(kontumtv.vn) – Trải qua 02 ngày thi diễn xướng cồng chiêng – xoang, ngày 18/11, các đoàn nghệ nhân bước vào phần thi chỉnh chiêng, phần thi được mong chờ nhất tại Hội thi năm nay. Bởi trong nghệ thuật cồng chiêng, chỉnh chiêng được xem là kỹ năng khó, đòi hỏi người nghệ nhân không chỉ có năng khiếu mà còn phải là người thật sự am hiểu và nắm giữ giá trị cốt lõi về thang âm cồng chiêng của dân tộc mình.

Không phải ngẫu nhiên Hội thi cồng chiêng – xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum năm 2022 lại đưa chỉnh chiêng vào phần thi. Bản thân các địa phương, cơ quan chuyên môn và nhà nghiên cứu văn hóa hiện nay đều nhận thức rằng, bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng, điều cốt lõi nhất là bảo tồn được giá trị nguyên bản của chiêng. Sẽ không thể có những tiết mục diễn xướng cồng chiêng hay, đúng với tinh thần dân tộc khi bộ chiêng chênh, phô, sai nốt. Ông Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, ý tưởng về phần thi chỉnh chiêng được các đoàn nghệ nhân tham gia Hội thi ủng hộ cao. Về chấm thi, Hội đồng giám khảo có các nghệ nhân và chuyên gia văn hóa đến từ Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, đều là những người có kiến thức chuyên sâu về cồng chiêng. Ông Phan Văn Hoàng nhấn mạnh: “Qua khảo sát của ngành, chúng tôi thấy rằng, hiện nay đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, số lượng nghệ nhân chỉnh chiêng thì ngày càng ít đi. Vì vậy chúng tôi đưa vào để khuyến khích cho các đoàn thấy được để sau này họ có định hướng trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Đồng thời tìm ra được các nghệ nhân, hoặc mở các lớp để cho nghệ nhân nhỏ tuổi họ biết được cái cách chỉnh âm, dần dần quá trình sinh hoạt tại làng, họ nghe được, cái thẩm âm của họ tốt hơn, từ đó họ chỉnh chiêng.”

Phần thi chỉnh chiêng có 6 đoàn nghệ nhân tham gia gồm thành phố Kon Tum và 05 huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Tu Mơ Rông, Ngọc Hồi, Đăk Glei, tương ứng với đó là các bộ chiêng của dân tộc Ba Na, Gia Rai, Xê Đăng, Giẻ – Triêng. Mỗi bộ chiêng của một dân tộc lại có cấu tạo thang âm khác nhau. Chiêng của người Ba Na, Gia Rai và Xê Đăng được đánh giá là có hệ thống thang âm khá phức tạp với nhiều nốt, nhiều cung bậc. Vì vậy khi chỉnh chiêng, nghệ nhân buộc phải có đôi tai cảm âm tốt cộng với sự am hiểu về bộ chiêng, có như thế mới điều chỉnh được từng nốt sao cho chính xác nhất khi hòa âm. Ở phần thi này, mỗi đoàn nghệ nhân được Ban Tổ chức giao về một bộ cồng chiêng đã được chỉnh sai nốt. Bằng đôi tay khéo léo và đôi tai cảm âm tốt, nghệ nhân căn chỉnh, thậm chí là gò chiêng để âm điệu và tiết tấu chiêng về đúng nốt như vốn có. Nghệ nhân A Huynh ở làng Chốt, huyện Sa Thầy cho biết: “Chỉnh chiêng mình phải nghe, không phải chỉ nghe một lần mà nhiều lần, nghe đi nghe lại. Từ đó, mình mới đi tìm cái âm thanh, khi nào đánh nó cái âm vang lên mới thôi.”

Có mặt tại Hội thi năm nay, già làng A Luông, 80 tuổi ở làng Giang Lố 01, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi đã đem hết tài nghệ chỉnh chiêng hơn 30 năm để tham gia phần thi này. Già A Luông phấn khởi nói: “Chỉnh chiêng nãy giờ làm là chiêng bị hư, bây giờ sửa lại, cho anh em, bà con đánh lại để xem có đúng hay không. Bây giờ đánh được rồi. Không phải mình làm thầy hay gì đâu nhưng mình cứ làm, cứ chỉnh vậy thôi.”

Sau khi hoàn thành phần chỉnh chiêng, mỗi đoàn nghệ nhân biểu diễn một bài chiêng bằng chính bộ chiêng vừa được chỉnh lại âm nốt. Căn cứ vào bài chiêng này, Hội đồng giám khảo tiến hành đánh giá, thẩm định. Chiêng đúng nốt, không chênh, phô được xem là chiêng hay./.

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *