(kontumtv.vn) – Tội phạm lừa đảo trên không gian mạng hiện nay hoạt động với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó lường, luôn thay đổi về phương thức hoạt động, đối tượng hướng đến. Người dân không cảnh giác, tự nhận diện sẽ trở thành nạn nhân của loại tội phạm này.
Cuối tháng 12 năm 2023, một nạn nhân ở thành phố Kon Tum đến Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Kon Tum trình báo về việc bị lừa đảo với hình thức đối tượng gọi điện tư vấn mua thuốc đông y “Thập nhất lão lão” chữa bệnh xương khớp cùng chương trình khuyến mãi hấp dẫn như được dùng thuốc miễn phí trong 05 năm và được bảo hiểm hoàn trả 80% tiền thuốc đã điều trị. Với tình trạng bệnh đã chữa trị lâu năm nhưng không khỏi và những lời mời tư vấn hấp dẫn, nạn nhân này bị đối tượng lừa gần 800 triệu đồng. Sau khi nhận được tiền, số điện thoại gọi cho nạn nhân liền mất liên lạc. Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nhanh chóng vào cuộc điều tra, truy xét. Thiếu tá Nguyễn Thanh Hòa, Đội trưởng Đội phòng ngừa, điều tra tội phạm xâm phạm sở hữu, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh cho biết: ”Khó khăn trong truy tìm đối tượng là các đối tượng sử dụng tài khoản được làm giả hoặc là các tài khoản được buôn bán, trao đổi qua mạng xã hội, nên việc xác định nhân thân lai lịch của các đối tượng lừa đảo gặp nhiều khó khăn. Các đối tượng liên lạc qua mạng xã hội nên rất khó để truy vết các đối tượng, các số điện thoại các đối tượng sử dụng thì đều là các sim rác.”
Hơn một tháng từ khi tiếp nhận vụ việc, các lực lượng chức năng Công an tỉnh Kon Tum xác định và bắt giữ một nhóm đối tượng ở một số tỉnh, thành phía Bắc. Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Kon Tum đã khởi tố 03 đối tượng gồm Dương Văn Thái, Ngô Văn Thức và Ngô Văn Thế cùng trú tại xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Làm việc với cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận, để tạo lòng tin và dẫn dụ nạn nhân vào bẫy, các đối tượng lên sẵn kịch bản, đánh vào tâm lý muốn chữa khỏi bệnh mà chi phí điều trị thấp, làm cho nạn nhân có cảm giác như đang được các bác sĩ có uy tín thăm khám thực sự và sẽ nhận được nhiều quyền lợi về bảo hành, bảo hiểm khi chữa bệnh. Đối tượng Ngô Văn Thức khai nhận: “Tôi nói bừa ra là nghị quyết 138, 139 gì đấy trên nhà nước người ta đặt ra là có quyền lợi của bên phía bệnh nhân là bên phía 3 khoa, khoa khớp, khoa tim mạch và khoa dạ dày thì tất cả các bệnh nhân chưa có dấu hiệu cải thiện là cái đầu tiên, thứ 2 là danh sách hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, gia đình có công với cách mạng, thứ 3 là người già neo đơn không có khả năng lao động.”
Trước vụ việc này, một nạn nhân nữ ở Kon Tum thông qua mạng xã hội Facebook được một số đối tượng mời gọi tham gia đầu tư chứng khoán. Ban đầu nạn nhân tham gia đầu tư vài triệu đồng. Các đối tượng đã tạo lòng tin bằng cách chuyển lại khoản lợi nhuận, đến khi nhận ra bị lừa thì số tiền đầu tư hơn 600 triệu đồng. Đại úy Nguyễn Thanh Tùng, Phó Đội trưởng Đội phòng, chống tội phạm sử dụng không gian mạng xâm phạm TTATXH, Công an tỉnh khuyến cáo: “Để phòng ngừa với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng thì người dân tuyệt đối không cung cấp mã OTP, mật khẩu, tài khoản ngân hàng cho những người lạ chúng ta không hề quen biết; tuyệt đối không chuyển tiền hay giao dịch trên những đường link lạ, web lạ chưa được xác minh kiểm chứng hay là cài những ứng dụng lạ trên điện thoại.”
Có thể thấy tội phạm lừa đảo trên không gian mạng hiện nay diễn ra với rất nhiều hình thức và thủ đoạn. Mỗi người dân khi sử dụng mạng xã hội cần nâng cao cảnh giác, tự tìm hiểu, tự nhận diện các hành vi để phòng tránh, bảo vệ tài sản của chính mình và người thân./.
CTV Văn Lai