(kontumtv.vn) – UBND tỉnh giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố nghiên cứu nội dung Nghị quyết 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 để chủ động thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh những nội dung thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Để hiểu rõ hơn về điều này, phóng viên Đài PT-TH tỉnh đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trung Thuận, Phó GĐ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Phóng viên Thu Trang: Đầu tiên xin cảm ơn ông Nguyễn Trung Thuận, Phó GĐ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã nhận lời tham gia cuộc trao đổi hôm nay. Thưa ông, ngày 01/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. So với Nghị quyết 42 đã ban hành và triển khai năm 2020, Nghị quyết 68 có những điểm mới như thế nào?

Ông Nguyễn Trung Thuận – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội: Quyết định 23 cũng như Nghị quyết 68 thì rõ ràng hơn, phân cấp, phân quyền nội dung, các nhóm đối tượng được cụ thể hơn, rõ ràng hơn rồi thủ tục, hồ sơ, các bước thực hiện cụ thể hơn và chỉ cần chúng ta triển khai thôi chứ cấp cơ sở không cần phải ban hành nhiều văn bản triển khai, cứ bám vô các quy định để mà triển khai thôi. Điểm mới nữa là về đối tượng, Nghị quyết 68 cũng như Quyết định lần này rõ hơn, có 12 nhóm chính sách để hỗ trợ cho người dân và các tổ chức bị ảnh hưởng. So với Nghị quyết 42 trước đây chúng ta có 8 nhóm, lần này có 12 nhóm cụ thể hơn. Về thời gian thực hiện thì quy định cụ thể cho từng nhóm chính sách và có thời gian, lộ trình dài hơn khi thực hiện hỗ trợ cho người dân và các tổ chức bị ảnh hưởng. Và Nghị quyết cũng như Quyết định của Thủ tướng cũng phân rõ các nguồn lực, nguồn kinh phí để mà chúng ta thực hiện, phân cấp ra nguồn nào bao nhiêu % của Trung ương, còn lại của địa phương thì cũng rất rõ và dễ làm để triển khai thực hiện.

Phóng viên Thu Trang: Thưa ông, thực tế cho thấy, năm 2020, khi thực hiện gói hỗ trợ của Chính phủ theo Nghị quyết 42, đối tượng lao động tự do có thể nói là khó tiếp cận đầy đủ gói cứu trợ do lao động tự do di chuyển qua lại giữa các địa phương nên việc lấy xác nhận giữa địa phương này với địa phương khác gặp khó khăn. Điều này sẽ được giải quyết như thế nào khi chúng ta thực hiện gói cứu trợ theo Nghị quyết 68?

Ông Nguyễn Trung Thuận – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội: Theo kế hoạch 2456 của UBND tỉnh thì UBND tỉnh đang giao cho UBND các huyện, thành phố rà soát lại nhóm đối tượng này và báo cáo về UBND tỉnh qua Sở Lao động trước ngày 25/7. Trên cơ sở báo cáo của UBND các huyện, thành phố thì Sở Lao động sẽ phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan để tham mưu cấp có thẩm quyền của tỉnh về tiêu chí, đối tượng, nguồn lực, kinh phí và mức hỗ trợ để mà triển khai thực hiện cho nhóm này. Tinh thần là nhóm này sau khi chốt được danh sách, nguồn lực và cấp có thẩm quyền phê duyệt thì hướng cũng sẽ giao cho UBND các huyện, thành phố chủ trì thẩm định, tham mực thực hiện chính sách này cho người lao động tự do, mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Phóng viên Thu Trang: Rõ ràng UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo quyết liệt trong việc phân cấp, phân quyền cụ thể cho từng ngành, từng địa phương để thực hiện gói hỗ trợ. Đối với việc phân cấp, phân quyền cụ thể như thế thì góp phần như thế nào trong thực hiện đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng theo gói hỗ trợ cho người dân?

Ông Nguyễn Trung Thuận – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội: Theo kế hoạch 2456, đến giờ hầu hết các huyện, thành phố đã có kế hoạch triển khai thực hiện. Và trong kế hoạch của UBND các huyện, thành phố thì cũng phân rõ trách nhiệm của từng phòng, ban, UBND các xã, phường, thị trấn, trách nhiệm của từng đơn vị ở từng nhóm đúng theo chức năng, nhiệm vụ được giao, từ đó để kịp thời tham mưu sớm, nhanh, đúng đối tượng để người bị ảnh hưởng, các cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng sớm được hưởng thụ chính sách của Nhà nước. Rút kinh nghiệm triển khai Nghị quyết 42 trước đây thì từ Trung ương cũng như đến tỉnh, các ngành hiện nay cũng có kinh nghiệm triển khai hơn. Vì vậy việc phân cấp, phân quyền rồi giao trách nhiệm cho từng ngành, chính quyền địa phương các cấp từ tỉnh đến huyện, xã thì đây là cách làm minh bạch, giúp quá trình thực hiện minh bạch, công khai và nó đúng quy định, đúng chức năng, nhiệm vụ. Đây là cách làm chúng tôi nghĩ nó đảm bảo đúng cái thẩm quyền cũng như cải cách thủ tục hành chính của chúng ta hiện nay.

Phóng viên Thu Trang: Một lần nữa xin cảm ơn ông Nguyễn Trung Thuận, Phó GĐ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham gia cuộc trao đổi hôm nay!

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *