(kontumtv.vn) – Thời gian qua, ngành GD&ĐT tỉnh Kon Tum luôn chú trọng các hoạt động trong trường học gắn với cồng chiêng, múa xoang. Từ đó, khơi dậy niềm tự hào và nâng cao ý thức trong học sinh người DTTS về giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc.

Thời gian qua, công tác giáo dục ở vùng DTTS đã được cấp uỷ, chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ. Đây là một trong những động lực để ngành giáo dục tổ chức các hoạt động giữ gìn không gian văn hoá cồng chiêng. Cụ thể, các trường thực hiện lồng ghép nội dung bảo tồn văn hoá cồng chiêng vào những bài học trên lớp; hướng dẫn học sinh đánh chiêng, múa xoang qua những chương trình ngoại khoá. Ngoài ra, ngành GD&ĐT còn thường xuyên tổ chức các sân chơi văn hoá lành mạnh như cuộc thi, hội diễn cồng chiêng, múa xoang. Nổi bật, có Hội diễn Cồng chiêng –Xoang học sinh trường PT DTNT, PT DTBT tỉnh Kon Tum. Từ năm 2016 đến nay, Hội diễn được duy trì tổ chức 2 năm một lần. Bà Đinh Thị Lan, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum cho biết: “Hội diễn cồng chiêng xoang các trường phổ thông dân tộc nội trú, dân tộc bán trú là nhằm mục đích bảo tồn phát huy văn hóa cồng chiêng của Tây Nguyên, trong đó có cồng chiêng của tỉnh Kon Tum. Đối với các nhà trường, với sự chỉ đạo của ngành GD&ĐT chúng tôi cũng đưa văn hoá cồng chiêng vào trong hoạt động của các trường PT DTNT và dân tộc bán trú.”

Để đưa cồng chiêng vào trường học thuận lợi, mang tính chiều sâu, những nghệ nhân, già làng, người có uy tín có đóng góp rất lớn. Với mong muốn văn hoá cồng chiêng không bị mai một, những nghệ nhân không tiếc công sức truyền dạy cho học sinh cách đánh cồng chiêng đúng âm điệu. Trong đó có Nghệ nhân ưu tú A Biu ở thành phố Kon Tum, người hỗ trợ Sở GD&ĐT ở vị trí ban giám khảo trong nhiều Cuộc thi Chiêng- Xoang dành cho học sinh người DTTS. Nghệ nhân ưu tú A Biu chia sẻ: “Mình là người giữ hồn văn hoá Ba Na, kể cả các dân tộc ở vùng Tây Nguyên đây cho nên rất cảm động. Bữa nay không ngờ từ đứa cháu mẫu giáo tới cấp ba , vẫn cầm được lá chiêng, cảm âm được tiếng trống như vậy. Nói chung sau này, mình giữ hồn như vậy thì mình rất mừng, sẽ có những người kế cận, như ông bà xư nói tre già thì măng sẽ mọc.”

Đến nay, số lượng học sinh biết đánh cồng chiêng, múa xoang trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Các em không những góp mặt trong hoạt động biểu diễn ở trên trường mà cả khi trở về địa phương. Nhờ vậy, tạo nên sợi dây kết nối vững chắc giữa trường học với cộng đồng. Em Nguyễn Thị Tường Vy, học sinh lớp 9D, Trường THCS xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà đã cùng các bạn chuẩn bị kỹ lưỡng cho tiết mục tại Hội diễn Cồng chiêng –Xoang học sinh trường PT DTNT, PT DTBT tỉnh Kon Tum năm 2022. Tại đây, các em say sưa thể hiện từng điệu xoang, nhịp chiêng của dân tộc mình. Em Nguyễn Thị Tường Vy bày tỏ: “Em rất vui và vinh dự khi được tham gia buổi biểu diễn cồng chiêng, múa xoang của dân tộc Xơ Đrá, Ba Na ở Tây Nguyên. Em nghĩ vai trò của chúng em là giữ gìn, giới thiệu đến bạn bè khắp nơi biết đến giá trị văn hoá truyền thống cồng chiêng, múa xoang.”

Trong bối cảnh giao thoa văn hóa của mọi vùng miền và sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội ngày càng mạnh mẽ đã phần nào khiến thế hệ trẻ dần xa rời giá trị văn hoá truyền thống. Do vậy, vai trò của ngành giáo dục trong nâng cao ý thức bảo tồn, giữ gìn văn hoá cồng chiêng cho học sinh rất quan trọng.

Hoạt động đưa cồng chiêng vào trường học đã và đang thúc đẩy phong trào văn hóa văn nghệ trong các trường học. Đồng thời, giúp các trường triển khai tốt nội dung giáo dục địa phương, nâng cao hiệu quả Chương trình GDPT 2018./.

Cát Tiên – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *