(kontumtv.vn) – Với ý chí vươn lên phát triển kinh tế, thời gian qua, nhiều thanh niên tỉnh Kon Tum đã mạnh dạn khởi nghiệp bằng những mô hình kinh tế sáng tạo, hiệu quả. Qua đó, khẳng định vai trò đồng hành của tổ chức Đoàn và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương với thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp.

Với mong muốn làm giàu trên mảnh đất quê hương, sau khi tốt nghiệp đại học ngành Quản trị kinh doanh, anh Trịnh Tuấn Kiệt đã trở về Kon Tum để khởi nghiệp với Dự án Green Highland Coffee – cà phê sạch hương vị Tây Nguyên. Thời gian đầu, anh khá loay hoay trong tìm hướng đi. Tuy nhiên, cùng nguồn lực của gia đình và được tư vấn kinh doanh từ Trung tâm hỗ trợ xúc tiến đầu tư khởi nghiệp của tỉnh, anh đã mạnh dạn mở rộng Dự án. Theo đó, anh liên kết với một số HTX trồng cà phê tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Đăk Hà, thu mua trung bình 20 tấn cà phê nhân/năm. Sản phẩm của công ty được đảm bảo sạch từ khâu trồng, thu hoạch, chế biến. Đến nay, công ty đã có sản phẩm cà phê hạt và bột đạt 3 sao Ocop cấp tỉnh năm 2020. Mức tiêu thụ hằng tháng tại thị trường Kon Tum khoảng 700 gói cà phê hạt, bột các loại. Anh Trịnh Tuấn Kiệt, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất, thương mại, dịch vụ Tây Nguyên Xanh tại thành phố Kon Tum chia hay: “Công ty đã đi vào hoạt động ổn định, dự kiến sẽ mở rộng vùng nguyên liệu; nghiên cứu, đưa vào sản xuất 2 dòng sản phẩm mới là cà phê hòa tan,cà phê dược liệu. Tôi hy vọng địa phương sẽ có thêm nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và giới thiệu các cuộc thi lớn để khởi nghiệp sáng tạo để thanh niên có cơ hội học hỏi,tiếp cận các nguồn lực”.

Cuối năm 2016, anh Hà Văn Huy ở thôn 1, xã Đăk La, huyện Đăk Hà đã vay 200 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) qua kênh của Huyện đoàn Đăk Hà đầu tư mô hình nuôi ong. Anh cho biết, anh lựa chọn mô hình này vì nhận thấy được doanh thu và địa phương có điều kiện thuận lợi về khí hậu, nguồn mật dồi dào từ hoa cà phê, cao su. Hiện nay, anh đã phát triển được hơn 200 thùng ong. Vào mùa đánh mật, mỗi tháng cho khoảng 500 lít mật, trừ chi phí thu về hơn 10 triệu đồng. Anh cũng sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm cho những ĐVTN đến học hỏi. Anh Hà Văn Huy  nói: “Được hỗ trợ vay vốn bên đoàn thanh niên, 6 năm qua tôi vay vốn để nuôi ong, nó cho tôi thu nhập về kinh tế, công việc ổn định, có  mong muốn các bạn đoàn viên thanh niên trong xã biết đến mô hình này để cùng làm rồi sau này có thu nhập”.

Khởi nghiệp, lập nghiệp, phát huy nội lực sẵn có, làm giàu trên mảnh đất quê hương luôn là khát vọng của phần lớn thanh niên. Theo đó, môi trường khởi nghiệp, lập nghiệp của tuổi trẻ Kon Tum ngày càng đa dạng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay ngoài những ảnh hưởng do dịch đại dịch Covid-19 thì việc khởi nghiệp, duy trì hoạt động những dự án khởi nghiệp của thanh niên đang gặp không ít khó khăn. Chị Đỗ Thị Thảo –  Bí thư Đoàn xã Đăk La, huyện Đăk Hà cho biết: “Trên địa bàn xã có nhiều đối tượng thanh niên như thanh niên ĐBDTTS, thanh niên là người kinh, có những thanh niên rất là khó khăn có những thanh niên có những ý định khởi nghiệp. Tuy nhiên gặp nhiều khó khăn trong các nguồn vốn vì nguốn vốn trên địa bàn chủ yếu là nguồn vốn Ngân hàng chính sách, không có các nguồn vốn khác”.

Để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên quan trọng vẫn là  sự quan tâm, chia sẻ từ tổ chức Đoàn, cấp ủy, chính quyền địa phương. Trong đó, không dừng lại ở việc tạo nguồn vốn, vận động thanh niên thay đổi nếp nghĩ, cách làm mà còn gồm các hoạt động hỗ trợ khác. Tính đến nay, Tỉnh đoàn đã nhận ủy thác 650 tỷ đồng từ NHCSXH cho hơn 13.400 hộ thanh niên vay và hơn 600 triệu đồng vốn giải quyết việc làm từ kênh Trung ương Đoàn. Năm 2021, Đoàn cũng triển khai tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho hàng nghìn thanh niên trong tỉnh. Đáng chú ý, năm 2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 80 thành lập Hội đồng tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Kon Tum. Nhờ vậy, các dự án, ý tưởng khả thi của thanh niên được đầu tư, hỗ trợ thực hiện. Anh A Xây,  Phó Bí thư tỉnh đoàn Kon Tum cho biết thêm: Dưới sự quan tâm, tạo điều kiện của Tỉnh ủy, Ban thường trực tỉnh ủy rồi UBND tỉnh, Ban thường vụ tỉnh đoàn cũng nhận được sự quan tâm của các sở ban ngành trên địa bàn tỉnh trong việc hỗ trợ, định hướng việc làm và đặc biệt là phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp. Nhiều kết quả đáng khích lệ và nổi bật như vườn ao chuồng rồi mô hình trồng cây dược liệu của các huyện thành phố”.

Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, làm giàu cho bản thân, tạo công ăn việc làm cho người lao động, từ đó góp phần hoàn thành các mục tiêu KT-XH tại địa phương. Đây sẽ là động lực để đoàn viên thanh niên tiếp tục rèn luyện bản thân, mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình sáng tạo, phù hợp với thực tế./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *