(kontumtv.vn) – Cùng với sự phát triển của công nghệ hiện đại, các gian lận trong giao dịch trực tuyến cũng gia tăng đáng kể trong những năm gần đây. Các hình thức lừa đảo trực tuyến cũng ngày càng gia tăng cùng với sự phát triển của các dịch vụ ngân hàng trực tuyến.

Các tội phạm an ninh mạng đã sử dụng các ứng dụng giả mạo, số điện thoại trợ giúp, đánh cắp thông tin cá nhân từ sim điện thoại, sử dụng tài khoản mạng xã hội giả của các ngân hàng, người thân để lừa đảo khách hàng. Theo thống kê, từ ngày 1/1/2022 – 7/9/2022, trên địa bàn tỉnh Kon Tum tiếp nhận 9 vụ việc phản ánh của người dân liên quan đến lừa đảo trên không gian mạng. Các đối tượng thường mạo danh nhân viên ngân hàng, cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát… để gọi điện hoặc gửi tin nhắn thông báo cho người dân. Đại úy Nguyễn Thanh Tùng – Phó đội trưởng Đội phòng chống tội phạm sử dụng ANM xâm phạm TTATXH (Phòng ANM phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Kon Tum) cảnh báo những hình thức lừa đảo khiến nạn nhân dễ “sập bẫy”: “Ví dụ như tài khoản ngân hàng của nạn nhân gặp lỗi, sự cố hoặc thông báo nạn nhân có liên quan đến 1 vụ án hình sự, ma túy nào đấy. Yêu cầu nạn nhân click vào link trang web giả mạo ngân hàng do chúng tạo ra hoặc các ứng dụng do chúng gửi hoặc chuyển tiền vào tài khoản do chúng yêu cầu để chứng minh việc mình không phạm tội. Nếu chứng minh không phạm tội thì sẽ hoàn trả số tiền. Nhiều người dân với tâm lý hoang mang, sợ hãi sẽ chuyển hết tiền vào tài khoản của đối tượng cung cấp hoặc tài khoản của chính mình mã OTP cho đối tượng. Từ đó các đối tượng sẽ đăng nhập vào tài khoản ngân hàng để chuyển tiền qua tài khoản khác chiếm đoạt.

Thời gian qua, hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến rất phức tạp, gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn mới tinh vi và ngày càng đa dạng. Một người dân cho biết mình có rất nhiều người thân và bạn bè bị lừa cùng một chiêu thức: “Ban đầu người ta mời chào chỉ cần mình đóng tiền 500.000 hoặc 200.000 đồng gì đó chỉ cần mình like, thả tim hàng ngày là sẽ có tiền về tài khoản. Họ cảm thấy công việc thì quá nhẹ nhàng tiền về tài khoản thì ngày nào cũng có nên lòng tham nổi lên rồi bắt đầu nộp tiền nhiều hơn. Càng ngày nộp càng nhiều. Đến những ngày sau nó sẽ báo hệ thống bị nghẽn nên tiền không về tài khoản. Tầm vài ngày sau hệ thống hết lỗi tiền sẽ chuyển về tài khoản lại. Người ta vẫn tin tưởng bởi vì những ngày đầu tiền về tài khoản rất nhiều, đều đều nên họ không nghi ngờ gì hết bắt đầu đi vay mượn thêm tiền nộp vào để kiếm lợi nhuận cao hơn. Người thân bạn bè của tôi bị lừa rất nhiều có người 50 triệu đồng, có người lên đến cả trăm triệu, 200 triệu đồng.

Mục tiêu chính của các cuộc tấn công trong giao dịch trực tuyến là đánh cắp thông tin xác thực tài khoản của người dùng, chiếm đoạt tài sản thông qua các chiêu thức lừa đảo hoặc sử dụng các phần mềm độc hại. Để chủ động phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, điều quan trọng là người sử dụng cần hiểu về những hình thức lừa đảo phổ biến, cụ thể như sau:

– Lừa đảo nhận quà từ nước ngoài.

– Lừa tuyển cộng tác viên bán hàng trên các sàn thương mại điện tử (Shopee, Sen Đỏ…)

– Lừa đảo kêu gọi đầu tư tài chính, tiền ảo.

– Lừa đảo trúng thưởng.

– Lừa đặt cọc mua hàng nhằm chiếm đoạt tài sản.

– Chiếm đoạt quyền sử dụng tài khoản cá nhân (zalo, facebook…), mạo danh người thân, người quen để lừa vay tiền, chuyển tiền.

– Lừa vay vốn qua mạng.

Đại úy Nguyễn Thanh Tùng khuyến cáo: “Người dân cần nâng cao cảnh giác, thường xuyên theo dõi các thông báo về các thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên các phương tiện truyền thông. Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tên đăng nhập tài khoản, mật khẩu và ngân hàng điện tử, mã OTP cho bất kỳ một ai. Khi chưa xác thực thông tin, không click vào đường link trang web hoặc đường link lạ mà chưa kiểm chứng; Không cài các phần mềm không rõ nguồn gốc. Thứ ba người dân không nên chia sẻ và trao đổi thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng trên các ứng dụng lạ.

Bên cạnh đó, người dân không thực hiện yêu cầu chuyển tiền thông qua tin nhắn của các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber…kể cả là của người thân, bạn bè; cần gọi điện thoại xác nhận nếu người đó là người thân, bạn bè nhằm tránh trường hợp người thân, bạn bè bị hack tài khoản; không truy cập, đăng nhập vào các đường dẫn do đối tượng gửi đến qua tin nhắn; cần hết sức cảnh giác để bảo vệ tài sản của chính mình và góp phần bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn./.

Hoàng Lợi Quang Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *