(kontumtv.vn) – Khi mạng xã hội phát triển mạnh, việc chia sẻ thông tin trở nên dễ dàng, những mô hình tốt cũng nhanh chóng được lan rộng. Trong phong trào chống rác thải nhựa, những điểm sáng, cách làm hay đã được cộng đồng biết đến thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như mạng xã hội, tạo sự lan tỏa, nâng cao nhận thức và bền vững của phong trào.

Chú thích ảnhPano khổ lớn tuyên truyền “Bảo vệ môi trường, đẩy lùi rác thải nhựa” tại dự án “Chỉnh trang đô thị” của phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: Trung Nguyên/Báo Tin tức

Có nhiều phong trào thu gom, tái chế rác thải ở các địa phương, dù nhỏ hay lớn đều mang lại hiệu quả thiết thực. Thông điệp được gửi đi từ những sản phẩm tái chế là mong muốn mọi người, nhất là thế hệ trẻ quan tâm nhiều hơn đến vấn đề môi trường, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người trong cộng đồng.

Tại Hà Nội, những cá nhân nhỏ bé nhưng góp phần không nhỏ, tạo nên những mô hình hay về bảo vệ môi trường. Mô hình sáng chế các loại đồ chơi từ vỏ lon và chai nhựa đã qua sử dụng, anh Lưu Chung Nghĩa (30 tuổi, ở xã Võng La, Đông Anh, Hà Nội) đã tạo nên bộ sưu tập hơn 1.000 sản phẩm là các con vật, robot… ngộ nghĩnh, phù hợp với trẻ em, để làm quà tặng người thân, bạn bè, các trung tâm trẻ em cũng như trưng bày tại các triển lãm. Từ chỗ chỉ làm cho vui những lúc rảnh rỗi, đến nay, công việc tái chế, sáng tạo đồ chơi từ vỏ lon và chai nhựa đã trở thành thói quen của anh Nghĩa.

Nhóm “Dũng sỹ tái chế” đã xuất hiện ở Hoàng Mai, Hà Nội Nhóm với mục đích tuyên truyền, đào tạo ra những “đại sứ” môi trường, góp phần lan tỏa lối sống xanh từ vỏ gói mì ăn liền, vỏ chai bia, quần áo cũ thành túi xách, bình hoa, đĩa, gối ôm… Bên cạnh đó, nhóm tổ chức thu gom, tái chế rác thải theo khả năng, liên kết với các tổ chức khác để tìm ra cách xử lý rác thải đạt hiệu quả cao nhất…

Qua chia sẻ của những du khách đến Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế), thành phố này hiện lên với những bãi biển, con đường, hàng cây xanh mát và sạch sẽ không rác thải, siêu thị thân thiện với lá chuối, túi giấy, nhiều quán cà phê không dùng ống hút nhựa…

Những mô hình hay về bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa lần lượt ra đời thời gian qua đã đưa Thừa Thiên-Huế trở thành điểm sáng trên toàn quốc về công tác môi trường với khẩu hiệu “Huế xanh – sạch – sáng”. Trong lòng các du khách, nhận thức của người dân được nâng lên rất nhiều nhờ phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”.

Phong trào đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo trong việc đảm nhận xây dựng mô hình “Huế-Thành phố 4 mùa hoa”, “Dòng Hương trong xanh”, “Tuyến đường sáng – xanh – sạch – đẹp – trật tự trị an”, phong trào “Nói không với túi ni lông sử dụng 1 lần” trên địa bàn tỉnh, chương trình Sáng chủ nhật “60 phút sạch nhà – đẹp ngõ”….. góp phần làm cho Huế ngày càng xanh, sạch và sáng hơn.

Mô hình “Huế – thành phố 4 mùa hoa” được các cơ quan, địa phương, đơn vị tích cực triển khai với các mô hình trồng hoa bằng lốp ô tô; “tuyến đường kiểu mẫu”, bồn hoa tại các cơ quan, trường học; tuyến đường hoa đẹp, bồn hoa đẹp, vườn hoa của em; bệnh viện xanh, cơ quan, công viên xanh, sạch, đẹp… Đặc biệt, phong trào “Mai vàng trước ngõ” dù mới được phát động cũng đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cơ quan, đơn vị cho đến hộ gia đình.

Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế) là thành phố thứ 3 của Việt Nam vinh dự được nhận giải thưởng Thành phố bền vững về môi trường ASEAN từ năm 2014. Huế là thành phố tiêu biểu của các đô thị trong cả nước hiện đang phát triển bền vững môi trường theo  hướng tăng trưởng xanh thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây cũng là thành phố được Thủ tướng Chính phủ gửi thư khen, động viên sự chủ động, sáng tạo, quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh trong phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”.

Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo

Chú thích ảnh
Công nhân của Ban quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà thu gom rác của các gia đình nuôi lồng bè trên vịnh. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Ông Michael Croft, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, tuổi trẻ – thế hệ phát triển bền vững, đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân loại, bởi vậy đầu tư vào niềm đam mê, năng lượng và sự sáng tạo cho thế hệ này là rất hợp lý.

UNESCO và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An (tỉnh Quảng Nam) đã tạo cho thế hệ trẻ một sân chơi, xây dựng các ý tưởng sáng tạo thông qua áp dụng khoa học công nghệ để giảm rác thải nhựa biển thông qua chương trình “Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa”.

Chương trình nằm trong khuôn khổ của Sáng kiến “Thanh niên và Đổi mới sáng tạo vì đại dương xanh”, phản ánh cam kết mạnh mẽ của UNESCO trong việc hỗ trợ Việt Nam duy trì một môi trường đại dương trong lành, bền vững.

Mục tiêu của Sáng kiến nhằm nâng cao nhận thức, hành động của cộng đồng về các vấn đề cốt lõi liên quan đến chất thải nhựa thông qua các chiến dịch và hoạt động giáo dục dài hạn, hướng đến thanh niên. Sáng kiến đồng thời tạo ra mạng lưới thanh niên, các nhà khoa học trẻ hành động vì sự đổi mới trong khoa học và kỹ thuật với vai trò như là một diễn đàn hỗ trợ chia sẻ kiến thức, ý tưởng sáng tạo từ các thanh niên của Việt Nam trong các vấn đề về môi trường và phát triển của quốc gia.

Các sản phẩm sáng tạo của thanh niên từ chương trình này sẽ tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức và hành động, nâng cao kiến thức, năng lực cho cán bộ, nhân dân, đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế về quản lý rác thải nhựa đại dương và phát triển nền kinh tế biển xanh, để hướng đến một thế giới không rác thải, đặc biệt tại các khu dự trữ sinh quyển biển đảo như Cù Lao Chàm-Hội An, góp phần duy trì sự cân bằng hệ sinh thái biển và sự phát triển bền vững của đại dương.

Nhiều ý tưởng đã được đánh giá cao, trong đó 3 ý tưởng được hỗ trợ 70 triệu đồng hiện thực hóa ý tưởng tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An (tỉnh Quảng Nam) trong năm 2021 gồm “Thu gom rác đại dương bằng tri thức địa phương”, “Thiết kế và thi công máy thu gom rác tự động trên mặt nước, dần phát triển thành chiếc máy thu gom rác thông minh”, “Biya-một bé robot đáng yêu có thể nói chuyện cùng mọi người”.

Với các bạn trẻ, đến với cuộc thi, mục tiêu là đưa ý tưởng đến triển khai vào thực tế để có thể giúp ích cho nhiều người, là dịp được gặp gỡ, tìm hiểu, kết nối, hỗ trợ triển khai các ý tưởng ngày càng phát triển, truyền cảm hứng sáng tạo cho những người trẻ.

Đại diện nhóm Green River Huỳnh Ngọc Thái Anh chia sẻ, mô hình “Thiết kế và thi công máy thu gom rác tự động trên mặt nước, dần phát triển thành chiếc máy thu gom rác thông minh” không chỉ là sản phẩm khoa học công nghệ hướng đến giải quyết bài toán rác thải trên sông mà nhóm GreenRiver còn mong muốn WSCA1.0 đóng vai trò là một “Đại sứ công nghệ truyền thông môi trường”. Nhóm đang tiếp tục nghiên cứu, phát triển, sử dụng công nghệ camera quan trắc được lập trình trí tuệ nhân tạo để nhận dạng rác nổi và camera 360 xây dựng nội dung đa phương tiện thực tế ảo.

Cũng với mục tiêu tìm kiếm ý tưởng và nhân rộng mô hình hiệu quả, năm 2021, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức cuộc thi “Chống ô nhiễm rác thải nhựa ở ASEAN” với hơn 140 đội đã tham gia thử thách sáng tạo nhằm giảm thiểu ô nhiễm nhựa tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Bốn giải pháp thắng cuộc sẽ được lựa chọn tại vòng chung kết của cuộc thi, dự kiến diễn ra vào tháng 10 năm 2021.

Hằng năm, Philippines có gần 60 tỉ túi ni-lông nhỏ được sử dụng, trong đó đảo Samal thải ra gần 15.000 tấn rác. Ở Indonesia, lượng rác phát thải ước tính vào khoảng gần 6,8 triệu tấn, trong đó Mandalika, đảo Lombok phát sinh gần 215,7 tấn rác thải sinh hoạt trong thời kỳ dịch COVID-19. Trước dịch, tính riêng ngành du lịch ở khu vực này đã có tới 13.731 tấn rác mỗi năm. Hai trong số các loại rác phổ biến nhất ở hai hòn đảo này là chai nhựa PET và bao bì thực phẩm từ nhựa.

Theo ông Enrico Gaveglia, Phó Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Philippines,  hiệnPhilippines ngày càng có nhiều các sáng kiến có thể giúp giải quyết khủng hoảng rác thải nhựa về lâu dài. Tuy nhiên, những ý tưởng này không tự nhiên mà có sau một đêm. Chúng đều xuất phát từ những trải nghiệm đau lòng và phản ứng chung của người dân khi nhìn thấy rác nhựa bị vứt bỏ không đúng chỗ. Do đó, chúng ta cần có một nơi thích hợp và hỗ trợ mạnh mẽ để thiết kế, nuôi dưỡng và phát triển các mô hình giúp giải quyết những ‘bức xúc’ này, để ứng phó với ô nhiễm nhựa một cách có hệ thống, hướng tới phát triển và biến kinh tế tuần hoàn trở thành một lối sống.

Cuộc thi tìm kiếm các sáng kiến giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đại dương- những sáng kiến mà hiện đang trong quá trình hoàn thiện nhưng thiếu sự hỗ trợ hay các nguồn lực để phát triển. Các giải pháp dự thi thử thách lần này được thiết kế nhằm giải quyết vấn đề ở hai địa phương có lượng rác thải nhựa lớn, là Mandalika, đảo Lombok ở Indonesia và đảo Samal ở Philippines. Mục tiêu cuối cùng là nhân rộng các giải pháp được chọn ở hai địa phương này.

Minh Nguyệt (TTXVN)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *