Hôm qua (7/12), tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TƯ về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 khu vực phía Bắc.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đồng chủ trì hội nghị. Tham dự còn có đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành ủy, Ban Nội chính và lãnh đạo các cơ quan tư pháp các tỉnh, thành phía Bắc từ Thừa Thiên Huế trở ra.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại hội nghị |
Theo Dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TƯ ngày 2/6/2005 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, qua 8 năm triển khai thực hiện có thể khẳng định mục tiêu, quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp Nghị quyết NQ 49 đề ra đã phản ánh đúng đắn những yêu cầu khách quan của việc xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý… xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phù hợp với xu thế tiến bộ của thế giới và điều kiện cụ thể của nước ta.
Việc quán triệt, triển khai thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp (CCTP) đã được tổ chức thực hiện nghiêm túc, dân chủ, có trách nhiệm đã làm cho nhận thức của cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của các cơ quan tư pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, về sự cần thiết phải tiến hành và đẩy mạnh CCTP thay đổi rõ rệt. Hoạt động tư pháp đã được cải thiện đáng kể, hệ thống pháp luật về tư pháp đã được hoàn thiện hơn, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã có nhiều tiến bộ.Các quan hệ dân sự, thương mại, các chế định hợp đồng, bồi thường, bồi hoàn ngày càng được hoàn thiện và phát triển lành mạnh. Tuy nhiên, dự thảo báo cáo cũng nêu lên hạn chế cơ bản trong thực hiện Chiến lược CCTP như công tác triển khai, tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ CCTP thiếu đồng bộ, không đảm bảo tính hệ thống và chưa theo đúng lộ trình đề ra. Còn nhiều nhiệm vụ quan trọng của Chiến lược vẫn chưa thực hiện được.
Có một số vấn đề khi triển khai thực hiện còn ý kiến khác nhau nhưng chậm được kết luận rõ. Tổ chức của cơ quan tư pháp chậm đổi mới. Chủ trương tăng cường tranh tụng tại phiên tòa là nhằm tăng cường tính dân chủ, công bằng, khách quan, minh bạch trong hoạt động tố tụng, nhưng thời gian qua việc nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật, làm rõ cách thức, nguyên tắc trình tự, thủ tục, nội dung và thẩm quyền của mỗi chủ thể trong hoạt động tranh tụng chưa được thực hiện. Chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội, án tồn đọng, oan, sai, bị huỷ, bị cải sửa vẫn còn nhiều..đã làm cho một bộ phận nhân dân chưa thực sự tin tưởng vào tinh thần trách nhiệm và chất lượng hoạt động của các cơ quan và cán bộ tư pháp…
Tham luận và thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung làm rõ việc triển khai thực hiện Nghị quyết thời gian qua trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá kỹ kết quả thực hiện các quan điểm, mục tiêu, yêu cầu, từng nhiệm vụ cụ thể của công tác cải cách tư pháp, các công việc đã làm được, chưa hoặc không làm được, những vấn đề không còn phù hợp, hoặc ý kiến còn khác nhau… Đặc biệt, các đại biểu thảo luận điều chỉnh, bổ sung một số nội dung về quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động của các cơ quan tư pháp như TAND, VKSND, tổ chức lại cơ quan điều tra… nhằm phù hợp với các văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Hiến pháp 1992 sửa đổi 2013 vừa được thông qua.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương nhấn mạnh: Chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng ta đề ra là một quyết định mang tính lịch sử, được thể chế hóa trong Hiến Pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001). Nghị quyết 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 tạo ra bước ngoặt cho nền tư pháp nước ta với mục tiêu đề ra là: Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là một trong những yêu cầu cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN mà chúng ta đang xây dựng. Chủ tịch nước cho rằng qua 8 năm triển khai thực hiện với sự triển khai đồng bộ nên đã đạt được những kết quả bước đầu, thành tựu của cách tư pháp đã có tác động tích cực đến đời sống xã hội, đời sống chính trị-pháp lý của đất nước. Bên cạnh đó, việc thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp cũng đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục giải quyết để kịp thời điều chỉnh phù hợp với giai đoạn mới.
Đánh giá cao những ý kiến tâm huyết của các đại biểu đóng góp vào Dự thảo báo cáo tổng kết, Chủ tịch nước đề nghị Ban dự thảo tiếp thu trên tinh thần nghiêm túc, cùng với đợt lấy ý kiến được tổ chức tại khu vực phía Nam tới đây tiếp tục hoàn thiện Dự thảo báo cáo Bộ Chính trị để có định hướng phù hợp nhằm xây dựng lộ trình và biện pháp thực hiện chiến lược cải cách tư pháp đáp ứng tình hình thực tế của đất nước trong thời gian tới./.
Theo : Hoàng Dũng/VOV