(kontumtv.vn) – Tỉnh Kon Tum đang vào mùa mưa, đây là thời điểm bắt đầu gia tăng bệnh sốt xuất huyết. Do vậy, ngành Y tế đã chủ động triển khai các giải pháp nhằm phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, để phòng, chống dịch sốt xuất huyết hiệu quả, ngành Y tế kêu gọi người dân cần thực hiện các khuyến cáo của ngành Y tế trong phòng chống sốt xuất huyết. Trong cuộc trao đổi với phóng viên Đài PT-TH tỉnh Kon Tum, Bác sỹ CKII Nguyễn Thị Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ cung cấp những thông tin cơ bản  về tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh.

PV: Thưa bà, từ đầu năm đến nay, dịch bệnh sốt xuất huyết đã xảy ra ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trong tháng 4 và tháng 5 số ca mắc có tăng cao, như vậy bà có thể  thông tin về tình hình sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây như thế nào?

BS CKII Nguyễn Thị Vân: Từ đầu năm đến nay dịch sốt xuất huyết đã xảy ra ở một số huyện, thành phố. Trong tháng 5 năm 2021, toàn tỉnh ghi nhận 16 ổ dịch mới với 45 ca mắc, Đăk Tô 15, Ngọc Hồi 02, Sa Thầy  cao nhất với 28, tăng 35 ca so với tháng trước và tăng 19 ca so với năm trước. Lũy tích đến 31/5/2021, ghi nhận 21 ổ dịch với 66 ca mắc và không có ca tử vong, xảy ra ở  Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Đăk Glei  và Sa Thầy, hiện Sa Thầy có ca mắc  cao nhất, giảm 22 ca so với cùng kỳ năm trước.

PV: Như vậy trước diễn biến của sốt xuất huyết như bà vừa trao đổi thì  ngành Y tế đã triển khai các giải pháp gì để chủ động phòng chống sốt xuất huyết, không để lây lan ra diện rộng?

BS CKII Nguyễn Thị Vân: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành Y tế đã chủ động triển khai các giải pháp. Về công  tác tham mưu cho UBND tỉnh thì đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết để chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương chủ động tăng cường công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn; Tổ chức đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết ở các huyện, thành phố, nhất là các ổ dịch cũ, địa phương có nguy cơ cao; Chỉ đạo các cấp ký cam kết thực hiện công tác vệ sinh môi trường – diệt lăng quăng, bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết. Về các hoạt động của ngành Y tế thì Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thành phố chủ động chủ động giám sát, xử lý kịp thời các ổ dịch sốt xuất huyết trên địa bàn. Tổ chức các hoạt động truyền thông phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn với nhiều hình thức đa dạng để huy động các cơ quan, đơn vị, người dân và cộng đồng tích cực thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy.

PV: Thưa bà, để thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống sốt xuất huyết, ngoài nỗ lực của ngành Y tế thì ý thức của người dân đóng vai trò quan trọng như thế nào?

BS CKII Nguyễn Thị Vân: Ý thức trong  phòng chống sốt xuất huyết của người dân đóng vai trò quan trọng, bởi vì ý thức của người dân trong việc chủ động diệt lăng quăng, bọ gậy là then chốt quyết định thành công trong công tác phòng chống sốt xuất huyết vì cốt lõi của tác phòng chống sốt xuất huyết là công việc diệt lăng quăng, bọ gậy. Trước tình hình sốt xuất huyết như thế này thì ngành Y tế rất mong muốn người dân phối hợp với ngành trong việc phải thường xuyên, hàng tuần phải tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy và tổng dọn vệ sinh trong và xung quanh nhà hàng ngày, thu gom những rác thải, phế thải không cần thiết, để trong nhà không chứa ổ bọ gậy, lăng quăng thì bệnh tác phòng chống sốt xuất huyết không xảy ra ở địa phương mình đang ở.

PV: Cảm ơn bà về những thông bà vừa trao đổi!

Thanh Tùng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *