(kontumtv.vn)- Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, cùng với sự nỗ lực của các tầng lớp nhân dân, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Kon Plông (Kon Tum) giai đoạn 2016-2020 đã có những chuyển biến tích cực. Tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh, thu nhập bình quân đầu người được cải thiện, các công trình hạ tầng cơ bản được đầu tư xây dựng đồng bộ.

Già làng A Sâm ở làng Vi Xây, xã Đăk Tăng là một trong những người tiên phong đăng ký tham gia đề án trồng cây cà phê xứ lạnh tại địa phượng. Nhận thức được giá trị kinh tế của loại cây trồng này, ông vận động dân làng cùng tham gia. Năm 2016, được hỗ trợ hơn 1.000 cây giống cà phê Catimo, gia đình đã chăm sóc đúng quy trình kĩ thuật để vườn cây sinh trưởng và phát triển tốt. Khi mô hình nuôi vịt xiêm được triển khai trên địa bàn, già làng A Sâm nhận 10 con giống về nuôi thử nghiệm, nay mô hình cũng đã được mở rộng. Nhờ chăm chỉ và biết tính toán, gia đình ông đã thoát nghèo, kinh tế ngày càng khấm khá, là tấm gương cho bà con noi theo. Già làng A Sâm nói: “Nhà nước đầu tư giống cà phê mình trồng, trồng sau có quả mình bán, bán xong mình lấy tiền, mình xóa cái nghèo. Sau này mình đầu tư cái khác. Thứ hai, nhà Nước đầu tư mình vịt xiêm. Mình nuôi, nuôi để có tiền, đổi thay gia đình. Mình còn sống có tiền bạc mình tiêu”.

Với điều kiện khí hậu mát mẻ và lợi thế về thổ nhưỡng, cây sâm dây trở thành một trong những cây trồng chủ lực tại xã Đăk Tăng. Từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, người dân ngày càng mở rộng diện tích cây dược liệu này. Cây sâm dây đã giúp người dân nơi đây có thu nhập ổn định, tạo động lực để phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Đáng chú ý, thu nhập bình quân đầu người tại xã Đăk Tăng năm 2016 là gần 17 triệu đồng/năm thì năm 2020 đã tăng lên 30 triệu đồng/năm. Ông Trần Văn Nết, Chủ tịch UBND xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông cho biết: “Trên địa bàn xã qua những năm qua đến cuối năm 2020, tỉ lệ hộ nghèo còn lại dưới 10%. Từ khi có chương trình hỗ trợ, mang lại hiệu quả về kinh tế cho người dân, giảm nghèo bền vững”.

Huyện Kon Plông có địa hình chủ yếu là đồi núi nên những năm trước đây, giao thông đi lại tương đối khó khăn. Được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và từ các chương trình mục tiêu quốc gia, đến nay, hơn 85% đường sá đã được bê tông hóa. Từ ngày có đường giao thông thuận lợi, đời sống người dân cũng có nhiều đổi thay. Cùng với đó, trên 90% các công trình thủy lợi nhỏ được xây dựng, nhờ đó người dân đã chủ động được nguồn nước tưới, đảm bảo gieo cấy theo đúng lịch khung thời vụ và thay đổi cách nghĩ, cách làm, từ chỗ phụ thuộc vào yếu tố thời tiết thì nay đã chủ động trong việc thâm canh, canh tác làm 2 vụ lúa/năm. Anh A Viên (thôn Văk Y Nhong, xã Đăk Ring, huyện Kon Plông) chia sẻ: “Hồi xưa không có đường thì rất là cực, vất vả cho bà con. Hiện nay, đã có đường đến ruộng đến rẫy, thu bắp thu mì rất là tiện, có xe máy đến rẫy luôn, rất là có lợi cho bà con. Bà con phát triển kinh tế, có thu nhập. Cái thủy lợi này cũng vậy. Hồi chưa có thủy lợi ruộng rất là thiếu nước, khô nước. Nhiều ruộng đất không có nước để làm ruộng. Hiện nay thì đã có thủy lợi dẫn đến ruộng. Nước rất là đầy đủ, để bà con tưới tiêu ruộng rẫy”.

Qua 5 năm triển khai và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo bền vững, đã mang lại nhiều thay đổi tích cực cho huyện nghèo Kon Plông. Tỉ lệ hộ nghèo năm 2016 của huyện lên đến 48% nhưng đến năm 2020 tỉ lệ này chỉ còn khoảng 15%, với tổng số hộ thoát nghèo xấp xỉ 2.500 hộ. Thu nhập bình quân đầu người vào cuối năm 2020 đạt gần 34 triệu đồng/ năm. Ông Lê Anh Chính, Phó Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện Kon Plông cho biết: “Chương trình góp phần giảm nghèo và cũng là giải pháp để các hộ nghèo, hộ cận nghèo có cơ hội thoát nghèo trên địa bàn. Trước kia mô hình rất cụ thể như mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ cây con giống, rất là thiết thực. Từ đó là một nguồn động lực để bà con phát triển nhân rộng để trở thành hàng hóa, tăng thu nhập cho bà con”.

Kết quả công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Kon Plông đã tạo được niềm tin, động lực cho người dân tích cực lao động, sản xuất, phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững.

                                                                                            Như Quỳnh – A Lê Khăm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *