(kontumtv.vn) –  Cùng với sự hình thành và phát triển của tỉnh Kon Tum, vùng đất có nhiều hồ nước ngày xưa nay đã đổi thay thành phố thị Kon Tum. Trải qua những thăng trầm lịch sử, thành phố Kon Tum không còn nhiều những hồ nước mà thay vào đó là diện mạo của một đô thị trẻ, của những ngôi làng trong phố với nhịp sống mới. Nơi mà người dân làng hồ luôn nỗ lực lao động sản xuất và không ngừng cố gắng xây dựng cuộc sống ấm no, mỗi ngày thêm phát triển.

Dù đã ở tuổi 84, thế nhưng già A Tik (ở thôn Kon Tum Kơ Nâm, phường Thống Nhất, TP. Kon Tum) vẫn còn minh mẫn kể về gốc tích của làng hồ ngày xưa. Đó là câu chuyện thành lập làng của 2 anh em Jơrông và Uông với cái tên ban đầu là Kon Tum, có nghĩa là làng hồ. Sau khi trải qua những biến cố lịch sử, Kon Tum mới bắt đầu tách thành 2 làng Kon Tum Kơ Nâm, Kon Tum Kơ Pơng và giữ nguyên cho tới ngày nay. Già A Tik kể: “Người ta chọn đất này vì lúc trước người ta nói là dân tộc thích có nước để mà câu cá, để mà phát triển đồ ăn dễ dàng hơn, người ta thích như vậy và thêm ở chỗ này là bằng phẳng nhiều hơn. Thế nên tới bây giờ đó là bằng phẳng để làm ruộng được dễ dàng, thì người ta kiếm ăn dễ hơn. Thì vì lý do đó thì người ta mới thích ở đây hơn, vì có nước giọt nữa.”

Già A Tik đã sống trong thời kỳ chiến tranh đến khi đất nước giải phóng, hoà bình lập lại nên cảm nhận rõ quá trình đổi thay của thành phố Kon Tum như hiện nay. Già A Tik nói: “Mình thấy cái phong tục bây giờ, cái đời sống thì lúc trước khác hẳn bây giờ, rất khác. Làng Kon Tum khi trước là nhỏ xíu, không lớn, ít người thôi, nhưng mà càng ngày càng nhiều hơn. Lúc trước người ta làm bằng nhà tranh thôi, cái ván, cái phên làm bằng tre, nứa thế thôi. Bây giờ làng Kon Tum Kơ Nâm không có nhà bằng cây nữa, toàn là xây như người Kinh thôi.”

Ngày xưa, trong tâm niệm của người dân làng Hồ, ngôi làng thể hiện cho tinh thần đoàn kết, lối sống cộng đồng và không thể tách rời. Bởi thế, việc tách làng, thành lập làng mới vẫn luôn là một điều kiêng kỵ và hiếm khi xảy ra. Từ những năm 90, dưới sức ép của sự đô thị hóa, đất chật người đông, nhất là tại vùng nội thị. Chính quyền địa phương đã thực hiện chủ trương giãn dân, tách hộ lập vườn và thực hiện các chính sách hỗ trợ ban đầu. Đồng thời vận động bà con DTTS bắt đầu thay đổi dần quan niệm trước kia, mạnh dạn tách làng, rời làng để xây dựng làng mới, ổn định cuộc sống.

Vào năm 1996, tại xã Đăk Rơ Wa, TP. Kon Tum, ngoài 2 ngôi làng hình thành từ lâu đời, có thêm 3 làng mới được tách ra từ các làng trong khu vực nội thị. Gần đây nhất là làng mới Đăk Krăk tại xã Hòa Bình được thành lập vào năm 2015. Tại những làng mới này, người dân được hỗ trợ ổn định nơi ở, đất sản xuất để vươn lên thoát nghèo, xây dựng tình đoàn kết giữa các làng với nhau. Đồng thời cố gắng giữ gìn, bảo tồn và tiếp nối văn hóa truyền thống của dân tộc. Anh A Hưih (ở thôn Đăk Krăk, xã Hoà Bình, TP. Kon Tum) chia sẻ: “Hồi trước làng cũ sống bên đó thấy đất đai, người chật chội lắm. Thì xuống đây là có được nhà nước hỗ trợ từ đất, cây giống, rồi nhà. Nói chung là có nhiều thứ lắm, xuống đây nay tôi thấy cuộc sống cũng dần dần ổn định rồi. Bà con nói chung cũng xác định xuống đây ở rồi. Cố gắng làm đủ thứ hơn nữa, làm để kinh tế gia đình có thu nhập nhiều.”

Chị Y Mứt, thôn phó thôn Đăk Krăk cho biết khi mới thành lập làng có 72 hộ nghèo. Bây giờ cuộc sống ổn định hơn, trong thôn thoát nghèo gần hết, chỉ còn 7 hộ hộ nghèo. Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, người dân thôn Đăk Krăk còn giữ gìn, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc bằng cách duy trì một đội cồng chiêng múa xoang, một tổ dệt truyền thống.

Ban đầu, việc giãn dân về làng mới gặp nhiều khó khăn do người dân đã quen với cuộc sống nơi làng cũ. Tuy nhiên, cùng với những chủ trương, chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, phát triển kinh tế, bà con đã mạnh dạn thay đổi, vượt qua khó khăn an cư, xây dựng cuộc sống nơi làng mới. Ông Mai Thu Nhi A – Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Bình, TP. Kon Tum cho biết: “Trên cơ sở hỗ trợ của chính quyền địa phương trong cây giống, vật nuôi cũng như là tập huấn các lớp chuyển đổi khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, bà con cũng đã mạnh dạn vay vốn để áp dụng những nội dung này trong sản xuất. Đến đây thì qua thời gian sinh sống tại thôn, thì cơ bản là bà con đã có cuộc sống ổn định hơn so với trước đây. Trong thời gian tới thì địa phương sẽ tận dụng nguồn lực hỗ trợ, vận động bà con ĐBDTTS, làm cho bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo bền vững. Và qua đó thì phấn đấu thôn Đăk Krăk đạt thôn NTM kiểu mẫu đối với thôn, làng vùng ĐBDTTS.”

Vùng đất Kon Tum nay đã có sự phát triển vượt bậc. Cùng với sự thay đổi diện mạo bởi những công trình xây dựng để hình thành nên đô thị trẻ, bà con người DTTS vùng làng hồ vẫn đang tiếp tục nỗ lực xây dựng cuộc sống mới, thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm phù hợp với cuộc sống hiện đại nhưng vẫn không mất đi các giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của người dân làng hồ./.

Hơ Jan – Thanh Hà – Ngọc Chí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *