(kontumtv.vn) – Trước những biến động tiêu cực về môi trường trong nhiều năm trở lại đây, câu chuyện về thu gom và phân loại rác thải ngay tại nguồn lại nóng khắp các diễn đàn. K khăn ở đây, chính là làm thế nào để người dân có sự chủ động, tự giác trong việc phân loại rác thải. Câu chuyện sau đây sẽ giúp chúng ta nhìn nhận rõ hơn về vấn đề này.

Nhiều năm làm Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Thống Nhất của xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà, bà Lê Thị Liên cho biết, tuyên truyền người dân giữ gìn vệ sinh môi trường thì dễ, nhưng để người dân tự giác phân loại rác thải ngay tại nhà thì không phải chuyện một sớm một chiều. Đó là hành trình thay đổi cả một nếp sống đã ăn sâu bám rễ trong cộng đồng. Theo bà, điều quan trọng là làm sao để người dân hiểu lợi ích và tự giác thực hiện. Bà Liên nói: “Bớt đi ùn tắc rác thải, thứ nhất là khối lượng rác nhiều quá, nếu phân loại rác được thì 2 -3 tuần mang một bì thôi, nếu ùn tắc vào một chỗ nhiều loại rác bỏ chung thì số lượng nhiều mình không tận dụng, rác thải làm phân như chất mềm, chất lỏng mình mang ra vườn thì đó là mình tận dụng một nguồn phân cho mình, thứ hai là sạch sẽ đảm bảo, thứ 3 là mình gom rác thải nhẹ nhàng, đội vệ sinh môi trường cũng bớt một phần công sức gom”.

Bà Nguyễn Thị Xy ở thôn Thống Nhất, xã Hà Mòn cho biết, cùng các hộ dân khác trong thôn, gia đình bà từ lâu đã có thói quen phân loại rác thải ngay tại nhà. Bà cho biết, đối với 2 loại rác thải chủ yếu của gia đình là túi bóng và rác rau củ, lá cây, bà bỏ riêng từng loại. Theo bà, việc phân loại rác thải sinh hoạt ngay tại nguồn không những góp phần làm giảm áp lực cho môi trường chung mà còn giúp gia đình tận dụng được nguồn nguyên liệu làm phân bón hữu cơ cho vườn cây quanh nhà. Bà Nguyễn Thị Xy cho hay: “Mang lợi ích cho gia đình mình trước tiên, vừa sạch sẽ tốt cho cây, gia đình nhà mình, tôi cứ mang ra vườn cây vườn chè hay cà phê nhà mình tôi đổ, tôi chôn thì cây tốt mà chè cũng tốt. Cứ làm như thế xưa giờ chứ không phải nông thôn mới thì mình phải sạch sẽ gọn gàng như vậy, thói quen nhà mình là như vậy”.

Nói về việc thu gom và phân loại rác thải ở từng hộ dân, ông Lê Đức Thuận, Bí thư Chi bộ thôn Thống nhất, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà cho biết thêm: “Người dân bây giờ hoàn toàn tự giác phân loại rác thải từ nguồn ban đầu, từng hộ gia đình đến tổ xóm này khác, tập trung rác vào điểm cố định. Quy định vào thứ 2, 4, 6 dân mang rác ra để xe môi trường đến chở, cái đó hoàn toàn tự giác của người dân, việc nhắc nhở này kia là không có nữa mà hầu như người dân tự giác đi làm viêc đó rồi”.

Không chỉ ở từng khu dân cư, ngay ở những nơi phát sinh lượng rác thải nhiều như ở chợ thì việc thu gom và phân loại rác thải cũng được các tiểu thương của chợ xã Hà Mòn hưởng ứng. Cho nên, dù là chợ trung tâm của xã với hơn 30 gian hàng chủ yếu bán các loại thực phẩm nhưng rất sạch sẽ. Bà Vũ Thị Mỹ, một tiểu thương buôn bán lâu năm ở chợ Hà Mòn, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà cho biết: “Thường xuyên giữ gìn vệ sinh, rác rưởi bỏ bao, bỏ bì bóng mang ra kia, mọi người đến đây nhắc nhở họ cũng theo, một số không chấp hành thì chị em nói dần dần họ cũng chấp hành”.

Năm 2013, xã Hà Mòn của huyện Đăk Hà về đích nông thôn mới, trở thành xã đầu tiên cán đích nông thôn mới của tỉnh Kon Tum. Trong hành trình thi đua xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, tiêu chí môi trường được địa phương quan tâm triển khai. Trong đó, việc thu gom và phân loại rác ngay tại nguồn được địa phương chú trọng tuyên truyền, vận động. Ông Nguyễn Thái Lâm – Chủ tịch UBND xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà cho biết: “Tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức đến công tác vệ sinh môi trường, cái thứ 2 liên quan đến công tác này cả hệ thống chính trị vào cuộc, Đảng ủy chỉ đạo sát sao, UBND xã tăng cường kiểm tra đôn đốc và khắc phục thiểu sót trong quá trình triển khai thu gom, thứ 3 bám nắm địa bàn, đội vệ sinh môi trường hoạt động chu đáo, đi hết ngõ nghách để thu gom, đem lại lòng tin nhân dân. Sau một thời gian triển khai trên địa bàn xã về vệ sinh môi trường, liên quan rác thải rất sạch sẽ, người dân đồng thuận rất cao”.

Theo kế hoạch ban đầu, xe thu gom rác sẽ tiến hành thu gom dọc tuyến đường chính của xã Hà Mòn 4 lần/tuần. Nhưng vì lượng rác không nhiều, nên tần suất cắt giảm xuống một nửa. Điều này có thể thấy, việc phân loại rác thải ngay tại nguồn đã giảm áp lực cho công tác vệ sinh môi trường, mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Chung Loan – Trọng Nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *