(kontumtv.vn) – “Ký ức Điện Biên” hôm nay là câu chuyện về sự biến dạng, tan chảy của những ký ức hào hùng đó trong cuộc sống đương đại.

Cuộc chiến giữ người và ba tầng ký ức

Không thể chỉ kể một câu chuyện sắt máu ta thắng địch thua, cũng không kể một câu chuyện tình tay ba dễ dãi. Phải kể một câu chuyện gắn với sự biến động về tâm thế và não trạng của con người Việt Nam xưa nay.

Ký ức về Điện Biên không thể chỉ được thể hiện một cách đơn giản như là ký ức về chiến tranh quá khứ kiểu phim tài liệu, hay hiện vật bảo tàng, nó phải được thể hiện như là dòng chảy của ký ức văn hoá trong chiều sâu tâm hồn dân tộc. Ở đó ký ức lịch sử được thăng hoa và bị biến dạng trong dòng chảy văn hoá của các tính cách, các thế hệ khác nhau.

Do bị xâm lược nhiều nên người Việt, nhất là nông dân, có tâm thế luôn hồ nghi tâm địa của ngoại nhân. Khai thác tâm thế này sẽ xây dựng được nhiều tình huống và khai thác tâm lý nhân vật vượt ra ngoài khuôn khổ của mối tình tay ba dọc  đường chiến trận để tiếp cận với vô thức cộng đồng, ở đó, cuộc hiến đấu giữ người dường như thường trực.

Trong sâu thẳm tâm thức Việt có một sự cảnh giác và sợ hãi với những gì là thiện chí và hấp dẫn của ngoại nhân, dù đó là người làng khác hay xứ khác.

Sự hấp dẫn của anh lính Pháp, sự rung động của cô y tá Mây xinh đẹp và sự ghen tuông pha lẫn căm thù của anh chiến sỹ Bạo là một tình huống văn hoá trớ trêu. Đứng trước một kẻ xâm lược tàn bạo anh lính Bạo có thể xả súng một cách giản đơn như bao đời nay, nhưng đứng trước một ngoại nhân hấp dẫn và tử tế thì anh chưa biết ứng xử thế nào.

Với tư cách một con người chân chất, đôn hậu, anh cũng có những cảm mến và chia sẻ với Becnard, nhưng mặt khác, Bạo lại có chút ghen khi thấy Mây gần gũi người lính Pháp. Mặt khác nữa quan trọng hơn, khiến Bạo rất  giằng xé và đau khổ mỗi khi muốn chung sống thiện chí với Bernard vì Bạo đã thấm trong máu một lập trường cách mạng khiến anh luôn cảnh giác với người hàng binh Pháp, lập trường này lại được các đồng đội thường xuyên nuôi dưỡng và kích động  dưới nhiều hình thức, hoặc hoặc chấn chỉnh nghiêm túc, hoặc mỉa mai giễu cợt, hoặc nhắc nhở thân tình.

Cho nên, chúng tôi đã không xây dựng nhân vật Bạo trong tình yêu tay ba, mà đặt anh trong tình huống oái oăm của cuộc chiến giữ người, ở đó ranh giới giữa nhân đạo và ngây thơ, giữa hội nhập và đánh mất mình, giữa tự tin và mất cảnh giác là hết sức mong manh. Rất nhiều tình huống tâm lý của cuộc chiến giữ người được khai thác trong phim. Như tình tiết thấy Bernard khát quá, Bạo vội cầm bi-đông băng đi lấy nước suối cho anh, nhưng thật trớ trêu, khi trở về anh sững lại khi chứng kiến Mây đang cho Bernard uống những giọt nước đọng từ cánh hoa dong riềng. Bạo đã vô cùng bối rối và đau khổ.

Ký ức Điện Biên, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, Pháp, Đông Dương, Điện Biên Phủ
Issack Le (phải) vai Bernard và đồng đội trước khi trở thành hàng binh. Ảnh tư liệu

Chúng tôi muốn phim phải mô tả được cái bối rối của anh lính người Việt trước sự chân tình và thiện chí của ngoại nhân, điều hầu như xa lạ trong  lịch sử. Và đó cũng là tâm thế bối rối thời hiện tại, trong quá trình vượt lên những thành kiến lâu đời của chính mình về thái độ thù địch của ngoại nhân để hội nhập và chia sẻ những giá trị văn hoá, nhân văn của toàn nhân loại.

Bernard là một hàng binh Pháp có thiện chí ủng hộ cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam. Anh ta có những day dứt của người lính đào ngũ, quy hàng Việt Minh. Và chúng tôi đã khai thác tâm lý sâu vào khía cạnh này, cho nó va đập với tâm thức hoài nghi cảnh giác với ngoại nhân, bồi đắp dần sự nghi kỵ, ghen tuông và oán hận trong cái vỏ chung sống hoà nhập để tạo nên cao trào ở gần cuối phim cho cho câu chuyện tình yêu tay ba, pha lẫn lập trường cách mạng và những bối rối nhân văn.

Bernard khóc khi nhìn thấy trong đống chiến lợi phẩm chiếc bi-đông quen thuộc của Jack, người đồng đội thân thiết của mình. Trong đêm mưa, Bernard bỏ trốn, Bạo biết tin xách súng đi tìm, Mây khóc lóc đuổi theo can ngăn Bạo. Đến chân đồi, Bạo thấy Becnard, anh giương súng, Mây  lao tới can ngăn. Bạo định thần nhận ra Becnard đang ngồi khóc bên xác những đồng đội của mình. Mũi súng Bạo hạ xuống, dường như anh bừng ngộ những giá trị nhân văn có thật của người lính Pháp mà lâu nay anh nghi kỵ, cảnh giác, ghen tuông.

Cái khoảnh khắc đồng cảm với Becnard đã khiến Bạo có Mây. Mây thảng thốt ôm chầm lấy Bạo. Vừa lúc ấy pháo sáng các màu bắn lên như đón chào tình yêu vừa đến. Bóng hai người hiện lên trên nền trời lấp lánh pháo hoa. Cuộc chiến giữ người đã chấm dứt với nghịch lý của tinh thần nhân văn hội nhập: Khi ta không còn giữ người bằng những biện pháp ngộ nhận hay thấp hèn, mà thức tỉnh, nhìn ra những giá trị nhân văn, thì ta sẽ không bị mất người.

Cảnh này chúng tôi đã phải quay mất một đêm, phối hợp cả máy làm mưa và pháo sáng, quay đi quay lại để  tạo điểm nhấn thăng hoa cho nghệ thuật trong khoảng khắc ba con người cùng chia sẻ một tình cảm nhân văn trong khoảnh khắc sống còn.

Giữa các tầng ký ức

Trong “Ký ức Điện Biên” tất cả những câu chuyện giữ đất giữ người chỉ là những mảng ký ức của thời xưa.

Câu chuyện của hôm nay là câu chuyện về sự biến dạng, tan chảy của những ký ức hào hùng đó trong cuộc sống đương đại.

Bạo và Bernard đều đã về già, họ tìm gặp lại nhau, giúp đỡ nhau như thể họ đang  cùng  một chiến tuyến đối mặt với cuộc  chiến thứ ba:

Cuộc chiến phục hồi ký ức và giữ gìn ý nghĩa cho chiến thắng Điện Biên Phủ oanh liệt năm xưa.

Những ấn tượng về sự tan chảy vô thường của ký ức lịch sử trong sự lãng quên, sự vô ơn và sự khai thác quá khứ một cách tuỳ tiện, thực dụng đã gợi ý cho  tôi ý tưởng làm một phim nghệ thuật nhân văn theo lối nặn tượng bằng tuyết, vừa tái hiện ký ức lịch sử, vừa mô tả sự tan chảy và biến dạng của những ký ức này. Ý tưởng đó đã tạo cho tôi một cảm hứng mạnh mẽ để xây dựng câu chuyện phim theo hướng đồng hiện ba dòng ký ức:

1- Dòng Ký ức lịch sử tái hiện những sự kiện chính của chiến dịch với toàn bộ độ khốc liệt của nó như cách các phim Điện Biên Phủ của Pháp đã làm với toàn. Rất nhiều chi tiết lấy từ Hồi ký của Đại tướng và các cựu chiến binh Điện Biên Phủ kết nối vào nhau trong dòng chảy chính của câu chuyện về tình yêu, chiến đấu và hội nhập.

2- Ký ức thực dụng của lớp con cháu sau này, với nhân vật con trai của anh lính Bạo (Chí Trung đóng), người đã mở quán Điện Biên và mời anh nuôi Túc đồng đội của cha về làm đầu bếp nấu những món ăn họ đã từng ăn trong chiến dịch Điện Biên Phủ như măng rừng, cơm  nắm.v.v..Trong quán còn bày hoa chuối rừng và những chiếc xe thồ của chiến dịch Điện Biên. Ở đây, Bernard đã gặp lại Túc, ôn lại những kỷ niệm về những ngày cùng nhau làm bếp nuôi quân ở Điện Biên.

Ký ức Điện Biên, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, Pháp, Đông Dương, Điện Biên Phủ
Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn đang chỉnh sửa lại trang phục của diễn viên trước một cảnh quay mới. Ảnh do tác giả cung cấp

3- Ký ức thăng hoa và biến dạng theo hướng hiện đại của lớp trẻ hiện nay, tiêu biểu là Vân, cô cháu của nhân vật chính – một cô bé bị tâm thần luôn ám ảnh về hoa và chim bồ câu mà ông bà nội cô đã gặp và đã mơ thấy. Trong thời gian tham gia chiến dịch, ông nội cô đã mơ thấy cảnh cầu hồn cho lính Pháp tử trận, những cô gái  mặc áo tứ thân hát chèo quanh xác những người lính Pháp. Và những người lính Pháp chết trận đã hoá thành chim bồ câu bay đi.

Sau này, Bernard trở lại Việt Nam tìm lại Bạo và giúp ông đưa cháu nội sang Pháp chữa bệnh và học múa. Bạo đã sang Paris dự Lễ tốt nghiệp của cháu và thoáng buồn khi xem cháu trình bày tác phẩm múa đương đại “Ký ức Điện Biên” với những động co giật tác hoàn toàn cách điệu, không giống gì với ký ức của ông với người thực, việc thực, xe thồ, súng ống và đạn lửa hoàn toàn thực…Nhưng biết làm sao được, đó là tấm lòng của họ, ngôn ngữ văn hoá của họ và trên tất cả, đó là một phương cách để ký ức lịch sử tiếp tục sống trong  lớp người trẻ tuổi.

Ba dòng ký ức này đã đan xen nhau, hỗ trợ nhau, đối thoại với nhau để tạo ra bản giao hưởng đa thanh của chiến thắng hào hùng bi tráng mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người cầm đũa chỉ huy.

Dù trong dịp kỷ niệm ngày 7/5 năm nay, Đại tướng đã ra đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng ký ức về chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn tiếp tục  được bảo tồn, được sinh sôi nảy nở trong tất cả những phối kết ngẫu nhiên, phong phú và đa dạng, làm nên một luồng năng lượng hội nhập ngày càng mạnh tham góp vào sức sống mãnh liệt của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam.

  • Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn/Vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *