(kontumtv.vn) – Năm 2021, huyện Tu Mơ Rông chịu ảnh hưởng nặng nề do các cơn bão, ước thiệt hại khoảng trên 14 tỷ đồng. Để đảm bảo an toàn cho người dân, hạn chế thấp nhất các thiệt hại về người và tài sản trong mùa mưa bão năm 2022, huyện chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai.

Xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông là địa bàn thường xảy ra lũ quét, lốc xoáy khi mưa lớn về vì địa hình phức tạp, độ dốc lớn. Năm 2022, trên địa bàn xã có 4 điểm khu dân cư có nguy cơ sạt lở cao. Ông A Dũng, Phó chủ tịch UBND xã Đăk Na cho biết, khu dân cư nằm rải rác cũng khiến công tác phòng, chống thiên tai của xã gặp khó khăn. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình tại điểm xung yếu để chủ động phòng, chống thiên tai. Ông A Dũng cho biết: “Xã xây dựng phương án, kế hoạch ứng phó với thiên tai,đặc biệt là khu dân cư điểm trường, ngoài ra xã cũng phân công lực lượng dân quân, lực lượng nòng cốt của xã trong vấn đề mưa bão thì xã phân công lực lượng vào các điểm xung yếu, đặc biệt là bà con đề cao cảnh giác, có phương án di dời sớm nhất khi có hiện tượng mưa bão xảy ra”.

Thôn Đăk Riếp 1 có hơn 70 hộ dân sinh sống. Khu vực cuối của thôn là điểm có nguy cơ sạt lở cao, đe doạ đến tính mạng của người dân. Nơi đây nằm dưới chân đồi, tuyến đường liên thôn Đăk Riếp 1 với thôn Lê Văng cũng dễ bị sạt lở ta luy dương sau mưa ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Chị Y Luốc ở thôn Đăk Riếp 1, xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông nói: Tôi ở thôn Đăk Riếp 1, đây là địa điểm sạt lở năm 2009 và hiện tại không sạt lở nữa nhưng vào mùa mưa bão bà con vẫn lo lắng, chú ý , luôn cảnh giác”.

Xã Đăk Tờ Kan có 2 hồ chứa lớn là hồ chứa Đăk Trăng và Đăk Hnia do Ban quản lý, khai thác các công trình thuỷ lợi Kon Tum quản lý. Riêng hồ chứa Đăk Trăng xây dựng vào năm 2015. Hồ cao gần 30m, mực nước dâng trung bình trên 800m, chủ yếu phục vụ tưới sản xuất cho 17ha cây trồng. Là hồ tràn tự do với lưu lượng xả lũ trên 40m3/s nên vào mùa mưa, tốc độ dòng chảy xiết đã gây ảnh hưởng đến diện tích hoa màu và một số công trình giao thông khu vực hạ lưu. Nguy hiểm nhất là các hộ dân ở thôn Tê Xô Ngoài, nằm chính diện với hồ chứa. Chị Y Vinh ở thôn Tê Xô Ngoài, xã Đăk Tờ Kan, huyện Tu Mơ Rông cho hay: “Vào mùa mưa bà con sống ở dưới đập Đăk Trang rất là lo lắng, rẫy của mình cũng bị sạt lở. Mình mong muốn công trình an toàn cho bà con”.

Hồ đập, ngoài vai trò chứa, cấp nước, nếu rủi ro sẽ đe doạ đến an toàn của người dân vùng hạ du. Vì vậy, xã Đăk Tờ Kan xác định công tác đảm bảo an toàn công trình và dân cư vùng hạ du luôn là nhiệm vụ cấp bách, nhất là thời điểm trước và trong mùa mưa bão. Ông Hoàng Xuân Thắng, Chủ tịch UBND xã Đăk Tờ Kan, huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Trước hết chúng tôi phồi hợp với đơn vị vận hành hồ chứa để có những cảnh báo, đặc biệt theo dõi thời điểm nước dâng, đặc biệt là mùa mưa, từ tháng 6 đến tháng 11 thường xuyên cảnh báo đến người dân, trong trường hợp mưa lớn kéo dài, từ 2- 3 tiếng có biện pháp di dời người dân trực tiếp bị ảnh hưởng, giải pháp về tài sản, vật chất chúng tôi cũng vận đồng người dân nên di dời ra những nơi khác an toàn”.

Mùa mưa bão năm 2022, huyện Tu Mơ Rông xác định có trên 30 điểm dân cư nguy cơ bị lũ quét, sạt lở cao. Hiện nay, công tác phòng chống thiên tai đang được huyện khẩn trương thực hiện./.

Cát Tiên – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *