2014 Cúp Nutifood. Dù ĐT U19 Việt Nam thua các đội khách mời đồng trang lứa như AS Roma, Tottenham hay Nhật Bản nhưng khán giả không hề quay lưng mà thậm chí còn đến sân đông hơn sau mỗi trận thua. Điều đó cho thấy NHM hoàn toàn tin tưởng vào ĐT U19 Việt Nam với lối chơi đẹp, đạo đức và trung thực.

Cùng với ĐT nữ quốc gia, ĐT U19 Việt Nam là điểm sáng hiếm hoi của bóng đá nước nhà lúc này.

Ông Mai Liêm Trực cũng tin rằng tính trung thực là điều quan trọng hơn hết trong bóng đá bởi đó là biểu hiện của việc tôn trọng khán giả. Và như thế, khán giả không quay lưng lại với bóng đá và tới sân xem bóng đá. Để có được tính trung thực thì người làm bóng đá có hai biện pháp áp dụng, một là giáo dục và hai là kỷ luật nghiêm. Ông Mai Liêm Trực nhấn mạnh: “Trong nhiệm kỳ của LĐBĐVN lần này, nếu làm được hai việc quan trọng hàng đầu là đào tạo bóng đá trẻ và kỷ luật nghiêm, Ban lãnh đạo mới sẽ tạo được dấu ấn tốt”.

Tại cuộc đối thoại, ông Lê Hùng Dũng cũng khẳng định, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam có đủ thẩm quyền để làm bóng đá có kỷ luật. Và chắc chắn, Liên đoàn bóng đá nhiệm kỳ này sẽ siết chặt kỷ luật từ vấn đề trọng tài, giám sát, đội bóng, cầu thủ…

Trung Khánh/VTV Online

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *