(kontumtv.vn) – Với mỗi người, hạnh phúc không phải lúc nào cũng giống nhau. Đối với người khuyết tật, hạnh phúc đến từ những điều giản đơn, bình dị nhất. Dẫu cuộc sống đôi lúc chưa thật sự mỉm cười, họ vẫn lạc quan vui sống, yêu thương, nương tựa, đùm bọc nhau. Và hạnh phúc lúc này chính là sẻ chia.

Giữa năm 2014, anh Lê Văn Thạch, một người khuyết tật ở thôn 5, xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum đã đứng ra thành lập nhóm làm chổi đót nhằm tạo việc làm cho những người khuyết tật khác trên địa bàn. Ban đầu, nhóm có 14 thành viên, sau giảm còn gần 10 người do một số thành viên ốm và qua đời. Đối với làm chổi, mỗi người đảm nhiệm một phần việc khác nhau tùy vào sức khỏe và khả năng của bản thân. Anh Lê Văn Thạch, Trưởng nhóm làm chổi cho biết, trung bình mỗi tháng, nhóm nhận làm đơn hàng khoảng trên dưới 1.000 cây chổi đót. Công việc ổn định đã giúp các thành viên thu nhập từ 2 đến 3 triệu đồng một tháng: ‘Người khuyết tật thì bản thân của họ rất tự ti, mặc cảm. Từ lúc tham gia mô hình chổi này thì anh em động viên, các thành viên động viên nhau thì thấy họ vươn lên, vui vẻ, cũng giảm bớt bệnh tật rồi cũng tạo thu nhập, tự tay họ làm ra sản phẩm. Tuy đồng tiền không nhiều nhưng họ tự làm ra, họ mua sắm được vật dụng cá nhân của họ, họ rất vui”.

Tham gia từ những ngày đầu nhóm mới thành lập, qua hơn 6 năm, giờ đây, A Quang, 21 tuổi, nhà ở làng Plei Rơ Wăk, xã Đăk Năng, thành phố Kon Tum đã có thể làm thành thạo công đoạn tước vỏ đót dù đôi tay bị khuyết tật. Sinh ra không may mắn khi bàn tay chẳng thể vận động, A Quang vẫn sống vui, sống có ích với cộng đồng. A Quang nói: “Em thấy mọi người cũng ổn. Em không biết thì mọi người cũng chỉ em từng công đoạn một. Em cũng cố gắng do tay em yếu nên em bó không được. Em cũng thích bó lắm nhưng không được bó nên em chọn làm cái này”.

Từ khi nhóm làm chổi đót được thành lập, những người khuyết tật trên địa bàn có nơi gặp gỡ, trao đổi, chuyện trò. Không chỉ tương trợ, giúp đỡ nhau trong công việc, họ còn san sẻ, nương tựa và đùm bọc nhau trong cuộc sống. Anh Lê Văn Thạch, Trưởng nhóm làm chổi đót phấn khởi nói: “Đa số ngồi với nhau, người yếu tay thì làm công đoạn này, người yếu chân thì làm công đoạn kia, gọi là mình biết sắp xếp mỗi thành viên mỗi công đoạn, làm sao họ thuận tiện nhất. Rồi giúp nhau trong nhóm đây từ lúc thành lập tới giờ, hàng tháng sinh hoạt, chia sẻ, mỗi thành viên đau ốm thì mình thăm, trích một phần hoặc anh em đóng góp để đi thăm”.

Dẫu cuộc sống đôi lúc chưa thật sự may mắn nhưng người khuyết tật vẫn khát khao vươn lên, tỏa sáng giữa đời thường. Chính tình yêu thương, sự quan tâm, sẻ chia, đùm bọc của cộng đồng là liều thuốc tinh thần quý giá giúp người khuyết tật xóa bỏ mặc cảm, tự ti để sống vui, hạnh phúc.

Thu Trang – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *