(kontumtv.vn) – Thời gian qua, Huyện Đăk Hà luôn chú trọng nâng cao đời sống người dân vùng dân tộc thiểu số. Huyện đã phát huy nguồn vốn đầu tư, từ các chương trình, dự án và đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế – xã hội. Sau 30 năm kể từ ngày thành lập lại tỉnh Kon Tum, đến nay, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trên địa bàn huyện có nhiều đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Trước đây, kinh tế gia đình anh A Đly Ưn ở thôn Đăk Vek, xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà chủ yếu dựa vào việc canh tác diện tích nhỏ cây lúa nước, cuộc sống tự cung, tự cấp còn nhiều khó khăn. Năm 2008, được sự hỗ trợ về nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH và sự vận động của chính quyền, anh đầu tư trồng cây cà phê, mở rộng diện tích trồng mì, bời lời và chăn nuôi thêm bò, dê. Đến nay, với 2 ha cà phê, 5 ha bời lời, 2 ha mì và hơn 20 con bò, dê, trừ tất cả chi phí mỗi năm gia đình anh thu về hơn 120 triệu đồng. Anh A Đly Ưn cho hay: “Thoát nghèo là phải cố gắng nuôi bò rồi lấy phân bón cà, lấy cái ngắn nuôi cái dài, trồng mỳ thì lấy tiền mỳ là mua phân, mua thuốc bón cho cà. Một năm cảm thấy thu nhập cũng đủ sinh hoạt trong gia đình.”

Giống như gia đình anh A Đly Ưn, gia đình anh A Khôi ở thôn Kon Năng Treang, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà là một trong nhiều hộ được hỗ trợ về nguồn vốn, hướng dẫn áp dụng khoa học – kỹ thuật vào canh tác cây cà phê. Nhờ sự cần cù, ham học hỏi, kinh tế gia đình anh ngày càng phát triển, vươn lên thoát nghèo. Anh A Khôi cho biết, ngoài cà phê, anh còn trồng thêm bời lời, mỳ, lúa. Nhờ có chính sách hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp mà gia đình anh và một số hộ nghèo khác có điều kiện để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Trong những năm qua, huyện Đăk Hà phát huy tối đa hiệu quả từ các chương trình chính sách, dự án đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững… để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Tại xã Đăk Pxi, từ một địa phương đặc biệt khó khăn của huyện với hơn 91% dân số là người DTTS, chính quyền xã và người dân đã nỗ lực khắc phục khó khăn, thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế – xã hội. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 20 triệu đồng/ năm; kết cấu hạ tầng ngày càng được kiên cố hóa; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được phát triển toàn diện. Ông Nguyễn Phúc Đoan, Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà cho biết: “Chúng tôi đã phát triển các mô hình như nuôi heo sọc dưa, nuôi dê, chăn nuôi bò cỏ và đặc biệt là người dân đã bắt đầu ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất nông nghiệp. Từ chỗ đói ăn, giáp hạt trước đây thì hiện người dân trên địa bàn Đăk Pxi chúng tôi không những đủ ăn mà cái năng suất lúa hàng năm đã đạt từ 5 – 7 tạ/sào và sản phẩm lúa nước đã trở thành sản phẩm hàng hóa để đưa ra thị trường.”

Cùng với các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, huyện Đăk Hà chú trọng đến công tác bảo tồn văn hóa dân tộc. Các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể như cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm… đã được khuyến khích phát huy. Thay vì chỉ dùng trong gia đình như trước đây, những vật dụng truyền thống do bà con làm ra như gùi, nia, giỏ nay trở thành sản phẩm hàng hóa. Qua đó, tăng nguồn thu nhập, tạo động lực giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của các dân tộc. Theo già làng A Hải ở thôn Đăk Kơ Đương, xã Đăk Pxi, làm cái gùi, cái nia vừa để giữ nghề truyền thống vừa để bán cho khách kiếm thêm thu nhập. Ngày lễ hội nào trong thôn tổ chức cũng có tiếng cồng, tiếng chiêng rộn rã. Già làng A Hải luôn răn dạy lớp trẻ trong làng giữ nếp sống cồng chiêng của dân tộc mình.

Với sự quan tâm đầu tư và những chính sách đúng đắn, đời sống người dân vùng DTTS trên địa bàn huyện Đăk Hà đã không ngừng vươn lên và thay đổi từng ngày. Hiện nay, huyện còn gần 1.600 hộ nghèo DTTS, chiếm hơn 20% so với tổng số hộ DTTS trên địa bàn; có 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tất cả 10 xã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế và hơn 95% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Đây là những con số biết nói minh chứng cho sự nỗ lực xây dựng thôn, làng no đủ, vững mạnh. Từ đó làm cơ sở để huyện tiếp tục đưa ra nhiều chính sách đúng đắn, thúc đẩy sự phát triển các làng DTTS trên địa bàn. Bà Phạm Thị Thương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà cho biết thêm: Tỉnh cũng có Cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm của ĐBDTTS” thì huyện cũng đã có chương trình phối hợp với UBMTTQ Việt Nam huyện để mà triển khai thực hiện tích cực chương trình này nhằm giúp cho ĐBDTTS ý thức hơn về việc phát triển kinh tế – xã hội đối với gia đình mình, vươn lên xóa đói giảm nghèo, nhằm giúp huyện đạt tiêu chí nông thôn mới vào năm 2025.”

Việc triển khai các chương trình chính sách, dự án mang lại hiệu quả đã thổi một luồng gió mới đến với vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đăk Hà, giúp bà con phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Sau 30 năm thành lập lại tỉnh Kon Tum đời sống vật chất, tinh thần của bà con vùng DTTS được nâng lên rõ rệt. Cùng với tiếng chiêng ngân vang, những điệu múa xoang uyển chuyển tiếp tục được lưu giữ nơi vùng đất Bắc Tây Nguyên./.

Đăng Huy – Ngọc Chí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *