(kontumtv.vn) – Lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, hoạt động lừa đảo trên không gian mạng đang ngày càng gia tăng. Tại tỉnh Kon Tum, từ năm 2020 đến nay, cơ quan điều tra đã tiếp nhận hàng chục đơn trình báo lừa đảo trên không gian mạng với tổng số tiền bị chiếm đoạt hàng tỷ đồng. Các nạn nhân bị lừa đảo chủ yếu tại huyện Ngọc Hồi và thành phố Kon Tum.

Đầu năm 2021, cơ quan điều tra Công an thành phố Kon Tum nhận được đơn trình báo lừa đảo trên mạng xã hội của một người dân tại xã Đăk Năng, thành phố Kon Tum. Cụ thể, đối tượng lừa đảo thông qua mạng xã hội facebook để kết bạn và tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình, điều kiện kinh tế, sở trường của nạn nhân…và hứa gửi quà về từ nước ngoài. Sau đó, tiếp tục có một đối tượng khác giả danh là nhân viên hải quan thông báo cho nạn nhân có một thùng hàng từ nước ngoài về rất có giá trị nhưng không thông quan được và yêu cầu đóng phí. Sau khi chuyển tiền, toàn bộ số tiền này bị chiếm đoạt. Tổng số tiền nạn nhân đã gửi lên đến hơn 300 triệu đồng: “Cái việc tôi bị lừa đầu tiên cũng là do chị kia, tôi là người gián tiếp thôi. Đầu tiên là bên bạn của chị Nhan là gửi quà, tiền, nhưng mà trong đó tôi là người giúp chị thôi. Lúc đó thì tôi khắp nơi tìm mượn, vay nóng bên ngoài nữa, anh chị ở trong nhà nữa. Cho nên số tiền rất là lớn với số tiền tổng cộng riêng bản thân tôi là 280 triệu, còn em ruột của Nhan là 80 triệu”.

Vụ việc xảy ra từ tháng 10/2020 và nạn nhân đã gửi tiền rất nhiều lần vào tài khoản của đối tượng lừa đảo. Thế nhưng phải gần 6 tháng sau, tháng 3/2021, nạn nhân mới có đơn trình báo: “Thì sau khi bị lừa như vậy thì chị Nhan cảm thấy sau Tết không có quà về rồi. Bây giờ là chị bỏ trốn, bỏ lại một mình gánh vác mọi sự cho nên tôi nhờ Công an can thiệp vào công việc này để điều tra với lại những người mà lừa đảo, để sau này người khác không bắt chước theo tôi nữa”.

Trung tá Nguyễn Bá Minh, Phó Công an thành phố Kon Tum cho biết, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, cơ quan điều tra thành phố đã tiếp nhận 9 vụ lừa đảo, với tổng số tiền chiếm đoạt gần 800 triệu đồng. Trong đó có 3 vụ lừa đảo chuyển tiền nhận hàng từ nước ngoài về; 4 vụ hack facebook, zalo để mượn tiền của người thân, bạn bè; 1 vụ chuyển tiền đóng phí để nhận thưởng qua facebook và 1 vụ lừa đảo quảng cáo trên mạng xã hội, yêu cầu người bị hại truy cập vào đường link giả mạo để chiếm đoạt tài sản…Trung tá Nguyễn Bá Minh, Phó Công an thành phố Kon Tum khuyến cáo: “Trong trường hợp mà bạn bè trên zalo mượn tiền, thì chúng ta phải nghĩ ngay đến là facebook và zalo có khả năng bị hack. Trong trường hợp này, chúng ta phải liên hệ với chính người thân đó bằng điện thoại. Đối với trường hợp mà đối tượng giả danh là các cơ quan tiến hành tố tụng để tiến hành gọi điện và yêu cầu chuyển tiền, thì chúng ta nên biết rằng là cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát không làm việc qua điện thoại. Đối với trường hợp mà đối tượng hứa hẹn là chuyển hàng, chuyển đô la từ nước ngoài vào và hiện tại là đang bị không thông quan được tại sân bay và yêu cầu chuyển phí. Thì trong trường này chúng ta cũng không tin và không nghe theo, không chuyển tiền, báo ngay thông tin này cho cơ quan điều tra gần nhất hoặc Công an gần nhất để được xử lý”.

Ngoài các phương thức lừa đảo thông qua mạng xã hội, các dịch vụ giao dịch ngân hàng điện tử cũng đang là phương thức lừa đảo tinh vi mà các đối tượng lợi dụng trong thời gian gần đây. Cụ thể, đối tượng gửi tin nhắn yêu cầu khách hàng truy cập đường link giả mạo của ngân hàng đang sử dụng. Sau khi nhập đường link trang web giả mạo, khách hàng được yêu cầu cung cấp số tài khoản, mã OTP. Ngay lập tức, khách hàng mất quyền kiểm soát và đối tượng lừa đảo sử dụng ứng dụng Internet banking để chuyển toàn bộ số tiền của người bị hại vào tài khoản của đối tượng lừa đảo. Trong quá trình điều tra, tài khoản các đối tượng lừa đảo sử dụng hầu hết là không chính chủ. Các đối tượng có thể dùng CMND giả để đăng ký mở tài khoản ngân hàng hoặc đi mua tài khoản của những người dân không có nhu cầu sử dụng để tiến hành lừa đảo. Bà Hà Thị Thanh Hòa, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh Kon Tum khuyến cáo: “Tội phạm tạo những tên miền gần giống với tên ngân hàng, đưa ra những cái đường link giả mạo và chúng tôi cũng khuyến cáo khách hàng là không link vào những đường link giả. Và kể cả tội phạm còn giả là cán bộ ngân hàng đề nghị cung cấp mật khẩu thông tin và chúng tôi cũng khuyến cáo khách hàng là cán bộ ngân hàng không bao giờ yêu cầu vấn đề đấy. Mà khi chúng ta phát hiện những vấn đề đó thì chúng ta cũng nên báo ngay trực tiếp lên ngân hàng, bất kỳ ngân hàng nào gần nhất để kịp thời ngăn chặn các hình thức lừa đảo”.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm chuyên dụng để làm việc, học tập, kinh doanh, mua sắm, giao tiếp trực tuyến đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Do đó, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác và nắm rõ được các phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm này để bảo vệ tài sản của mình một cách tốt nhất.

Hơ Jan – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *