(kontumtv.vn) – So với HLV nội, các HLV ngoại luôn được đặt sự kỳ vọng rất lớn, nhưng không phải ai cũng thành công.

Trong vài năm qua, VFF luôn theo đuổi phương án sử dụng HLV nội. Trào lưu này của VFF cũng dễ hiểu, khi Malaysia từng rất thành công với HLV trong nước. Chưa kể gần nhất, VFF từng ăn “trái đắng” với HLV ngoại được quảng cáo là “người giỏi nhất” đến từ nước Đức-HLV Falko Goetz.

Thế nhưng, sau 2 thất bại liên tiếp của 2 HLV nội Phan Thanh Hùng và Hoàng Văn Phúc, VFF lại lựa chọn HLV ngoại và lần này là HLV Nhật Bản. VFF hy vọng HLV ngoại sẽ tiếp tục tạo nên những dấu ấn, như một số HLV ngoại trong quá khứ từng làm được.

VFF, ĐTVN, Nhật Bản
HLV Calisto là HLV ngoại thành công nhất

Năm 1995, ĐTVN có HLV ngoại đầu tiên là ông Edson Tavares. Tuy nhiên, thời gian làm việc của HLV người Brazil chỉ kéo dài 42 ngày trước khi nói lời chia tay.

HLV Karl Heiz Weigang được VFF thuê chuẩn bị cho SEA Games 1995. Cũng như người tiền nhiệm Tavares, ông Weigang tập trung cải thiện vấn đề thể lực cho tuyển Việt Nam, thông qua những chuyến tập huấn châu Âu. Theo HLV người Đức, phong cách hiện đại đến từ châu Âu mới có thể nâng tầm bóng đá nước nhà.

Chính ông Weigang đặt nền móng cho sự phát triển của bóng đá Việt. Thành công đầu tiền của ông Weigang là tấm HCB tại SEA Games 18 năm 1995. Đó thực sự là một món quà tuyệt vời mà ông thầy người Đức đã giành tặng cho bóng đá Việt Nam. HCB SEA Games là thành tích cao nhất kể từ khi bóng đá Việt Nam hội nhập trở lại với bóng đá khu vực.

Ở Tiger Cup 1996, HLV người Đức cũng đã giúp bóng đá Việt Nam giành được tấm HCĐ. Dưới thời HLV Weigang, những cái tên như Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Công Minh…đã trở thành thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam.

Được đánh giá cao về chuyên môn, nhưng do mâu thuẫn với một vài cầu thủ vì những biểu hiện tiêu cực trong đội, HLV người Đức đã chia tay bóng đá Việt Nam. Người được VFF lựa chọn để thế vị trí của ông Weigang là HLV người Anh Colin Murphy. HLV này chỉ giúp ĐTVN giành HCĐ tại SEA Games 19 năm 1997.

Trong các đời HLV ngoại dẫn dắt tuyển Việt Nam và U23, HLV Anfred Riedl được mệnh danh là “Vua về nhì”. Tấm HCB đáng tiếc nhất với HLV người Áo và cả với bóng đá Việt Nam là Tiger Cup 1998. Đó là năm tuyển Việt Nam tưởng như sẽ lần đầu lên ngôi vô địch khu vực, khi đánh bại đối thủ mạnh nhất Thái Lan với tỷ số 3-0 ở bán kết. Thế nhưng, đã bất ngờ gục ngã trước Singapore trong trận chung kết trên sân Hàng Đẫy. Đó sẽ là một kỷ niệm không bao giờ quên với các tuyển thủ và người hâm mộ.

VFF, ĐTVN, Nhật Bản
VFF kỳ vọng lớn với HLV người Nhật Bản Miura

HLV Riedl cũng là ông thầy ngoại gắn bó với đội tuyển Việt Nam lâu nhất, với những thành tích đáng chú ý như: HCB SEA Games 1999, HCB SEA Games 2005 và HCĐ AFF Cup 2007.Trước khi chia tay bóng đá Việt Nam, HLV người Áo vẫn tạo nên dấu ấn lớn tại VCK Asian Cup 2007, khi đưa tuyển Việt Nam đến tứ kết.

Xen giữa 2 nhiệm kỳ của ông Riedl là Edson Silva Dido. Đây là một trong những HLV ngoại nhận thất bại đau đớn nhất, khi tuyển Việt Nam bị loại ngay từ vòng sơ loại World Cup 2002 và thua ngay từ vòng bảng SEA Games 2001.

HLV Henrique Calisto chính là HLV ngoại thành công nhất với chức vô địch AFF Cup 2008 đầu tiên trong lịch sử. Dưới thời Calisto, đội tuyển Việt Nam tận dụng triệt để lối chơi nhỏ-nhuyễn-nhanh, lẫn tinh thần máu lửa. Sau thất bại tại AFF Cup 2010, HLV Calisto đã chủ động chia tay ĐTVN.

HLV ngoại gần nhất là Falko Goetz đến từ Đức. Dù được rất kỳ vọng nhưng ngay lần đầu tiên dẫn dắt U23 tham dự SEA Games 26, HLV người Đức đã thất bại với vị trí hạng 4. Sau đó, ông Goetz đã bị VFF sa thải khi đang nghỉ kỳ Giáng sinh ở quê nhà.

Sau 2 đời HLV nội, lần đầu tiên VFF thuê một HLV Nhật Bản dẫn dắt ĐTVN và U23. HLV Toshiya Miura là cái tên còn quá xa lạ và bảng thành tích cũng rất nghèo nàn, nhưng VFF sẽ kiên trì với phong cách và phương pháp huấn luyện của người Nhật Bản. Hy vọng là trong tương lai gần, ĐTVN và U23 sẽ có một diện mạo mới dưới triều đại HLV Toshiya Miura.

Huy Phong/Vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *