(kontumtv.vn) – Khi nhắc đến các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, mọi người sẽ liên tưởng đến một công trình kiến trúc vô cùng độc đáo, đó là Nhà rông –  biểu tượng vĩnh hằng của sức sống cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên; sẽ nhắc đến không gian văn hóa cồng chiêng – một kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Và chắc chắn sẽ nhắc đến tập quán sử dụng nước giọt của người dân tộc thiểu số – một tập quán sinh hoạt đã tạo nên sự gắn kết cộng đồng.

Với lịch sử 110 năm thành lập và phát triển, các dân tộc thiểu số ở Kon Tum vẫn đang gìn giữ nhiều nét văn hóa độc đáo, trong đó có giọt nước. Từ thuở xưa, mỗi cộng đồng người dân tộc thiểu số đều có ít nhất một giọt nước. Giọt nước đối với các dân tộc thiểu số Tây nguyên nói chung, người dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum nói riêng là một biểu tượng văn hóa hết sức độc đáo, gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần, tâm linh của bà con.

Nghệ nhân ưu tú A Jar ở thôn Plei Đôn, phường Quang Trung, TP Kon Tum cho biết, trước đây, khi các dân tộc thiểu số lập làng, các già làng thường chọn nơi đất đai trù phú, vị trí đẹp và quan trọng nhất là có nguồn nước sạch. Thời xa xưa, nguồn nước sạch chủ yếu là nguồn nước lấy từ mạch núi, được dẫn về làng bằng các cây lồ ô nối tiếp nhau. Vì lấy từ khe núi nên nước rất tinh khiết, thanh mát, có thể sử dụng trong việc ăn uống hàng ngày. Nghệ nhân A Jar cho biết: “Nói chung giọt nước đối với đồng bào dân tộc dù là dân tộc nào, rất là quan trọng. Ngày xưa trước khi dời làng là người ta phải nghiên cứu, khảo sát về giọt nước, nếu mà chỗ nào không có giọt nước thì không thể lập làng được. Giọt nước nó còn quan trọng hơn nước sông, nước sông nó chỉ để tắm giặt nhưng mà nước giọt để nấu ăn và cũng có thể giặt giũ ở đó.”

  Thôn Kon Tum Kơ Nâm, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum là một trong số các thôn người dân tộc thiểu số ở nội thành còn sử dụng nước giọt. Mặc dù khoảng 70% hộ dân trong thôn đã có giếng nước, song phần lớn bà con trong thôn vẫn sử dụng nước giọt hằng ngày. Buổi sáng hoặc chiều tối là thời điểm giọt nước đông người, rộn ràng tiếng nói cười. Bà Y Blưr – Bí thư chi bộ, Thôn trưởng thôn Kon Tum Kơ Nâm chia sẻ: “Phần đông bà con vẫn thích sử dụng nước giọt này. Họ gắn bó với giọt nước từ lúc mới đẻ ra, vì đây là nơi nhiều anh em họ hàng tới sum vầy cũng như là nói chuyện với nhau, gặp gỡ với nhau lúc sáng, lúc trưa, lúc tối cho nên giọt nước này là một niềm hạn phúc của bà con.

Giọt nước đã gắn bó với đời sống người dân tộc thiểu số hàng trăm năm nay. Trải qua nhiều thế hệ, nhiều thôn, làng người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh vẫn gìn giữ giọt nước đến tận ngày nay. Ông A Hyech ở thôn Kon Tum Kơ Nâm, phường Thống Nhất cho biết, bản thân đã gắn bó với giọt nước từ khi sinh ra đến tận bây giờ khi đã 74 tuổi ông vẫn giữ thói quen uống nước giọt.

Đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, ngoài nhà rông, giọt nước của cộng đồng được xem là không gian gắn kết người dân trong thôn với nhau thông qua sinh hoạt đời sống hàng ngày, là nơi người dân gặp gỡ mỗi khi lấy nước, khi tắm gội, giặt giũ. Có thể nói, giọt nước là nét đẹp truyền thống gắn liền với đời sống văn hoá và sinh hoạt của mỗi cộng đồng người dân tộc thiểu số. Nghệ nhân A Jring Đeng ở thôn Kon Brăp Ju, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy cho biết: “Theo cổ truyền để lại thì giọt nước là sự sống còn, cho nên chúng tôi mỗi một năm như thế cúng máng nước chỉ có gà thôi nhưng mà đánh trống từ khi bắt đầu già làng ra khỏi nhà để cúng máng nước đến khi các già làng đi cúng máng nước về nhà rông thì cũng phải đánh trống. Đánh trống gọi là liên tiếp trong thời gian một ngày đến khoảng 4 giờ rưỡi sáng ngày hôm  sau mới cắt trống.

Ngày nay, giọt nước không còn nhiều, song ở những thôn, làng người dân tộc thiểu số còn giọt nước bà con vẫn nỗ lực gìn giữ để nguồn nước được trong sạch và giữ thói quen sử dụng nguồn nước trong sinh hoạt hàng ngày. Đây cũng là cách để họ gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình./.

Thanh Tùng – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *