Không chứng minh được có dấu hiệu vụ lợi
Thời gian vừa qua, dư luận bức xúc trước những vụ gian lận thi THPT Quốc gia ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình… bị phanh phui. Trong đó, vụ gian lận ở Hà Giang được đánh giá là có số bài thi được nâng điểm nhiều nhất với 309 bài thi. Số lượng điểm được nâng cho một bài thi cũng ở mức “kỷ lục”, với một trường hợp thí sinh được nâng tới… 29.95 điểm.
Theo cáo trạng, khoảng đầu tháng 5/2018, bị can Nguyễn Thanh Hoài (Trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục – Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang, Phó Chủ tịch Hội Đồng thi THPT Quốc gia 2018 cấp tỉnh) gọi phó phòng là Vũ Trọng Lương sang phòng làm việc riêng. Tại đây, Hoài nói với Lương kỳ thi THPT Quốc gia 2018 cần nâng điểm cho một số trường hợp đặc biệt. Lương đồng ý và nói cần phải nghiên cứu thêm phần mềm quản lý thi của Bộ Giáo dục.
Bị can Nguyễn Thanh Hoài. |
Giữa tháng 5/2018, sau khi tổ chức quét và chấm thử trên phần mềm xử lý bài thi trắc nghiệm của Bộ Giáo dục, Lương xác nhận với Hoài rằng việc xử lý nâng điểm có thể thực hiện được.
Sau khi nghe Lương báo cáo, Hoài quyết định thực hiện việc nâng điểm và 3 lần chuyển danh sách tên, số báo danh các thí sinh cần nâng, số điểm cần nâng gửi cho Lương, tổng số là 93 thí sinh. Để làm điều này, Hoài tải danh sách thí sinh dự thi, đối với các trường hợp cần nâng điểm thì “bôi vàng” và chú thích số điểm cần nâng vào bên cạnh, rồi gửi file tài liệu này cho Lương thông qua một USB.
Sau đó, tiếp tục có các người thân quen nhờ Hoài “tác động”. Vị Trưởng phòng này tiếp tục gửi thông tin thí sinh cần nâng điểm qua tin nhắn điện thoại và email cho cấp dưới Vũ Trọng Lương để thực hiện chiêu trò “phù phép nâng điểm”.
Tổng cộng, Hoài và Lương đã nhận lời giúp nâng điểm với 107 thí sinh, tổng số bài thi được nâng là 309 bài thi. Ngày 27/6/2018, khi Bộ GD&ĐT công bố đáp án chính thức các bài thi của kỳ thi THPT Quốc gia 2018, Lương tải các đáp án chuyển sang máy tính có phần mềm chấm thi. Trong quá trình xử lý bài thi trắc nghiệm, Lương dựa vào danh sách thí sinh được “nhờ vả” để sửa điểm.
Bản cáo trạng này cũng cho thấy, trong quá trình điều tra, Cơ quan An ninh điều tra đã áp dụng tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật nhưng không thu thập được chứng cứ để chứng minh được có yếu tố vụ lợi trong vụ án. Không gia đình của thí sinh nào khai nhận có đưa tiền hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị để nhờ nâng điềm, ngoài ra lời khai của bị can Hoài, Lương không thừa nhận mà chỉ giúp nâng điểm do mối quan hệ quen biết, bạn bè, người thân.
Cáo trạng nêu rõ hành vi phạm tội của các bị can này đã xâm hại đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước. Gian lận trong thi cử không chỉ để lại hậu quả trước mắt mà còn về lâu dài sẽ đào tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng thấp và yếu kém, tác động đến đạo đức xã hội, không còn sự công bằng trong xã hội.
Tuy nhiên, đối với hành vi gian lận thi cử của các bị can xảy ra tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang, sau khi bị phát hiện Bộ GD-ĐT đã chấm thẩm định, trả lại kết quả chính xác cho các thi sinh trước khi xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc nên không có thì sinh nào bị buộc thôi học tại các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc.
Sợ con trượt tốt nghiệp, Phó giám đốc sở GD&ĐT nhờ “nâng đỡ”
Nhiều quan chức tại tỉnh Hà Giang được xác định đã nhờ Hoài và Lương “can thiệp” để con cháu đạt điểm cao. Trong đó có Phó giám đốc sở GD&ĐT Hà Giang – ông Phạm Văn Khuông. Cáo trạng xác định: Ngày 13/6/2018, ông Phạm Văn Khuông lên phòng làm việc của Hoài và nhờ Hoài giúp đỡ cho con trai dự kỳ thi THPT Quốc gia 2018 đăng ký xét tuyển Đại học y Thái Bình.
Khi nhờ vả, Khuông có nhắc với Hoài: “Anh chỉ lo con anh trượt tốt nghiệp, phải xem xét tất cả các môn thi cho con anh”. Hoài vâng lời, kết quả xác định con trai của ông Khuông được nâng tổng cộng 13,3 điểm.
Hai cựu Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang – Phạm Văn Khuông và Triệu Thị Chính. |
Ngoài ông Khuông, một Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang khác là bà Triệu Thị Chính cũng tác động nhờ Hoài nâng điểm. Trước kỳ thi, bà Chính gặp Hoài và đưa một bản danh sách 12 thí sinh, nhờ Hoài nâng điểm môn Ngữ văn. Hoài nhận lời, tuy nhiên trong quá trình chấm bài môn Ngữ văn, Hoài gặp phải sự giám sát chặt chẽ của thanh tra và không thể tiến hành sửa điểm cho 12 thí sinh đã được Chính nhờ.
Bên cạnh đó, bà Lê Thị Dung, Phó đội trưởng Đội Giáo dục đào tạo, Y tế, Lao động xã hội thuộc Phòng An ninh chính trị nội bộ – công an tỉnh Hà Giang cũng là một trong số những người nhờ Hoài sửa điểm với số lượng lớn. Cuối tháng 4/2018, bà Dung đến gặp Hoài rồi nhắn nhủ: “Trong kỳ thi này, em có một số cháu nhờ anh giúp đỡ, để các cháu được đi học”.
Bà Dung đã 3 lần đưa danh sách thí sinh cho Hoài, với tổng cộng 20 thí sinh cần “phù phép” nâng điểm. Kết quả, cả 20 thí sinh trong danh sách này đều được nâng điểm môn thi trắc nghiệm.
Với các hành vi phạm tội như trên, Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo điểm a khoản 2 Điều 356 BLHS.
Triệu Thị Chính bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, quy định tại điểm b khoản 1 Điều 358 BLHS năm 2015.
Phạm Văn Khuông và Lê Thị Dung bị truy tố về tội Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi, quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 366 BLHS năm 2015./.
Trọng Phú/VOV.VN