(kontumtv.vn) –  Từ thân cây rừng, trải qua nhiều công đoạn kì công, vất vả, người dân tộc thiểu số ở Tây nguyên đã chế tạo ra những bộ trang phục thô sơ dùng để che thân, ủ ấm. Ngày nay, dù không còn được sử dụng phổ biến, nhưng những bộ trang phục từ vỏ cây vẫn được những người già ở các làng dân tộc thiểu số tái hiện và lưu giữ lại trong cộng đồng như một cách để họ kể cho thế hệ ngày nay về những câu chuyện xưa cũ.

Xa xưa, khi chưa biết đến sự tồn tại của cây bông, chưa biết kỹ nghệ dệt vải, người Xê Đăng nhánh Tơ Đrá ở xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà phải vào rừng sâu tìm vỏ cây múa để làm trang phục cho mình. Những chiếc khố, áo, khăn quấn…làm từ vỏ cây múa được bà con sử dụng hàng ngày để che thân, giữ ấm, tránh mưa, tránh nắng. Để tạo ra được những bộ trang phục từ vỏ loại cây này đòi hỏi sự tập trung, kiên nhẫn và khéo léo. Thân cây phải được đập đều tay cho dập, để lộ ra lớp vỏ trắng với phần xơ dày dặn, quyện chặt vào nhau và bền dẻo. Qua quá trình ngâm giặt và phơi khô nhiều lần, những tấm vỏ cây này mới được đem chắp nối lại với nhau bằng dây rừng, tạo thành những bộ trang phục khá thô sơ. Ngày nay, những bộ trang phục này được sử dụng vào những dịp biểu diễn cồng chiêng, lễ hội. Bà Y Der, một trong số ít những người ở làng Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà còn biết làm trang phục tư vỏ cây cho biết: “Mình làm chúng tôi không thể bỏ phong tục ngày xưa, vẫn nhớ đến con cháu mai mốt dạy cho nó làm theo, mai mốt bảo mấy cháu nhỏ thấy có con nó tập làm.

Trước kia, cây múa có khá nhiều trong các khu vực rừng núi. Ngày nay, cây múa dần ít đi, muốn tìm được phải lặn lội vào tận rừng sâu. Bà Y Der cho biết, để tìm được 1 – 2 cây múa đủ làm 1 chiếc áo, bà đã phải mất một buổi vào tận rừng sâu để kiếm, mất thêm một ngày để cạo và đập dập vỏ thân cây. Trung bình, bà sẽ phải mất chừng 2 ngày liền để hoàn thiện một chiếc áo, hoặc chiếc khố, váy hay tấm chăn… Dù vất vả, nhưng ở cái tuổi gần 60, bà vẫn có niềm đam mê kì lạ với những bộ trang phục từ vỏ cây rừng này. Bà Y Der cho hay: “Làm một cái áo thì làm theo phong tục hồi xưa không có áo mặc thì chặt làm cây múa làm áo, một ngày làm được 1 cái áo, xong 1 cái áo. Đi phải đi 1 buổi mới có thế này, đi kiếm  trước mình biết đường đi lấy thôi mình về  mình cạo cạo vỏ xong, vỏ trắng mình đập cho nó dập, không đơn giản, đập lâu mói đẹp, đập mạnh.

Là người am hiểu về văn hóa dân gian của người Tây Nguyên, nghệ nhân ưu tú A Nian ở làng Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo cho biết, trong mỗi lễ hội cộng đồng của người Tây Nguyên thường xuất hiện những người mặc những bộ đồ khác lạ làm từ vỏ cây, lá cây… Điểm đặc biệt là trong lễ hội, những người mặc trang phục này sẽ đeo thêm những chiếc mặt nạ đẽo từ những tấm gỗ, hoặc làm từ những loại cây có bộ rễ nhỏ, xum xuê. Những chiếc mặt nạ được điêu khắc thành những hình thù kì dị hoặc hài hước. Mỗi một lễ hội sẽ có những loại mặt nạ khác nhau. Những bộ phận như mắt, mũi, miệng, trán, cằm hay râu được cách điệu với những đường nét hết sức hoang sơ. Ông A Nian cho rằng, việc những thế hệ như ông gìn giữ và lưu truyền cách làm những bộ trang phục, đồ hóa trang từ cây rừng cũng chính là đang góp phần gìn giữ một nét đẹp khác biệt trong văn hóa của người Tây Nguyên. Ông A Nian ở làng Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà chia sẻ: “Mình vẫn duy trì để con cháu mình tương lai về con cháu mình không bao giờ bỏ. Mình phải làm, luôn luôn phải làm cái áo này cho họ thấy, mình làm nó mới làm theo được, nếu mà không làm thì biết chừng nào mà nó làm theo.

Với người Xê Đăng – Tơ Đrá, trang phục bằng vỏ cây chứa đựng nhiều giá trị văn hoá, phản ánh quá trình phát triển của cộng đồng người dân tộc thiểu số Tây Nguyên qua mỗi thời kỳ. Trang phục từ cỏ cây cũng là sự phản ánh mối giao hòa, gần gũi giữa con người với vạn vật, thiên nhiên. Trong tiềm thức của những thế hệ đi trước như bà Y Der hay ông A Nian vẫn luôn đau đáu việc bảo tồn và trao truyền nét văn hóa của cha ông cho những thế hệ người Xê Đăng – Tơ Đrá về sau./.

Chung Loan – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *