(kontumtv.vn) – Lao động nông thôn chiếm tới 2/3 dân số, đây là nguồn lao động dồi dào đáp ứng cho nhu cầu phát triển của xã hội. Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn không chỉ góp phần nâng cao chất lượng lao động, tạo cơ hội việc làm và nâng cao thu nhập cho chính người lao động mà còn tác động không nhỏ đến sự phát triển chung của tỉnh Kon Tum.

Nhà máy chế biến tinh bột sắn của Công ty cổ phần Fococev Tây Nguyên, đứng chân trên địa bàn thôn 11, thôn 12, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy. Đi vào hoạt động từ tháng 4/ 2020, nhà máy không chỉ trực tiếp thu mua sắn tươi cho người dân địa phương mà còn tạo cơ hội việc làm cho hàng trăm lao động, trong đó có đến 65% lao động là người dân tộc thiểu số của huyện Kon Rẫy. Trước khi vào làm chính thức, 90% lao động của công ty đều được hỗ trợ đào tạo nghề từ 1- 2 tháng và có hưởng lương. Anh Vũ Văn Hiệu, công nhân cơ khí đang làm việc tại Công ty cổ phần Fococev Tây Nguyên cho biết: “Mình tìm hiểu được biết trên địa bàn có một công việc và mình đã được công ty chấp thuận, cử mình đi đào tạo, sau đó đưa mình về làm việc tại công ty. Từ đó mình có một công việc có mức thu nhập khá ổn định, hiện tại mức lương của bình quân 6 triệu đến 6,5 triệu”.

Anh Đinh Tấn Hải, Phó Giám đốc phụ trách kĩ thuật sản xuất, Công ty Cổ phần Fococev Tây Nguyên cho biết thêm: “Lực lượng lao động phổ thông chưa qua đào tạo thì nhà máy sẽ cử cán bộ kĩ thuật trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn trên từng cương vị, đáp ứng tiếp thu được việc vận hành máy trên từng dây chuyền,vị trí. Trong giai đoạn từ 1 đến 3 tháng đầu trong giai đoạn đào tạo sẽ được bố trí vào công việc vận hành chính thức, trong giai đoạn này nhà máy vẫn trả lương đảm bảo mức thu nhập bình quân từ 5,5 đến 5,7 triệu”.

Chị Y Bích, người dân tộc Ba Na ở thôn 4, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy cho biết, khi bắt đầu trồng cà phê, vốn kiến thức về loại cây này của chị chỉ bắt đầu từ kinh nghiệm hàng chục năm trồng mỳ, trồng lúa và góp nhặt từ những người trồng cà phê đi trước. Chăm sóc theo quán tính, không có kĩ thuật bài bản, vườn cà phê 0,5 ha của gia đình đạt năng suất thấp, chỉ cho thu nhập 20 triệu đồng/ năm. Năm 2019, chị Y Bích được tham gia lớp dạy nghề trồng và chăm sóc cà phê vối do huyện Kon Rẫy tổ chức. Kết thúc lớp học, chị áp dụng ngay các khoa học kĩ thuật mới vào chăm sóc vườn cà phê. Năm vừa rồi năng suất cà phê cao hơn, thu nhập vì thế mà cũng tăng lên gấp đôi. Chị Y Bích nói: “Trước đây tôi trồng cà phê tôi cũng không biết chăm sóc như bón phân, tỉa cành, tôi làm lung tung lắm. Đến khi tôi được đi học lớp dạy nghề trồng và chăm só cà phê vối, tôi đã học được cách tỉa cành, bón phân, phòng trừ sâu bệnh”.

Với đặc điểm địa bàn rộng, dân trí không đồng đều, trình độ người lao động còn hạn chế nên đào tạo nghề cho lao động nông thôn là đòi hỏi cấp thiết trong phát triển kinh tế – xã hội huyện Kon Rẫy. Để nguồn lao động tại chỗ đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương, từ năm 2015 đến nay, huyện Kon Rẫy đã tổ chức 41 lớp đào tạo nghề cho gần 1.300 học viên. Qua đào tạo, 100% người lao động vận dụng kiến thức, kỹ thuật vào sản xuất, góp phần giảm thiểu chi phí và tăng năng suất lao động. Nói về điều này, ông Võ Duy Ngọc, Trưởng phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện Kon Rẫy cho biết: “Sau khi được đào tạo, đã giải quyết việc làm cho 140 người. Thành lập và nhân rộng được 150 mô hình, thu hút 689 lao động tham gia. Tính đến thời điểm hiện tại có 24,5% số lao động nghèo có việc làm ổn định và đã thoát nghèo. 4,4% người sau khi được đào tạo nghề đã trở thành hộ khá”.

Từ những kết quả này có thể thấy, đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một mũi tên trúng nhiều đích. Qua đào tạo, thu nhập của người dân không những được nâng lên, bền vững hơn, mà tư duy sản xuất cũng thay đổi. Đây cũng chính là nền tảng cho việc chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, hướng đến mục tiêu thực hiện thắng lợi các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, xoá đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Chung Loan – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *