(kontumtv.vn) –  Kế thừa và phát huy tốt truyền thống, tranh thủ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Kon Tum đã có nhiều nỗ lực vượt khó, đạt được những kết quả nổi bật sau 30 năm thành lập lại tỉnh Kon Tum.  

Năm 1991 tỉnh Kon Tum được thành lập lại. Thời điểm đó ngành giáo dục của tỉnh gặp phải không ít khó khăn và thách thức. Toàn tỉnh chỉ có 109 trường và có đến 108 làng trắng về giáo dục. Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hóa, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, Nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, khi thành lập lại tỉnh Kon Tum, ông đang là giáo viên tại trường THPT Kon Tum. Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hóa chia sẻ: “Giáo dục tỉnh Kon Tum lúc bấy giờ đang đứng trước nhiều khó khăn lớn. Hệ thống trường lớp còn khó khăn, mạng lưới mỏng, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn thiếu thốn chưa đáp ứng được yêu cầu. Đội ngũ vừa thiếu, vừa yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu nghiệp vụ, tỉ lệ học sinh ra lớp còn thấp.”

Được sự ưu tiên quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, kết hợp với tinh thần cống hiến và vượt khó của đội ngũ ngành giáo dục, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh Kon Tum khởi sắc sau 30 năm thành lập lại tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có gần 400 cơ sở GD&ĐT. Trong đó, 1 Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum, 1 Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum, 136 trường mầm non, 99 trường tiểu học, 49 trường Tiểu học-THCS, 62 trường THCS, 28 trường THPT, 8 trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện, 1 Trung tâm GDTX tỉnh. Trong đó, gần 180 trường đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống trường lớp được tăng cường đã góp phần giảm bớt khoảng cách về giáo dục giữa vùng khó khăn với vùng thuận lợi. Chị Nguyễn Thị Thìn năm nay 52 tuổi, hiện ở TDP 7 thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà cho biết, thời điểm 1991 việc học tập THCS, THPT tại khu vực xã Hà Mòn cũ trước đây, nay là thị trấn Đăk Hà của huyện Đăk Hà rất khó khăn. Chị Thìn nhớ lại: “Năm 1991 ở đây chỉ có trường cấp 1 của nông lâm trường thôi. Nếu con em muốn đi học cấp 2, cấp 3 phải xuống dưới Kon Tum cơ. Bây giờ sau 30 năm phát triển trường cấp 3 của chúng tôi đây có 3 trường, trường cấp 2 hầu như xã nào cũng có 1-2 trường.”

Song song với việc phát triển hệ thống trường lớp, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trên địa bàn tỉnh không ngừng được củng cố và kiện toàn đảm bảo đủ về số lượng, chuẩn hóa về trình độ. Đến nay, có 100% giáo viên các cấp đạt từ chuẩn trở lên; 98% cán bộ quản lý giáo dục có trình độ đạt chuẩn trở lên.

Sự phát triển của giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số là điểm nhấn của tỉnh Kon Tum sau 30 năm thành lập lại tỉnh. Những lớp học tạm bợ trước đây giờ được thay thế bằng trường, lớp được xây dựng kiên cố, khang trang. Con em đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm chăm lo, được hỗ trợ học tập trong các trường học bán trú, nội trú. Trên địa bàn tỉnh hiện có 10 trường PTDTNT với gần 3.600 học sinh. Bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum cho biết, kết quả đạt được của sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh Kon Tum đến thời điểm hiện nay là niềm tự hào, sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của toàn ngành. Bà Phạm Thị Trung cho biết: “Một trong những kết quả nỗi bật đó là sự phát triển của mạng lưới quy mô trường lớp rộng khắp, tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu học sinh ra lớp, góp phần nâng cao chất lượng GD, đặc biệt là GD vùng DTTS. Năm 1991 chỉ có 30% học sinh DTTS thì hiện nay hơn 59%. Chất lượng HSDTTS ở bật mầm non, TH, THCS và THPT thể hiên rất rõ qua việc duy trì phổ cập mầm non trẻ 5 tuổi, giữ vững phổ cập tiểu học và THCS, tỉ lệ học sinh DTTS tốt nghiệp phổ thông cũng rất cao, duy trì từ 95-98%.”

Sau thành lập lại tỉnh, tỷ lệ người mù chữ rất cao. Đến năm 2.000 tỉnh Kon Tum được công nhận đạt chuẩn XMC và PCGD tiểu học. Hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn và các huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi. Số xã, phường, thị trấn và huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 được giữ vững. Lĩnh vực giáo dục mũi nhọn, chất lượng cao của tỉnh Kon Tum đạt kết quả tích cực. Hằng năm tỉnh Kon Tum đều có học sinh giỏi cấp Quốc gia. Gần đây nhất có em Bùi Thị Ngọc Quỳnh, học sinh trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành đậu thủ khoa Khối D trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2021.

Tiếp tục đổi mới phát triển, nỗ lực đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh về lĩnh vực giáo dục vào thực tiễn là mục tiêu được ngành đặt ra để phấn đấu. Theo bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở GD&ĐT, ngành xác định các nhiệm vụ trọng tâm: Nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ mầm non. Đối với giáo dục phổ thông, tập trung triển khai có hiệu quả đổi mới chương trình sách giáo khoa trong đó chú trọng giáo dục các kỹ năng sống, đảm bảo học sinh phát triển một cách hài hòa. Sở cũng tập trung tham mưu các giải pháp vừa nâng cao giáo dục đại trà nhưng cũng nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, tổ chức thực hiện có hiệu quả mục tiêu phân luồng giáo dục trên địa bàn tỉnh. Đổi mới giáo dục nghề nghiệp, nâng cao hiệu quả giáo dục thường xuyên.

Những thành tựu và kết quả của ngành giáo dục trong thời gian qua là hành trang để ngành GD&ĐT tỉnh Kon Tum tiếp tục có những bước phát triển trong thời gian đến.

                                                                                            Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *