(kontumtv.vn) – Thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Dù vậy, nguy cơ xâm nhập bệnh vào nước ta là khá cao. Đứng trước nguy cơ này, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ngày 29/7 vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người. Tại tỉnh Kon Tum, địa phương chủ động triển khai các giải pháp, trong đó, tập trung giám sát chặt chặt chẽ từ các cửa khẩu. Để hiểu rõ hơn về điều này, phóng viên Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh đã có cuộc trao đổi nhanh với Bác sĩ CKII Đỗ Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Y tế.

Phóng viên: Đầu tiên xin cảm ơn BS CKII Đỗ Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Y tế đã nhận lời tham gia cuộc trao đổi hôm nay! Thưa bác sĩ, hiện nay, bệnh đậu mùa khỉ đã xuất hiện tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhiều nước láng giềng với Việt Nam như Singapore, Campuchia cũng đã có trường hợp mắc đậu mùa khỉ. Bác sĩ nhận định như thế nào về nguy cơ xâm nhập bệnh vào Việt Nam nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng?

BS CKII Đỗ Ngọc Hòa – Phó Giám đốc Sở Y tế: Đậu mùa khỉ là bệnh do virus thuộc họ Orthopoxvirus gây ra. Trường hợp mắc bệnh đầu tiên trên người được ghi nhận vào năm 1970 tại Công-Gô. Gần đây, đậu mùa khỉ lây lan bất thường và đột ngột tại nhiều nước. Hiện nay, mặc dù chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ nhưng nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng là hoàn toàn có thể xảy ra, lý do vì bệnh dịch đã xuất hiện ở nhiều quốc gia, sự giao lưu đi lại thuận tiện và có xu hướng gia tăng giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. Thứ 2, từ tháng 4/2022, Việt Nam nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng đã bỏ tờ khai y tế đối với khách quốc tế. Vì vậy người dân ở các quốc gia khác vào Việt Nam thuận lợi, trong đó có các quốc gia đã ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ Campuchia, Singapore.

Phóng viên: Thưa bác sĩ, như bác sĩ vừa chia sẻ, Việt Nam hiện chưa ghi nhận ca đậu mùa khỉ nào, dù vậy, sự chuẩn bị của ngành Y tế cũng như công tác phòng chống bệnh được quan tâm triển khai ngay từ bây giờ như thế nào?

BS CKII Đỗ Ngọc Hòa – Phó Giám đốc Sở Y tế: Đối với công tác khám bệnh, chữa bệnh, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường giám sát phát hiện trường hợp nghi ngờ, có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ. Khi phát hiện báo cáo ngay về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, tiến hành điều tra, lấy mẫu và xử lý ổ dịch theo đúng quy định; triển khai lấy mẫu các trường hợp bệnh nghi ngờ, gửi mẫu trực tiếp về Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên để xét nghiệm ngay khi có thể nhằm xác định căn nguyên gây bệnh. Đối với công tác phòng chống dịch, sở chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành bệnh đậu mùa khỉ. Sở cũng đề nghị UBND các huyện, thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông, Đài PT-TH tỉnh và Báo Kon Tum phối hợp với ngành Y tế thực hiện công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh, triệu chứng, các biện pháp phòng chống để người dân nhận thức, tự giác và chủ động phòng chống dịch bệnh.

Phóng viên: Thưa bác sĩ, ngành Y tế khuyến cáo gì đối với người dân về căn bệnh này?

BS CKII Đỗ Ngọc Hòa – Phó Giám đốc Sở Y tế: Cùng với tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp đi về từ các quốc gia lưu hành ca bệnh đậu mùa khỉ, ngành Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh đậu mùa khỉ như che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn thường xuyên, nhất là ngay sau khi ho, hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Thứ 2, người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo triệu chứng nghi ngờ cần liên hệ ngay với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Thứ 3, tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn. Người mắc, nghi ngờ mắc bệnh cần báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

Phóng viên: Một lần nữa xin cảm ơn BS CKII Đỗ Ngọc Hòa đã tham gia cuộc trao đổi hôm nay!

Thu Trang – Văn Hiển

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *