(kontumtv.vn) – Với 73 HCV, đứng trong top 3 trên bảng tổng sắp, ĐTTVN đã hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu đề ra trước ngày lên đường tham dự SEA Games 28.

Hơn 85% trong tổng số 73 HCV mà đoàn thể thao Việt Nam giành được tại SEA Games 28 thuộc về các môn Olympic. Đây là con số vượt trội so với tỷ lệ đạt gần 65% ở SEA Games 27. Để có được con số ấn tượng này, tất cả các môn thuộc hệ thống Olympic của thể thao Việt Nam đều đã thi đấu rất thành công, nhiều môn vượt chỉ tiêu.

Trong đó, riêng 3 môn trọng điểm là bơi (10 HCV), điền kinh (11 HCV), Thể dục dụng cụ (9 HCV) xứng đáng được nêu công đầu. Các môn còn lại như đua thuyền (9 HCV), đấu kiếm (8 HCV), Taekwondo (5 HCV) hay bắn súng (4 HCV) cũng thành công rực rỡ, đóng góp vào thành tích chung.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ở phần thi đồng đội 10m súng ngắn hơi nam  (Ảnh: Trọng Phú)

Theo ông Trần Đức Phấn, những kết quả này đến từ chủ trương đầu tư trọng điểm cho khoảng 50 VĐV để hướng tới những đấu trường cao hơn, trong đó tập trung cho 5 môn Olympic gồm điền kinh, bơi lội, thể dục, bắn súng và cử tạ.

Ông Trần Đức Phấn cho biết: “Hiện nay chúng ta đang chuyển hướng đầu tư, hướng tới những đấu trường cao hơn là ASIAD và Olympic. Chính vì mục tiêu đó mà các môn Olympic được tập trung đầu tư. Trong đó có cả đầu tư trọng điểm và đầu tư chuyên biệt như VĐV Ánh Viên hay Quách Thị Lan – là những VĐV mà chúng ta chuẩn bị cho mục tiêu cao hơn. Bên cạnh đó, những điều kiện đảm bảo ở các Trung tâm huấn luyện quốc gia, dinh dưỡng hay chăm sóc y tế đều tốt hơn những năm trước”.

Với 8 HCV và phá 8 kỷ lục SEA Games, “kình ngư” Ánh Viên xứng đáng là VĐV xuất sắc, không chỉ của đoàn thể thao Việt Nam mà còn của cả Đại hội. HLV Đặng Anh Tuấn đánh giá, qua thành tích tại SEA Games lần này, nhiều nội dung thi đấu của Ánh Viên đã tiệm cận tới huy chương ASIAD.

Ánh Viên (Ảnh: Trọng Phú)

HLV Đặng Anh Tuấn cho biết: “Ở giải thi đấu này, Ánh Viên có hai thành công rất đáng trân trọng, ở các nội dung 200m, 400m và 800m tự do đều vượt thành tích HCĐ ASIAD. Đặc biệt là ở cự li 400m tự do vượt HCĐ ASIAD và chỉ kém HCV 1 giây. Nếu điều chỉnh về chuyên môn 1 cự li thì Ánh Viên sẽ bơi 400m khoảng 4 phút 5 giây, vượt HCV ASIAD. Với thực lực của Ánh Viên hiện nay, nhiều nội dung đã đạt huy chương ASIAD và nhiều nội dung đang đứng trong tầm vào chung kết giải vô địch thế giới sắp tới”.

Bên cạnh thành tích xuất sắc của môn bơi, đội tuyển điền kinh cũng là điểm sáng của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 28. Trong đó, Nguyễn Thị Huyền trở thành VĐV đầu tiên đạt chuẩn Olympic 2016 với 2 HCV 400m và 400m rào nữ, đồng thời xô đổ kỷ lục tồn tại 20 năm ở nội dung 400m rào. Nguyễn Văn Lai phá kỷ lục tồn tại 22 năm ở nội dung chạy 5000m hay đội chạy tiếp sức 4x400m nữ vượt qua kỷ lục được thiết lập cách đây tới 24 năm. Không chỉ đạt về số lượng, điều đáng mừng là “chất lượng” của những tấm huy chương mà các VĐV Việt Nam giành được, kể cả HCB.

Ông Nguyễn Trọng Hổ – HLV đội tuyển điền kinh chia sẻ: “Những huy chương của chúng ta đều rất chất lượng như 2 HCV 400m và 400m rào của Nguyễn Thị Huyền đều đạt chuẩn dự Olympic ở Brazil, hay 2 HCB của Quách Công Lịch đều có thành tích vượt xa HCV trước đó rất nhiều. Trong những HCB thì thành tích ấn tượng nhất là HCB nhảy xa nữ của Bùi Thu Thảo – hiện đứng thứ 33 thế giới và vượt qua HCV ASIAD tới 10cm. Rồi HCV 200m nam của Lê Trọng Hinh, trước đây chúng ta chưa bao giờ có huy chương ở cự ly ngắn thì lần này đã đoạt HCV và thành tích khoảng 2/10 giây nữa là đạt chuẩn Olympic”.

Nguyễn Thị Huyền vừa giành HCV trên đường chạy 400m nữ. (Ảnh: Trọng Phú)

Chưa kỳ SEA Games nào, các VĐV Việt Nam thi đấu ấn tượng đến vậy, nhất là khi lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây, đoàn thể thao Việt Nam tham dự với số lượng VĐV đã được tinh giản đến mức tối thiểu (392 người so với số lượng 500 – 700 VĐV trước đây). Đó là một bất lợi rất lớn của chúng ta so với đội ngũ đông đảo của chủ nhà Singapore hay Thái Lan (hơn 1.000 VĐV), Indonesia (hơn 700 VĐV), Malaysia (hơn 600 VĐV). Số lượng các môn thi đấu của VĐV Việt Nam tại SEA Games 28 cũng ít hơn những lần trước, với 28 trên tổng số 36 môn.

Tuy nhiên, trước khi nghĩ đến tham vọng vươn ra biển lớn, chúng ta cần nhìn thẳng vào khoảng cách của thể thao Việt Nam nói riêng, thể thao khu vực nói chung so với trình độ châu lục và thế giới. Để đủ sức cạnh tranh ở các đấu trường có độ cạnh tranh khốc liệt như ASIAD hay tầm cao hơn là Olympic, thể thao Việt Nam sẽ phải thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực nhiều hơn nữa từ các cấp lãnh đạo đến đội ngũ HLV, VĐV.

Khó khăn, thách thức đặt ra không nhỏ nhưng với lực lượng VĐV đang có trong tay, vấn đề còn lại với thể thao Việt Nam là cách làm. Quy luật phát triển của các môn thể thao thành tích cao đòi hỏi sự đầu tư lớn và đồng bộ. Thể thao Việt Nam cũng không thể nằm ngoài xu thế này./.

Việt Anh/VOV – Trung tâm Tin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *