Sân khấu dù kê Khmer Nam bộ ra đời từ những năm đầu thế kỷ 19 là loại hình nghệ thuật mang tính đặc trưng của ĐBSCL.

Đặc biệt, sân khấu dù kê chịu ảnh hưởng rất lớn bởi sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc cộng cư ở ĐBSCL. Vì vậy, nó là di sản văn hóa minh chứng cho một giai đoạn lịch sử của vùng đất này. Ngày nay, sân khấu dù kê đang dần bị mai một và có thể sẽ không còn lực lượng kế thừa vào những năm tới.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thông qua danh sách 12 di sản văn hóa phi vật thể dự kiến lập hồ sơ trình UNESCO giai đoạn 2012-2016, trong đó có nghệ thuật sân khấu Dù kê của đồng bào Khmer Nam bộ. Việc lập hồ sơ đặt ra vấn đề cần các công trình nghiên cứu nghiêm túc về nguồn gốc, lịch sử phát triển, giá trị nghệ thuật của sân khấu dù kê trong nền văn hóa chung và trong đời sống đương đại. Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và các tỉnh có đồng bào Khmer sinh sống đã khởi động công tác này bằng hội thảo khoa học vừa diễn ra tại tỉnh Trà Vinh.

Vở “lưỡi kiếm oan nghiệt” của đoàn Nghệ thuật Trà Vinh. (ảnh: Lệ Hoa)

 

Mặc dù có khá nhiều giai thoại lý giải nguồn gốc ra đời, nhưng tựu chung đều cho thấy: Dù kê được hình thành ở khu vực ĐBSCL vào những thập niên đầu của thế kỷ 19. Tại Campuchia, dù kê được gọi là Lakhôn Bassắc (nghĩa là kịch hát vùng sông Hậu). Đặc biệt, sự ra đời của sân khấu dù kê có ảnh hưởng sâu sắc của hai loại hình sân khấu khác gồm tuồng cổ của người Hoa và cải lương của người Kinh. Như vậy, sân khấu Dù Kê (thường được ví như cải lương của người Khmer Nam bộ) là loại hình nghệ thuật do đồng bào Khmer Nam bộ sáng tạo ra và mang đậm dấu ấn cuộc sống cộng cư, giao thoa văn hóa giữa ba dân tộc Kinh – Hoa – Khmer trên vùng đất này.

Nhạc sĩ Sơn Lương  – Phó chủ tịch Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam đã khẳng định: “Sân khấu dù kê là một sản phẩm văn hóa mà chính từ bàn tay của đồng bào Khmer Nam bộ sáng tạo ra. Đồng bào Khmer Nam bộ ở đây có mối quan hệ giao lưu giữa ba dân tộc rất khăng khít. Thể hiện mối quan hệ lâu đời đó chính là trong sân khấu dù kê Khmer Nam bộ. Đây là một minh chứng rất hùng hồn. Chính vì vậy, chúng tôi muốn bảo tồn loại hình này và phát huy giá trị loại hình này.”

Trong lịch sử phát triển của mình, dù kê đã được những người khởi xướng đưa sang biểu diễn tại Campuchia, trở thành loại hình sân khấu được người dân bản xứ đặc biệt yêu thích, lưu lại và phát triển mạnh cho tới ngày nay. Nhiều nghệ nhân khởi lập các đoàn dù kê đầu tiên trên đất bạn là nghệ sĩ của các gánh hát đến từ Sóc Trăng, Trà Vinh… Nhiều năm nay, những đoàn dù kê của nước ta dù là đoàn chuyên nghiệp hay các đội, gánh hát gia đình khi sang biểu diễn tại Campuchia đều được người dân đặc biệt yêu thích.

Nghệ sĩ ưu tú Kim Thịnh – Trưởng đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh, tỉnh Trà Vinh cho biết: “Đoàn NT Khmer Ánh Bình minh diễn tại một số tỉnh trong nước và được Nhà nước phân công đi lưu diễn tại nước bạn Campuchia. Tính từ 1979 đến nay là 13 lần. Nghệ thuật sân khấu dù kê của Khmer Nam bộ qua nước bạn Campuchia được khán gia rất mến mộ. Thậm chí có những đêm thi diễn có hàng chục ngàn khán giả xem.”

Sân khấu dù kê được các nhà nghiên cứu chỉ ra một mốc thời gian quan trọng là trước và sau năm 1980. Trước đó, ở 9 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL có đồng bào Khmer sinh sống, tồn tại rất nhiều đội dù kê quần chúng, gọi là gánh hát, hoạt động mạnh, doanh thu coi như một nghề làm ăn phát đạt. Năm 1980, là thời điểm đất nước khó khăn, các gánh hát dù kê quần chúng dần tan dã hoặc đi vào hoạt động cầm chừng.

Sắp tới, loại hình nghệ thuật dù kê sẽ được trình lên UNESCO. (ảnh: TT&VH)

Những năm tiếp theo cho đến ngày nay, bị ảnh hưởng chung do sự phát triển rầm rộ của nhiều loại hình giải trí hiện đại, dù kê cũng như cải lương của người Kinh trở thành loại hình kén khán giả và khó kiếm được doanh thu. Gánh hát rã đám, chỉ khi nào có được hợp đồng mời phục vụ đám cưới, đám lễ cúng ông Tà, đám cúng phước ở chùa hay gia đình thì chủ gánh mới gọi mọi người tụ lại. Tính riêng ở tỉnh Sóc Trăng đã có 3 đội dù kê tư nhân hoạt động cầm chừng như thế.

Ông Nguyễn Văn Tri – Đội trưởng Đội Thông tin văn nghệ Khmer tỉnh Cà Mau cho biết: “Đội TT Văn nghệ Khmer Cà Mau mới được thành lập năm 2005, đầu tiên chỉ phát triển loại hình ca múa nhạc và đi sâu vào nghệ thuật truyền thống. Nhưng theo nhu cầu và thị hiếu của quần chúng, nhân dân đồng bào dân tộc tỉnh Cà Mau rất khao khát loại hình dù kê. Chính vì vậy, bản thân tôi làm quản lý và anh em trong đơn vị đều cố gắng để một ngày gần đây sẽ phát triển tốt loại hình nghệ thuật dù kê cùng với loại hình ca múa nhạc truyền thống để đáp ứng theo nhu cầu của đồng bào Khmer Cà Mau. Và chúng tôi quyết tâm sẽ làm được điều đó.”

Cùng với sân khấu cải lương, dù kê là sản phẩm văn hóa đáng tự hào của vùng đất Nam bộ, cần được lưu giữ, phát triển, giới thiệu rộng rãi trên tư cách là một đặc trưng của người Khmer ở ĐBSCL. Khởi động cho những nghiên cứu khoa học nghiêm túc về sân khấu dù kê Nam bộ trong thời gian tới là mục đích cao nhất của Hội thảo do Ban chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp tổ chức vừa diễn ra ở tỉnh Trà Vinh.

Được người Khmer Nam bộ sáng tạo tại ĐBSCL, có lịch sử phát triển và sức lan tỏa khá ấn tượng, đến nay sân khấu dù kê vẫn được đông đảo đồng bào yêu thích. Vì vậy, trước nguy cơ thất truyền do giới trẻ đang dần thiếu hiểu biết về loại hình nghệ thuật này thì nỗ lực của các ngành chức năng, địa phương và lớp nghệ nhân yêu nghề đang góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của một đặc sản văn hóa vùng đất đồng bằng./.

Theo : Lệ Hoa/VOV-ĐBSCL

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *