(kontumtv.vn) – Di tích lịch sử cấp quốc gia Ngục Kon Tum nằm ở bờ Bắc sông Đăk Bla, ngay cửa ngõ trung tâm của thành phố Kon Tum. Di tích lịch sử này là chứng tích tội ác của thực dân Pháp, nhưng cũng là nơi tỏa sáng tinh thần yêu nước và ý chí kiên cường của những chiến sĩ cộng sản.

Nhà ngục Kon Tum là nơi giam giữ tù chính trị được lập sớm nhất ở khu vực Tây Nguyên. Trong giai đoạn 1930-1933, Nhà ngục Kon Tum được coi là nơi giam giữ tù chính trị nhiều nhất và là “lò giết người” nhiều nhất trong cả nước đối với tù chính trị. Tính đến năm 1933, số lượng tù chính trị ở Kon Tum đã lên đến con số 500 tù nhân.

Nhà Ngục Kon gồm lao trong và lao ngoài. Thực dân Pháp bắt tay xây dựng lao trong của Ngục Kon Tum từ năm 1905 đến cuối năm 1917 mới hoàn thành. Nhà lao xây theo kiểu pháo đài Vauban (Vô-băng) xưa của Pháp thuộc thế kỷ 17. Mái lợp ngói, vách bằng tocsi (tốc si) quét vôi, bốn bề không có tường bao quanh che kín như các nhà lao khác. Bốn nhà dọc ngang xây liền lại với nhau thành một hình vuông, mỗi bề 18m. Trong kiến trúc của Ngục Kon Tum còn có hai chòi cao để lính gác có thể quan sát trong và ngoài lao; ở giữa là một cái sân vuông nhỏ hẹp. Lao trong ban đầu chỉ để giam giữ tù thường phạm.

Tháng 3/1931, để chuẩn bị đưa tù xuống núi khi mùa mưa đến, Pháp cho xây dựng Lao Ngoài. Lao Ngoài gồm có 2 nhà giam, sườn nhà toàn bằng sắt, mái lợp tôn nên có tên gọi Lao kẽm hay Lao sắt. Nhà Ngục mới được sử dụng để giam giữ tù chính trị bị bắt trong phong trào Xô – Viết Nghệ – Tĩnh 1930-1931 và những người yêu nước chống Pháp.

Ngục Kon Tum được biết đến là nơi giết người tàn bạo của thực dân Pháp lúc bấy giờ, tuy nhiên, đây cũng là nơi tôi luyện ý chí, là nơi “ươm mầm” cho những hạt giống cách mạng. Tại đây, ngày 25.9.1930, đồng chí Ngô Đức Đệ đã thành lập ra Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Kon Tum với 4 đảng viên là Ngô Đức Đệ, Huỳnh Đăng Thơ, Huỳnh Liễu và Nguyễn Cừ. Đây là một chi bộ đặc biệt trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, chi bộ ra đời ngay trong sào huyệt của kẻ thù với những đảng viên là người đứng trong hàng ngũ địch đã được cảm hóa và đi theo con đường cách mạng. Bên cạnh đó, Ngục Kon Tum cũng là nơi hun đúc, rèn luyện để sau này cung cấp cho cách mạng Việt Nam những chiến sĩ cách mạng tiền bối, những cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng như các đồng chí Tố Hữu, Bùi San, Lê Văn Hiến, Ngô Đức Đệ, Hồ Tùng Mậu,…

Một trong những sự kiện lịch sử phản ánh tinh thần đấu tranh kiên cường của người tù cộng sản trước sự đàn áp dã man của thực dân đó là cuộc đấu tranh lưu huyết diễn vào ngày 12/12/1931. Cụ thể, nhằm phản đối việc thực dân Pháp bức tù nhân đi làm đường trên Đăk Sút, Đăk Pao, nay thuộc huyện Đăk Glei, tù nhân ở Lao Ngoài biểu tình và đã bị cai ngục khủng bố dã man. Chúng đã xả súng vào những người tù chính trị, chỉ trong vài phút đã bắn chết 8 người, bắn bị thương 8 người trong số 40 người tham gia cuộc đấu tranh. Người tù Trương Quang Trọng đã dũng cảm phanh ngực áo trước mũi súng kẻ thù, nhận viên đạn giặc hy sinh trước thay cho bạn tù Nguyễn Huy Lung.

Khi nghe tin thực dân Pháp nổ súng tàn sát anh em Lao Ngoài, để ủng hộ bạn tù Lao Ngoài, 200 tù nhân Lao Trong tổ chức tuyệt thực bắt đầu từ ngày 12 đến 16/12/1931 để đấu tranh, phản đối đi làm đường ở Đăk Pét, Đăk Pao. Một lần nữa, ngày 16/12/1931, chúng lại kéo vào Lao Trong, thấy ai còn lên tiếng được là xả súng bắn giết làm 7 người chết, 7 người bị thương.

Cuộc đấu tranh anh dũng ở nhà Ngục Kon Tum nổ ra là một sự kiện gây tiếng vang lớn, có sức ảnh hưởng lớn đến phòng trào đấu tranh chống Pháp lúc bấy giờ. Tuy cuộc đấu tranh bị thực dân pháp tàn sát đẫm máu, nhưng kết quả đạt được là rất vẻ vang, đã buộc địch phải thay đổi chế độ cai trị hà khắc và chấp nhận nhượng bộ theo yêu sách của anh em tù chính trị đưa ra. Cụ thể, chúng đã từ bỏ việc xây dựng con đường 14 xâm lược. Và đến năm 1934, chúng bỏ hoàn toàn nhà Ngục Kon Tum.

Nhà Ngục Kon Tum đánh dấu một mốc lịch sử quan trọng của Đảng cộng sản Việt Nam. Nơi ra đã ra đời cơ sở Đảng đầu tiên của Kon Tum – Tây Nguyên vào tháng 9 năm 1930, được gọi là “Chi bộ Binh”. Sự ra đời của chi bộ Đảng Cộng sản tại Kon Tum là sự kiện có tính bước ngoặt, xác lập vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với phong trào đấu tranh cách mạng tỉnh Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Qua đó, đã tạo cầu nối giữa cách mạng Kon Tum với phong trào phát triển các cơ sở Đảng ở các tỉnh miền Trung như Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên.

Với vai trò lịch sử đó, năm 1988, Ngục Kon Tum được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp Nhà nước. Nơi đây trở thành địa chỉ tham quan, giáo dục truyền thống cách mạng./.

Linh Thủy Duy Vĩ  

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *