(kontumtv.vn) – Tâm lý đám đông vô tình tạo nên những câu chuyện ứng xử thiếu văn minh, hành xử không đúng với tinh thần lễ hội.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới mà Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đặt ra nhằm nâng cao hiệu quả quản lý lễ hội đó là tuyên truyền về giá trị lịch sử, ý nghĩa lễ hội và thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự.

Điều đó cũng có nghĩa, bên cạnh việc chấn chỉnh những hành vi thiếu văn hóa trong lễ hội như: chen lấn, sử dụng quá nhiều tiền lẻ tại nơi thờ tự để dắt vào tay Phật, rải xuống giếng… thì việc lý giải, làm rõ giá trị văn hóa và lịch sử của lễ hội được coi là khâu thiết yếu để mỗi người hiểu hơn với tín ngưỡng của mình.

Người dân đến lễ hội thường cầu cho bản thân mình, cho gia đình mình là chính như cầu tiền tài, danh vọng. Em thấy văn hóa đang bị đẩy lùi, việc tìm hiểu cúng bái làm sao cho đúng cách, có tâm đã bị phai dần đi. Nhiều người cầm một xập tiền, đưa tiền cho người khác cúng hộ mình, bỏ công đức… tiền rơi vãi rất nhiều. Nhận thức của họ dường như bị hạn chế bởi danh vọng.

Lễ hội chém lợn ở Ném Thượng, Bắc Ninh đã gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận (Ảnh: internet)

Việc người dân không hiểu giá trị văn hóa, giá trị lịch sử của lễ hội đã gây ra những hiểu lầm không đáng có. Trong một vài năm trở lại đây, cứ mỗi lần làng Ném Thượng, Bắc Ninh tổ chức lễ chém lợn thì những tranh luận xung quanh tập tục này lại được khuấy lên.

Một bên, quan điểm của các nhà nghiên cứu văn hóa, tín ngưỡng xem đây là nghi thức truyền thống, cần được coi trọng và không nên lan tỏa quá rộng, tránh gây sự hiểu lầm. Một số ý kiến khác, đặc biệt là của những người đi xem hội lại cho rằng, đây là hành động vô cùng dã man, cần phải dẹp bỏ. Đối với các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên, chọi trâu ở duyên hải Bắc Bộ hay chém lợn ở đồng bằng sông Hồng đều có chung nguồn gốc là tín ngưỡng từ xa xưa của các dân tộc. Vội vàng phán xét đây là những hành vi phản cảm, kích thích tính hiếu sát của người xem, nhưng họ quên mất bản chất tâm linh và vẻ đẹp tư duy của những nghi thức này.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, không hiểu được bản chất lễ hội là nguyên nhân chính dẫn đến những quy chụp này. Thực ra những trò diễn trong lễ hội đều gắn với một ý nghĩa lịch sử nhất định. Chẳng hạn như trò Cờ người tại lễ hội làng Giang Xá, Chơi vật tại hội làng Mai Động đều là những hình thức luyện quân xa xưa. Chọi trâu Đồ Sơn thể hiện sự vận động lên xuống của thủy triều… Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy cũng cho rằng tâm lý đám đông cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chen lấn, tranh cướp lộc tại nhiều lễ hội mà nổi bật là việc giành giật ấn ở đền Trần- Nam Định thời gian gần đây:

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy cho rằng: “Câu chuyện ở lễ hội đền Trần là do niềm tin đã bị đẩy đến cực độ. Mọi người trèo lên các ban thờ, hái, bứt tất cả mọi thứ có được và coi đấy là lộc. Không có một niềm tin nào để đồng thuận với câu chuyện đó. Hội chứng đi theo đám đông và hội chứng cố giành lấy cái gì đấy cho cá nhân mình, thì tính ích kỉ bộc lộ rất cao. Ở đây tôi nghĩ nó liên quan đến nhiều thứ. Trong đó, niềm tin của người dân bị đẩy lên mù quáng, sự ích kỉ đẩy lên một cách đỉnh điểm.”

Lễ hội là dịp để người dân ôn lại truyền thống, thể hiện nét văn hóa của mỗi vùng miền. Thông qua các lễ hội người ta có thể hiểu thêm về truyền thống, văn hóa, lịch sử. Minh chứng cho vấn đề này, xin trở lại với lễ hội truyền thống kỷ niệm ngày vua Lý Nam Đế xưng vương và thành lập nước Vạn Xuân diễn ra hàng năm tại làng Giang Xá, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Chính từ những nghiên cứu tư liệu, truyền thống người dân lưu giữ tại đây, các nhà sử học đã xác định thành công quê hương cuộc khởi nghĩa của Lý Nam Đế.

Chen chúc lộn xộn tại Lễ khai ấn đền Trần.

Nhà sử học Lê Văn Lan cho biết: “Thường những lễ hội tôn vinh là tín hiệu ngầm từ trong trường kỳ lịch sử để báo hiệu cho mọi người biết nguồn gốc của lịch sử, của khởi nghĩa mà trong sử cũ chỉ nói chung chung. Như lễ hội tại làng Giang Xá, Thị trấn Trạm Trôi, Hoài Đức, Hà Nội là thường kỳ hàng năm. Đó là mạch ngầm từ anh linh tổ tiên để con cháu tiếp thu. Mạch ngầm này trong ý thức của người Việt Nam luôn tồn tại, để vào dịp này người dân lại tổ chức một lễ hội.”

Có thể nói giá trị văn hóa, lịch sử của các lễ hội là vô cùng to lớn. Theo các nhà nghiên cứu, điều cần thiết trước mắt là lý giải và cung cấp đầy đủ thông tin về những nghi thức, tập tục trong lễ hội cho người đến xem. Để họ nhìn nhận từ góc độ của chính cộng đồng bản địa, chứ không nhân danh bất cứ điều gì khác để áp đặt, gán ghép các ý nghĩa, cảm xúc từ bên ngoài.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy cho rằng: “Nếu chúng ta đưa ra những thông tin không đúng trong bối cảnh một xã hội con người có quá nhiều mong ước thì tất cả những niềm tin ấy sẽ trở nên mù quáng. Chúng ta phải hiểu được căn cốt. Theo tôi nhận thức, chúng ta hành xử vẫn theo cảm tính, cảm giác chuyển từ cuộc đời thực sang tâm linh cũng như thế, không đúng với giáo lý của tín ngưỡng, tôn giáo đó. Vậy thì, phải điều chỉnh trước hết ở những người quản lý đền, chùa.”

Trong thời gian gần đây, tâm lý đám đông vô tình tạo nên những câu chuyện ứng xử thiếu văn minh, hành xử không đúng với tinh thần lễ hội. Đi xem hội, đi hành hương, lễ chùa đều là nét đẹp tâm linh, tín ngưỡng nhưng ít ra mỗi người cũng nên xác định cho mình một tâm thế đi hội. Do vậy, chỉ cần những thông tin ngắn gọn do ban tổ chức cung cấp hay một thiện chí tìm hiểu giá trị văn hóa tại nơi du khách đặt chân tới sẽ tránh được những nhận thức sai lầm về phương diện tín ngưỡng và hành vi lệch chuẩn./.

Ngọc Ngà – Phương Thúy/VOV – Trung tâm Tin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *