ĐD Daniel Roussel và những câu chuyện xung quanh Điện Biên Phủ – Cuộc chiến giữa hổ và voi
06.05.2014(kontumtv.vn) – “Khi quay trở lại Pháp sinh sống tôi đã gặp khó khăn trong việc tái hòa nhập với cuộc sống tại Pháp. Sau 7 năm sống ở Việt Nam đã có một sợi dây vô hình gắn tôi với cuộc sống và con người ở đây” – Daniel Roussel, đạo diễn của bộ phim tài liệu nổi tiếng Điện Biên Phủ – Cuộc chiến giữa hổ và voi, chia sẻ.
Đạo diễn Daniel Roussel tại Đài THVN. (Ảnh: VTV Online)
Trở lại Việt Nam để tham gia chương trình Điện Biên Phủ – Bản giao hưởng hòa bình của VTV6, đạo diễn Daniel Roussel đã có cuộc trò chuyện với những phóng viên của Đài Truyền hình Việt Nam vào một ngày sau đó, trong cuộc hội thảo chia sẻ những kinh nghiệm về làm phim tài liệu. Ông đã có cuộc trò chuyện cởi mở và thân thiện mà ở đó ông cho biết sau một thời gian dài sống tại Việt Nam, ông đã có sợi dây kết nối thân tình – sợi dây được ông ví như “cái dây rốn” – với con người và đất nước này.
“Sau năm 1987, khi quay trở lại Pháp sinh sống tôi đã gặp khó khăn trong việc tái hòa nhập với cuộc sống ở bên Pháp. 7 năm sống ở Việt Nam đã có một sợi dây vô hình gắn tôi với cuộc sống và con người ở đây. Tôi đã mất rất nhiều thời gian để cắt cái dây rốn ấy đi. Nhưng cắt nó không hề dễ, đau lắm. Đêm nào tôi cũng nằm mơ và tôi không thể nào quên được những hình ảnh tư liệu mà tôi là người phương Tây duy nhất được xem những hình ảnh tư liệu ấy và không thể nào không khai thác nó được. Và thế là tôi bắt đầu viết”.
Nói về sự nghiệp làm phim tài liệu, đạo diễn Daniel Roussel khẳng định ông làm bộ phim đầu tiên là nhờ Việt Nam.
“Tôi làm bộ phim đầu tiên là nhờ có Việt Nam. Bộ phim đầu tiên tôi làm là năm 1989 và lúc đó tôi không biết gì về máy quay phim hay đạo diễn. Tôi chỉ biết một điều mà tôi nghĩ tôi làm được tốt đó là kể một câu chuyện. Tôi nghĩ với những thứ mình đang làm, khi mình có sự khiêm nhường nhất định thì mình sẽ làm được”.
“Tôi xin có một so sánh hơi khập khiễng một chút vì không ai có thể so sánh được với tướng Giáp, nhưng cụ đã từng nói cụ chuyển từ ngòi bút sang thanh kiếm, còn tôi thì chuyển từ ngòi bút sang hình ảnh”.
Vậy điều ông thường đặt ra cho mình khi bắt tay vào làm một bộ phim là gì?
– Có hai câu hỏi tôi thường đặt ra trước khi bắt tay vào làm một bộ phim và câu hỏi của tôi không phải là những người khác sẽ làm gì và đã làm gì với đề tài đó. Câu hỏi của tôi là cái gì làm cho tôi quan tâm đến đề tài này và cái gì là cái tôi sẽ làm cho công chúng của tôi quan tâm. Câu chuyện của tôi sẽ tạo ra được những xúc động gì, tình cảm gì ở người ta? Cái đó có thể là sự giận dữ, cái đó có thể là niềm vui, cái đó có thể là nỗi buồn và cái đó có thể là sự hạnh phúc.
Tôi nghĩ có rất nhiều người đã từng trải qua cảm xúc giống như tôi, đó là ngồi trước một tờ giấy trắng mà không biết viết gì và luôn nghĩ mình là phóng viên, là đạo diễn, là nhà quay phim thì mình sẽ chọn góc độ nào, mình bị ám ảnh bởi góc độ đó. Có khi mình viết rồi mình lại xóa đi hoặc xé đi để viết lại. Tôi đã từng bị ám ảnh bởi từ “góc độ” ấy đến nỗi nửa đêm giật mình tỉnh dậy và ngồi miệt mài viết, nhưng 2 ngày sau chẳng thấy nó có giá trị gì cả.
Tôi nghĩ để tìm ra cách giải quyết cho một đề tài nào đó mình phải biết chia sẻ và chấp nhận những lời góp ý dù mình đã có một cái ý của riêng mình.
Nói về bộ phim Cuộc chiến giữa hổ và voi, ông làm bộ phim này theo đơn đặt hàng của chính phủ Pháp hay của Việt Nam?
– Có thể bạn sẽ ngạc nhiên nhưng cho đến bây giờ chưa bao giờ tôi làm phim theo đơn đặt hàng. Thường là tôi đề xuất ý tưởng của mình.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đạo diễn Daniel Roussel tại Hà Nội năm 1991.
Trong bộ phim ông đã ví quân đội Pháp là con voi và quân đội và nhân dân Việt Nam là con hổ. Ông căn cứ vào điều gì để chọn lựa hai hình tượng đó?
– Lý do chọn hình tượng 2 con vật – voi cho quân đội Pháp và Việt Nam là hổ – bởi vì tôi nghĩ trong cuộc sống thật sự thì con hổ là loài thú có nhiều cơ may để chiến thắng. Tất nhiên không phải cuộc chiến trong một đấu trường có người ngồi xem mà là cuộc chiến ở trong rừng rậm.
Voi thì to, khỏe, béo và nó hoàn toàn diễn tả được tập đoàn cứ điểm của Pháp lúc đó ở Điện Biên Phủ. Voi có một sức mạnh, một sức mạnh có thể đạp đổ lên tất cả những thứ còn lại, dẫm đạp lên tất cả những thứ trên đường nó đi. Hổ thì rất khôn ranh, rất mềm dẻo, di chuyển rất nhanh và trèo lên được cả cây nữa. Hổ còn nhìn được trong bóng đêm và thường tấn công rất bất ngờ. Người ta không thể nhìn thấy hổ khi mà nó tấn công mình. Và đó là câu chuyện về tướng Giáp và quân đội của ông. Họ ở trên những quả đồi, họ đào giao thông hào. Đấy là chiến thuật chiến tranh du kích.
Để chia sẻ với các bạn thì tôi rất tự hào về những thước phim này. Tôi có một sự tự hào cá nhân nhất định. Càng ngày càng có nhiều người đặt câu hỏi và tôi nghĩ tôi đã chọn đúng.
Ông có gặp nhiều khó khăn khi làm bộ phim Điện Biên Phủ – Cuộc chiến giữa hổ và voi?
– Khi làm bộ phim này tôi không gặp khó khăn gì cả vì nhân vật chính của tôi chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi ông chấp nhận đón tôi tại nhà, kể cho tôi tất cả những chuyện đã xảy ra một cách thân mật và những điều ông kể cho tôi cũng khá mới so với hồi ký chính thức thì tôi đã có đầy đủ chất liệu làm bộ phim. Việc của tôi còn lại chỉ là minh họa những gì ông đã kể.
Khi ông kể về cái lòng chảo đó thì tôi đến lòng chảo đó để quay, khi ông nói về những cựu chiến binh thì tôi đi tìm những cựu chiến binh để quay hình họ. Thời điểm đó rất dễ để tìm thấy những cựu chiến binh ở đó, những người đã tham gia trận đánh ở đồi A1, C1…
Nếu phải nói về sự khó khăn thì đó chính là phải có giấy phép để đến quay phim và phỏng vấn ai đấy. Các bạn chắc chắn sẽ không gặp phải những khó khăn đấy giống như phóng viên nước ngoài chúng tôi.
Ông có thể kể rõ hơn một chút không?
– Có một câu chuyện mà tôi muốn chia sẻ, đó là trước khi tôi gặp và quay phim Đại tướng, tôi đã có rất nhiều cuộc trò chuyện với ông. Cho đến một ngày tôi hỏi ông có đồng ý cho tôi quay những cuộc trò chuyện ấy không (tôi gặp ông từ năm 1981 nhưng chính thức quay ông là năm 1989). Đại tướng thì đồng ý nhưng vì tôi là người nước ngoài và tôi phải thông qua Vụ báo chí của Bộ ngoại giao. Khi tôi đặt vấn đề đó ra thì họ nói họ sẽ giúp tôi và sau đó họ trả lời là “Đại tướng mệt, Đại tướng ốm”.
Bởi vì tôi đã biết đất nước các bạn rồi (cười) nên tôi đã đến gặp riêng Đại tướng. Tôi đến nhà riêng của Đại tướng và gặp anh cảnh vệ, tôi nhờ người ta viết cho tôi một câu bằng tiếng Việt và sau đó tôi đã làm việc như vậy – tôi đã không thông qua con đường chính thức nữa. Đại tướng đã chấp nhận gặp tôi tại nhà riêng và ông đã cho tôi khai thác những tư liệu của ông.
Tôi kể cho bạn câu chuyện đấy vì tôi nghĩ trong nghề của chúng ta nhiều khi chúng ta phải đẩy một cánh cửa khép trước mặt mình. Đôi khi mình phải biết đẩy một cánh cửa đóng lại trước mặt mình.
Ông đã có kinh nghiệm gì qua chuyện này?
– Tôi biết rất rõ về đất nước của các bạn, có nghĩa là tôi biết về luật lệ ở đây. Vì thế, khi tôi làm điều gì đó không đúng như luật lệ người ta nói – qua cơ quan chính thống – thì lúc đó người ta có quyền nói tôi đã làm sai. Vì thế, trong những lần sau này gặp Đại tướng cũng như khi tôi thực hiện những bộ phim khác về Việt Nam thì tôi đi theo con đường chính thống, không nhờ ai viết tờ giấy ấy nữa (cười). Tôi sẽ thuyết phục những con người trong bộ máy hiểu rằng mình không làm gì hại đến Việt Nam, có rất nhiều điều nói đến những khía cạnh không tốt ở Việt Nam nhưng những việc tôi làm không mang mục đích hạ uy tín của Việt Nam hay một ai đấy. Tôi nghĩ tôi đã thành công trong việc thuyết phục người khác.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện và những chia sẻ!
P.V/VTV Online