Cần giải pháp phát huy hiệu quả tuyến giao thông Ngọc Hoàng – Măng Bút – Tu Mơ Rông – Ngọc Linh
21.03.2023(kontumtv.vn) – Sau hơn 5 năm đưa vào khai thác, công trình giao thông Ngọc Hoàng – Măng Bút – Tu Mơ Rông – Ngọc Linh vẫn chưa phát huy hiệu quả như mong đợi. Nguyên nhân là do nhiều vị trí ngầm qua suối, qua sông trên tuyến chưa xây dựng cầu kiên cố. Mong mỏi công trình sớm được đầu tư, nâng cấp đồng bộ là nguyện vọng của người dân và chính quyền địa phương nơi tuyến đường đi qua.
Được khởi công vào tháng 12/2009, công trình đường giao thông Ngọc Hoàng – Măng Bút – Tu Mơ Rông – Ngọc Linh có chiều dài 58km với tổng vốn xây dựng gần 1.400 tỉ đồng. Công trình được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 5 miền núi với mặt đường bê tông xi măng rộng 5m. Điểm đầu tuyến kết nối với tỉnh lộ 676 tại xã Măng Bút, huyện Kon Plông. Điểm cuối kết nối với tỉnh lộ 672 thuộc xã Ngọc Linh của huyện Đăk Glei. Tại huyện Tu Mơ Rông, tuyến đường đi qua các xã Ngọc Yêu, Văn Xuôi, Tu Mơ Rông, Tê Xăng và Măng Ri. Công trình được nghiệm thu đưa vào khai thác trong năm 2017. Tuy nhiên, do nhiều vị trí qua suối, qua sông chưa xây dựng được cầu kiên cố đã ảnh hưởng lớn đến giao thông. Ông Tạ Chí Hiếu, Giám đốc Cty TNHH Quản lý, Sửa chữa & Xây dựng giao thông Đăk Bình, đơn vị được Sở GT-VT tỉnh Kon Tum giao quản lý tuyến giao thông Ngọc Hoàng- Măng Bút- Tu Mơ Rông- Ngọc Linh cho biết: “Các xe lưu thông từ Kon Plông qua huyện Tu Mơ Rông chỉ lưu thông vào 4-5 tháng mùa nắng. Gần như mùa mưa không thể lưu thông trên toàn tuyến được. Nguyên nhân là chưa đầu tư được 5 cái ngầm nước lớn. Đặc biệt là có 2 ngầm không có cầu treo dân sinh, gần như vào mùa mưa bão thì không thể lưu thông được.”
Về tính hiệu quả của tuyến đường, người dân địa phương cho biết, sau khi đưa vào khai thác, tuyến đường chỉ phục vụ tốt cho việc đi lại trên các trục ngắn bằng xe máy, xe mô tô. Tuy nhiên, việc vận chuyển hàng hóa, nông sản từ huyện Kon Plông đến huyện Tu Mơ Rông và ngược lại chưa tốt. Nguyên nhân chính do chưa có cầu kiên cố tại các ngầm qua sông, qua suối. Chị Y Na ở làng Pa Tu 2, xã Ngok Yêu, huyện Tu Mơ Rông cho biết, vào mùa mưa nước lũ đổ về khá bất ngờ. Có khi trong vài phút mực nước sông suối dâng cao từ 1-2m và chảy xiết, dẫn đến giao thông qua ngầm gặp nguy hiểm. Trong mùa mưa năm 2022 có 2 trường hợp ở Măng Bút đi qua bị lũ cuốn trôi, may mắn được người dân cứu.
Nói về sự nguy hiểm của ngầm Kô Chất, em A Vinh ở thôn Kô Chất, xã Măng Bút, huyện Kon Plông kể lại, trong cơn bão số 9 năm 2022, nước sông Đăk Sờ Nghé dâng cao, một giáo viên của trường THCS Măng Bút gặp nạn vô cùng nguy hiểm. Dòng nước lớn cuốn trôi cả xe ô tô và người. Xã và thôn phải huy động người ứng cứu.
Với mục tiêu thúc đẩy kinh tế- xã hội các xã vùng sâu, vùng xa của 3 huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Glei phát triển, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông nội tỉnh, việc đầu tư tuyến đường Ngọc Hoàng- Măng Bút- Tu Mơ Rông- Ngọc Linh có ý nghĩa rất quan trọng. Đây còn là công trình tri ân với người dân vùng căn cứ cách mạng đã cưu mang, đùm bọc không tiếc sinh mạng, của cải phục vụ cho kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tuy nhiên, việc đầu tư chưa đồng bộ làm cho tuyến đường chưa phát huy hiệu quả. Chị Y Liềm ở thôn Tam Rin, xã Ngọc Yêu, huyện Tu Mơ Rông cho biết, có đường đi lại tốt hơn trước nhưng chưa có cầu thì người dân vẫn chịu thiệt thòi vì xe vào chở mì, chở lúa, chở vật liệu xây nhà rất khó khăn.
Cùng nguyện vọng, anh A Ha ở thôn Đăk Lanh, xã Măng Bút, huyện Kon Plông bày tỏ: “Vấn đề khó là chỗ cái ngầm vào mùa mưa chở hàng hóa, nguyên vật liệu vô đây rất khó khăn nên hy vọng xã cũng như tỉnh, nhà nước đầu tư cầu cho thôn làng để xã hội ngày càng phát triển hơn.”
Ông Phạm Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, cấp ủy, chính quyền huyện Tu Mơ Rông mong muốn tuyến giao thông Ngọc Hoàng- Măng Bút- Tu Mơ Rông- Ngọc Linh được đầu tư nâng cấp và xây dựng các cầu kiên cố. Có như vậy mục tiêu phát triển kinh tế, du lịch theo hướng liên kết vùng, liên kết tua tuyến mới có cơ hội phát triển. Vừa qua huyện Tu Mơ Rông và huyện Kon Plông đã ký kết hợp tác phát tiển du lịch tuy nhiên để hình thành tour tuyến thì chưa hình thành được. Nếu tuyến đường này kết nối các cầu thành tuyến thông suốt sẽ thuận lợi hơn cho kết nối du lịch, định hướng phát triển du lịch Tu Mơ Rông và Kon Plông.
Với nguyện vọng chính đáng của người dân và chính quyền địa phương, việc đầu tư xây dựng các cầu kiên cố trên tuyến Ngọc Hoàng- Măng Bút- Tu Mơ Rông- Ngọc Linh là quan trọng và cấp thiết. Đồng thời, việc sớm đầu tư hoàn thiện hệ thống cầu trên tuyến sẽ góp phần hạn chế lãng phí, phát huy tốt nguồn đầu tư của Đảng, Nhà nước với công trình giao thông này./.
Văn Hiển