(kontumtv.vn) – Văn hóa ẩm thực nói chung hay ẩm thực là nét văn hóa tự nhiên hình thành trong cuộc sống, với những nét đặc trưng như tính hòa đồng, đa dạng, đậm đà hương vị với sự kết hợp nhuần nhuyễn nhiều loại nguyên liệu và gia vị khác nhau nhằm giúp tăng mùi vị, sức hấp dẫn trong từng món ăn. Đối với nhiều dân tộc, ẩm thực không chỉ là nét văn hóa về vật chất mà còn là văn hóa về tinh thần. 

Đến với Kon Tum, du khách thường thưởng thức món ăn độc đáo “Gỏi lá”. Mâm gỏi lá thường có hơn 30 loại lá rừng. Chưa ai biết món gỏi lá Kon Tum có từ bao giờ. Chỉ nghe mọi người nói với nhau rằng, khi người dân vùng đồng bằng đặt chân khám phá mảnh đất này, người dân tộc thiểu số tại chỗ đã tiếp đãi khách món ăn với hàng chục loại lá rừng. Từ đó được đặt tên là món gỏi lá. Gỏi lá Kon Tum là sự kết hợp độc đáo các hương vị rau đặc trưng của núi rừng với thịt ba chỉ, tôm đất, bì heo, điểm nhấn là nước chấm đặc biệt được pha theo công thức riêng. Bà Nam Lê (Quán gỏi lá Út Cưng, phường Thống Nhất, TP Kon Tum) cho hay: “Trong món gỏi lá có khoảng mấy chục loại lá. Mỗi loại lá một vị khác nhau, phải ăn kèm với nước chấm, thêm ớt, tiêu, ớt thì cay vị nồng, tiêu thì cay nhẹ làm con cuốn gỏi lá không thể nào quên được.”

Món kiến vàng rau chuối được người Ba Na ở phía Tây thành phố Kon Tum xem là món ăn với gia vị đặc biệt trong văn hóa ẩm thực của mình. Với nguyên liệu đơn giản nhưng cách chế biến đặc biệt khiến món ăn trở thành đặc sản không lẫn vào đâu được.

Trong những ngày này, gia đình bà Y Lưm đang bận bịu với công việc cắt tỉa cành cà phê. Gia đình dễ dàng tìm thấy trên cây cà phê những tổ kiến vàng, bắt mang về nhà và chế biến thành món gỏi kiến vàng. Món ăn này rất dễ chế biến, thân cây chuối được thái mỏng, ngâm nước muối, rửa sạch sẽ và được trộn với kiến vàng để làm gỏi. Món gỏi kiến vàng có vị chua của kiến, vị chát của thân cây chuối, ăn kèm với rau thơm rất ngon, đậm đà thân thuộc và gần gũi.

Cuộc sống mưu sinh của người DTTS ở thành phố Kon Tum gắn liền với dòng sông Đăk Bla thơ mộng, với nương rẫy, núi đồi. Món cá sông nướng, canh lá mỳ ăn cùng với cơm đùm lá chuối rất đơn giản trong chế biến, chọn nguyên liệu nhưng để lại ấn tượng sâu sắc, khó quên khi thưởng thức.

 Bà Đinh Thị Liên nhiều năm sinh sống tại thôn Kon Klor 2, xã Đăk Rơ Wa, TP Kon Tum cho biết, với món cơm túm lá chuối, cá sông nướng và canh lá mì là một bữa ăn đầy đủ, thường ngày của mỗi người dân Ba Na tại Kon Tum. Cơm sau khi nấu được túm trong lá chuối và mang đi rừng. Cá sông nướng sẽ để được lâu hơn nên cũng là những món ăn bà con nơi đây hay dùng, kết hợp với canh lá mì được hái và nấu ngay tại rẫy. Bà Đinh Thị Liên chia sẻ: “Món ăn này nó sẽ phù hợp để giữ lại ký ức của ông bà, nét văn hóa đặc trưng. Những món ăn ông bà lên nương lên rẫy hằng ngày, nó đơn giản, nó ấm áp nhưng nó có điều gì đó đậm nét của người Bana, Gia Rai. Sau khi mình hơ lá chuối xong đùm cơm ăn cùng với cá đùm lá chuối có hương vị rất đặt biệt là mùi của lá chuối nó quyện vào với cơm.”

Ẩm thực ở Kon Tum nói chung, thành phố Kon Tum nói riêng tuy dân dã nhưng rất hấp dẫn, riêng biệt. Mỗi món ăn, góp phần nêu bật lên bản sắc riêng của từng dân tộc, từng vùng, thể hiện cốt cách, tâm hồn của người dân nơi đây.

CTV Vi Phong – Trọng nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *